Dựng lại kiến trúc cung điện nhà Lý sau ngàn năm
(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 10 năm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, những hình ảnh kiến trúc cung điện vàng son thời Lý đã được các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Kinh thành tái hiện qua những phác họa dựa trên những dấu tích khảo cổ trong lòng đất.
Tại buổi công bố thành tựu nổi bật của Viện trong 10 năm qua, PGS.TS. Bùi Minh Trí cho biết: Từ những dấu tích nền móng kiến trúc dưới lòng đất khu di tích Hoàng thành Thăng Long và từ những nghiên cứu từ manh mối lịch sử, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã từng bước giải mã về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.
Dựng lại cung điện vương triều Lý sau ngàn năm
Phát hiện quan trọng và là chìa khóa để giải mã thành công về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý chính là kiến trúc đấu củng, một loại kết cấu đỡ mái. Từ đây, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã nghiên cứu phục dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và giới thiệu tại khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Đây là lần đầu tiên hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn ngàn năm được tái hiện, giúp cho chúng ta hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Từ nghiên cứu về kiến trúc đấu củng, Viện nghiên cứu Kinh thành tiếp tục nghiên cứu phục dụng tổng thể hình thái kiến trúc của khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Bức bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý với 64 công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đã được nghiên cứu phục dựng, gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác... Đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng rất bài bản, khoa học trong thời kỳ vàng son của vương triều Lý.
- Phục dựng điện Kính Thiên, hoàn trả hồn cốt cho Hoàng thành Thăng Long
- Khôi phục hầm 59 và hầm 66 tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long
- Khai quật tại Hoàng thành Thăng Long: Sẽ sớm 'nhận diện' được kiến trúc điện Kính Thiên
Những thành tựu của Viện nghiên cứu Kinh thành góp phần làm thức dậy lịch sử ngàn năm vàng son của kinh đô Thăng Long hoa lệ. Bên cạnh đó, Viện cũng biên soạn cuốn sách “Viện Nghiên cứu Kinh thành-chặng đường và dấu ấn”. Đây là cuốn sách thông minh, người xem có thể sử dụng điện thoại quét mã QR để xem bài viết, xem Media hay tham quan bảo tàng ảo 3D về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý…
Mi Mi - Mộng Long