Dừng hoạt động các phương tiện chở khách, người dân vẫn có thể dùng Grab để giao nhận đồ ăn
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ 0 giờ ngày 1/4, xe khách, taxi, buýt, xe hợp đồng, xe du lịch ở các tỉnh, thành phố trong cả nước phải dừng hoạt đồng. Điều này khiến nhiều người băn khoăn về nhu cầu cá nhân trong những ngày tới.
Vẫn có thể sử dụng các dịch vụ giao nhận đồ ăn và hàng hóa bằng Grab, Be
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có Công văn hỏa tốc vào tối ngày 31/3 yêu cầu các đơn vị trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm đối với các địa phương.
Theo đó, trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ 0 phút ngày 1/4, Cục Hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm điều phối các hãng hàng không Việt Nam khai thác, vận chuyển hành khách với tần suất đường bay giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày. Đường bay giữa Hà Nội-Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng khai thác 1 chuyến khứ hồi/ngày. Các chuyến bay trên các đường bay nội địa còn lại phải dừng toàn bộ; không hạn chế khai thác đối với các chuyến bay không vận chuyển hành khách.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4 dừng hoạt động vận chuyển các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.
Cùng ngày, đại diện ứng dụng gọi xe Grab cho biết, toàn bộ các dịch vụ vận chuyển 4 bánh gồm GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar Doanh nghiệp, Grab Tỉnh/Grab Tuyến, GrabTaxi, GrabRent, JustGrab tại tất cả tỉnh, thành phố sẽ tạm dừng từ 1/4 đến 15/4.Ngoài ra, dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood tại Đà Nẵng cũng sẽ tạm ngừng hoạt động từ 2/4 đến hết 15/4.
Tuy nhiên, cũng theo thông báo của Grab, dịch vụ GrabFood tại các tỉnh, thành phố khác, dịch vụ GrabMart tại TP. Hồ Chí Minh, và dịch vụ GrabExpress trên toàn quốc vẫn được duy trì như bình thường, tiếp tục phục vụ người dùng, góp phần hỗ trợ hoạt động mua sắm trực tuyến theo khuyến nghị của Chính phủ, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các khuyến nghị nhằm đảm bảo an toàn từ phía cơ quan chức năng.
Tương tự Grab, ứng dụng gọi xe Be cũng thông báo tạm dừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển gồm cả 2 bánh BeBike và 4 bánh BeCar, Be Đi tỉnh, Thuê xe theo giờ trong vòng 15 ngày từ 1/4 tại tất cả tỉnh, thành phố đang hoạt động để thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng.Các dịch vụ còn lại gồm giao hàng BeDelivery và Be Đi chợ vẫn hoạt động bình thường cho đến khi hãng có thông báo mới.
Đừng mất bình tĩnh vì cụm từ "cách ly toàn xã hội"
Trả lời câu hỏi của TTXVN về những băn khoăn của người dân đối với cụm từ “cách ly toàn xã hội," Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: "Hiện tại, chỗ thì dùng cách ly xã hội, chỗ dùng ngăn cách xã hội, chỗ dùng giãn khoảng cách địa lý... theo tôi, chẳng qua là làm sao hạn chế một cách tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với những người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm sang nhau, bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào."
Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, việc đó (tiếp xúc xã hội) càng hạn chế được bao nhiêu thì càng phòng bệnh tốt bấy nhiều. Vậy thì, cần hạn chế bằng cách không đi lại nữa, không tiếp xúc với nhau nữa và không tập trung đông người nữa.
Chúng ta cần hạn chế bằng cách thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ như nhà nào ở nhà đấy, xã nào ở xã đấy, huyện nào ở huyện đấy, tỉnh nào ở tỉnh đấy, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp... những yêu cầu này chẳng qua là để hạn chế việc tiếp xúc với nhau để tránh lây lan dịch bệnh, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu nói.
“Nói tóm lại, các biện pháp mà Chính phủ đưa ra chính là để hạn chế đến mức tối đa người bị bệnh không tiếp xúc với người lành, hạn chế tối đa việc người lành tiếp xúc người bệnh để dịch không lây từ người này sang người khác, không lây từ vùng này sang vùng khác. Vì vậy, mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm bởi vì việc chấp hành rất quan trọng trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Nhà nước dù có xử phạt cũng không làm sao kiểm tra hết được, chỉ mỗi người dân phải có ý thức mới hạn chế được dịch bệnh lây lan,” Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Chia sẻ về việc người dân lại đổ dồn vào các siêu thị, cửa hàng mua sắm, tích trữ hàng hoá, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu cho rằng người dân không nên đổ xô đi mua hàng hoá vào lúc này, vì Nhà nước đảm bảo cung cấp đủ hàng hoá cho người dân. Việt Nam là đất nước của nông nghiệp, của sản xuất hàng tiêu dùng, chúng ta không thiếu hàng nhưng nếu chúng ta mua nhiều gây nên hiện tượng "thiếu ảo."
Người dân chỉ nên mua khi cần thiết, mua đủ dùng tránh trường hợp người khác không có mà mua. Chỉ khi thật sự cần thiết mới ra đường và áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng bệnh như đứng cách xa nhau 2 mét, đeo khẩu trang đầy đủ. Trách nhiệm này không chỉ của người dân mà còn là trách nhiệm của người quản lý siêu thị, bảo vệ siêu thị phải nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các biện pháp này.
"Thời điểm này, càng hạn chế tập trung ở siêu thị càng tốt vì chúng ta không biết có thiếu vật chất hay không nhưng chúng ta rất có thể đã bị lây nhiễm virus gây bệnh COVID-19 ở những chỗ tập trung đông người," Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu cảnh báo./.
P.V
(Tổng hợp)