'Đừng ngồi tưởng tượng khó khăn, cứ xách xe đạp và lên đường'
Vì sao là Paris? Đó là nơi Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc diễn ra tại Paris (COP21) từ 30/11 đến 11/12. Vì sao phải xe đạp? Bởi đó là phương tiện mà con người có thể dùng để đi lại mà không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Và tại sao là Kim Ngân và Simon? Simon Nelson (41 tuổi, người Scotland) là nhà hoạt động vì môi trường đã 20 năm nay, từng đi qua 47 nước trên thế giới và đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường ở Việt Nam. Còn Kim Ngân (28 tuổi, người Việt Nam) là tác giả của vài cuốn sách hợp tác cùng NXB Kim Đồng và thi thoảng có tham gia vào các hoạt động về môi trường. Chuyến đi 10 tháng này đến như một điều hiển nhiên, có chút gì ngẫu hứng, nhưng đằng sau đó là sự cố gắng rất lớn.
Đôi tình nhân Việt Nam - Scotland trò chuyện với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần nhân dịp họ vừa đến Hà Nội sau quãng đường đạp xe 2.000km từ An Giang. Trước mặt là hành trình 14.000km qua 9 nước. Từ Đông sang Tây, họ sẽ đi qua từ Việt Nam qua Trung Quốc, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italy, Pháp (xem bản đồ lộ trình).
Yêu nhau vì cùng yêu phiêu lưu và yêu môi trường
* Hai bạn gặp nhau, yêu nhau rồi lập ra kế hoạch này. Chuyện xảy ra như thế nào?
- Kim Ngân: Chúng tôi gặp nhau năm 2013 nhờ liên hệ qua diễn đàn Couchsurfing dành cho dân du lịch bụi. Simon vừa đến TP.HCM và muốn tìm một người bản xứ cùng anh trao đổi ngôn ngữ, còn tôi xem thông tin về anh thấy bức ảnh anh chụp dưới chân đỉnh Everest nên gặp để hỏi anh về kinh nghiệm leo đỉnh Everest nhằm có thêm tư liệu sáng tác. Vì thế, khi gặp anh, tôi rất… thất vọng vì anh chỉ đi du lịch ngang qua đó chứ chưa hề leo đỉnh Everest.
* Rồi sao nữa?
- Kim Ngân: Sau đó, có chút hiểu nhầm xảy ra khiến tôi ghét và không muốn gặp lại anh nữa. Chuyện này kéo dài một thời gian, cho đến khi một người bạn trên Facebook mà tôi chưa từng gặp ngoài đời đang cần tìm người bản ngữ gấp để giúp bạn kiểm tra tài liệu trước khi gửi đơn xin học bổng, nên lúc đó tôi muốn giúp bạn và thấy trong danh sách bạn nước ngoài của mình chỉ có Simon là online. Sau khi Simon giúp tôi kiểm tra tài liệu thì chúng tôi quyết định gặp lại nhau để tôi có thể cảm ơn anh đã giúp đỡ. Một thời gian sau thì Simon mới thổ lộ tình cảm và tôi cần có thời gian để tìm hiểu thêm về những điểm chung giữa hai người.
Thời gian giúp tôi hiểu nhiều hơn về con người Simon và thấy anh rất khác với những người bạn phương Tây mà tôi biết, anh say mê hoạt động bảo vệ môi trường và có niềm đam mê với xe đạp, nhất là khi nhìn thấy hình ảnh anh mua cặp sách đi học cho một cô bé nghèo ở miền Tây. Đến khi anh đề nghị tôi cùng đạp xe để kêu gọi hành động vì biến đổi khí hậu thì tôi đồng ý ngay.
Nghĩ quá nhiều về khó khăn thì không thể lên đường
* Simon, nghe nói anh đã đi khắp miền Tây của Việt Nam. Vì sao anh quan tâm đến đất nước này như vậy?
- Simon: Tôi lớn lên nơi một miền quê ở Scotland, môi trường thiên nhiên là thứ không hề xa lạ với tôi. Bố tôi là một nhà khoa học, nên từ nhỏ, tôi đã quan tâm đến môi trường. Khi đi học và nghiên cứu, tôi càng nhận ra môi trường có những vấn đề lớn không thể không bận tâm. Tôi đã hoạt động môi trường suốt 20 năm nay và sẽ tiếp tục làm công việc này.
Trước Việt Nam, tôi đã đến 47 nước, gồm hầu hết châu Âu, Nga, Kenya, nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Mông Cổ, Iran, Australia, New Zealand. Rồi tôi đến Việt Nam, một đất nước xinh đẹp. Tôi không thích xe hơi, Việt Nam chưa có nhiều xe hơi lắm, tôi thích điều đó. Nhưng ở đây lại có nhiều vấn đề về môi trường như ô nhiễm, đặc biệt là chặt phá cây rừng, đánh bắt cá quá mức. Vấn đề lớn nhất là biến đổi khí hậu.
Vì thế, tôi quyết định lấy tỉnh An Giang của Việt Nam, một địa phương chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, làm điểm xuất phát cho hành trình của mình.
* Đã có nhiều người đi xe đạp xuyên Việt nhưng đi xuyên 10 nước thì đây là lần đầu tiên ở Việt Nam. Anh chị có lường trước nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm không?
- Simon: 18 năm trước, hai người bạn của tôi từng thực hiện một chuyến đạp xe từ Anh đi Australia để phiêu lưu và khám phá. Hành trình của họ còn dài hơn của chúng tôi. Tôi đã quen với những chuyến đi như thế này nên không ngại ngần gì. Xe đạp cũng là phương tiện quen thuộc của tôi. Sống tại TP.HCM, tôi đạp xe 8km mỗi ngày để đi làm. Chiếc xe giúp tôi luồn lách thuận tiện mỗi khi tắc đường và rèn luyện sức khỏe. Kinh nghiệm đi các nước của tôi cũng rất nhiều nên không có vấn đề gì.
- Kim Ngân: Còn tôi ít kinh nghiệm hơn nhưng nhờ có người bạn đồng hành rất đáng tin cậy là Simon nên tôi hoàn toàn tự tin khi bước vào hành trình. Bình thường, tôi vẫn đi làm bằng xe máy nên vài tháng trước khi khởi hành, tôi tập đi xe đạp xuống miền Tây cùng Simon. Tổng cộng có 4 lần đều vào cuối năm ngoái. Lần đầu tiên là đi Tiền Giang 2 ngày, rồi đi Cần Giờ 2 ngày, đi Trà Vinh 3 ngày và đi Bò Cạp Vàng 1 ngày.
Tôi nghĩ rằng, nếu chưa lên đường, bạn sẽ nghĩ mọi chuyện rất khó khăn. Nhưng sự thật là các khó khăn chưa xảy ra thì không nên nghĩ quá nhiều. Điều đó sẽ khiến bạn nhụt chí. Hãy xách xe đạp và lên đường thay vì ngồi nhà tưởng tượng. Và nếu đã lên đường, thấy những cảnh đẹp trên đường, bạn sẽ có thêm tinh thần để đi tiếp.
* 18 năm trước các bạn của anh đã đi từ Tây sang Đông sao? Khi đó hẳn họ còn trẻ và khỏe mạnh, còn Simon, bây giờ đã là 18 năm sau rồi, anh nghĩ sao?
- Simon: Tôi nghĩ tuổi tác không phải là vấn đề, nếu bạn còn đủ sức khỏe và quyết tâm. Trên đường đi từ An Giang ra Hà Nội, chúng tôi còn gặp một người đàn ông 63 tuổi đang đạp xe ở đèo Hải Vân rồi gặp lại biển Cửa Tùng (Quảng Trị). Chúng tôi cũng gặp rất những người bạn thuộc các quốc tịch khác nhau đang đạp xe để du lịch hoặc gây quỹ cho trẻ em.
“Nếu trời mưa, chúng tôi sẽ đi trong mưa”
* Anh chị không chỉ đi trong nước mà còn ra nước ngoài nữa, vậy đường dài, địa hình đồi núi có cản trở gì đáng kể?
- Kim Ngân: Chúng tôi chọn những lộ trình an toàn. Nguy hiểm chủ yếu đến từ xe hơi, xe tải hay các phương tiện lớn trên đường có thể gây tai nạn cho người đi xe đạp. Vì thế, khi đi từ An Giang ra Hà Nội, chúng tôi hạn chế tối đa chọn đi quốc lộ mà đi đường Hồ Chí Minh hoặc đường thôn quê, đường gần rừng núi. Như vậy con đường sẽ dài hơn, mất nhiều thời gian hơn nhưng an toàn hơn. Ở Việt Nam chúng tôi chưa gặp bất cứ tai nạn nào.
* Vậy các nước khác thì sao, có rắc rối gì về giấy tờ không?
- Simon: Ban đầu chúng tôi định từ Việt Nam đi sang một nước khác, nhưng nước đó lại không có đại sứ quán ở Việt Nam, nếu muốn làm thủ tục nhập cảnh thì phải làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Mà Bắc Kinh lại quá xa, sẽ làm quãng đường tăng lên đáng kể, mà nếu không tăng thì chúng tôi cũng đã mất 60 ngày mới qua được lãnh thổ Trung Quốc. Vì thế chúng tôi đã đổi lộ trình, chuyển sang Kyrgyzstan, như vậy sẽ không phải qua Bắc Kinh.
* Trung Quốc là 60 ngày, vậy còn các quốc gia khác?
- Simon: Các nước khác mỗi nước là 30 ngày, riêng Turkmenistan là 5 ngày. Để đảm bảo thời gian, chúng tôi sẽ không để điều kiện thời tiết, khí hậu cản trở. Nếu trời mưa, chúng tôi sẽ đi trong mưa.
* Tổng chi phí cho chuyến đi là bao nhiêu?
- Kim Ngân: Khoảng 10.000 USD, nhưng đó là con số do Simon ước lượng trước. Tất cả chi phí đều do chúng tôi tiết kiệm từ công việc lâu nay của mình và có thêm sự ủng hộ của bạn bè mà trên trang web chúng tôi đang kêu gọi gây quỹ ủng hộ dự án trồng nấm cho người dân An Giang và một phần gây quỹ ủng hộ cho chuyến đi này.
* Cảm ơn anh chị.
Những người không gây ô nhiễm lại phải chịu hậu quả của ô nhiễm! Bởi vậy, mục tiêu cụ thể của Kim Ngân và Simon là gây quỹ 11.000USD (khoảng 236 triệu đồng) để làm vốn cho dự án dựng nhà tre trồng nấm cho nông dân An Giang, những người đang không có đất đai canh tác vì biến đổi khí hậu. Số tiền quyên góp được sẽ trao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang. Chi tiết dự án gây quỹ có thể tìm hiểu thêm tại trang web Bike4afuture.com hoặc Facebook cùng tên. |
Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần