Đừng để lo lắng của phụ huynh làm tăng áp lực lên kỳ nghỉ hè của trẻ em
Nghỉ hè là khoảng thời gian để học sinh thư giãn, tham gia các chương trình vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu qua đó, các em có cơ hội ôn tập kiến thức cũ để khi bước vào năm học mới, có thể tiếp tục học tập hiệu quả.
Đây cũng là lúc nhiều phụ huynh băn khoăn lo lắng tìm chỗ gửi con. Làm thế nào để tìm được nơi trẻ có thể vui chơi, học tập bổ ích, an toàn, lại hợp lý, vừa với túi tiền… thật sự là vấn đề nan giải.
"Ma trận" trại hè
Mỗi dịp hè đến, nhu cầu tìm kiếm các khóa học hè của phụ huynh ngày càng tăng cao, dẫn đến sự xuất hiện đa dạng của các chương trình này. Khi gõ từ khóa liên quan trên Google, phụ huynh có thể thấy khoảng gần 16 triệu kết quả, trong khi trên mạng xã hội Facebook cũng có vô vàn lựa chọn trong các hội nhóm quảng cáo về các chương trình hè với hàng ngàn thành viên tham gia, bao gồm cả các đơn vị tổ chức và phụ huynh.
Các trại hè và khóa học hè hiện nay rất phong phú về nội dung và hình thức, bao gồm: trại hè quốc tế, trại hè quân đội, trại hè tiếng Anh, trại hè kỹ năng sống, trại hè giáo dục giới tính, trại hè trải nghiệm và các khóa tu tập tại chùa... Thời gian tham gia có thể từ một tuần đến cả tháng với chi phí dao động từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào uy tín của đơn vị tổ chức.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của các mô hình trại hè cũng kéo theo những vấn đề về chất lượng. Không phải trại hè nào cũng đáp ứng được kỳ vọng của phụ huynh. Nhiều chương trình hứa hẹn mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho trẻ em nhưng thực tế lại không như mong đợi. Một số trại hè thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo, gây thiệt hại về tài chính cho phụ huynh.
Đã có trường hợp một phụ huynh ở Hà Nội bị lừa 600 triệu đồng khi đăng ký cho con tham gia "Trại hè Chiến sĩ Biên phòng" trên Facebook. Ngày 9/5, Công an thành phố Hà Nội thông báo một phụ nữ ở quận Hoàng Mai đã bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đăng ký "trại hè quân đội nhí" cho con trên Facebook. Nạn nhân là chị M., đang tìm kiếm khóa học hè cho con và thấy nhiều quảng cáo về "Học kỳ trong quân đội 2024" trên các fanpage.
Tại Đà Nẵng, nhiều trường đã gửi thông báo khẩn đến phụ huynh để cảnh giác trước các hình thức lừa đảo liên quan đến đăng ký trại hè kỹ năng. Dù cơ quan công an đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo khi tham gia đăng ký các khóa học như "Trại hè kỹ năng - Học kỳ công an nhân dân nhí", "Trại hè kỹ năng - Học kỳ công an nhân dân", "Trại hè quân đội", "Trải nghiệm quân đội hè" trên mạng xã hội, vẫn có nhiều nạn nhân bị mắc bẫy.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác. Phụ huynh nên liên hệ trực tiếp với các trường hoặc đơn vị tổ chức để xác minh thông tin rõ ràng trước khi đăng ký cho con tham gia các khóa học trải nghiệm, kỹ năng.
Ông Cái Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu niên Việt Nam khuyên phụ huynh nên đến tận nơi tìm hiểu kỹ càng về địa điểm, nội dung chương trình, các hoạt động và chi phí trước khi đăng ký cho con tham gia bất kỳ chương trình trại hè nào. Yêu cầu cung cấp hóa đơn từ đơn vị tổ chức chính thức (không qua trung gian, không phải doanh nghiệp) để đảm bảo tính hợp pháp. Trong bối cảnh hiện nay, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý tốt cho cả mình và con để tham gia các chương trình trại hè một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy, đôi khi người lớn cần chuẩn bị tâm lý kỹ càng hơn cho các con để đáp ứng yêu cầu của chương trình trại hè.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, khi chọn trại hè, cần tính đến yếu tố an toàn và chương trình có phù hợp với độ tuổi của trẻ, có tính giáo dục.
“Nhiều người kỳ vọng, chỉ sau một khóa trải nghiệm từ ngắn ngày đến 1 tháng có thể thay đổi nhận thức, hành vi của con nhưng thực tế ý thức, trách nhiệm, lòng yêu thương… và các giá trị khác hình thành trong cả quá trình trưởng thành của con, đòi hỏi sự giáo dục, đồng hành thường xuyên của cha mẹ”, ông Sơn nói.
Kỳ nghỉ hè – "mùa học thêm"
Bận rộn với công việc, không có thời gian để trông coi con, vì vậy, nhiều phụ huynh lo sợ con có thời gian rảnh rỗi sẽ đắm chìm vào công nghệ, mê mải với trò chơi điện tử, hoặc lo lắng con nghỉ học quá lâu sẽ quên kiến thức, không theo kịp bạn bè khi vào năm học mới. Điều này đã vô tình biến kỳ nghỉ hè - thời gian các em xứng đáng được nghỉ ngơi, vui chơi - trở thành mùa học thêm, khiến các em cảm thấy chán nản nhưng không dám phản đối vì sợ bố mẹ.
Chị Nguyễn Vân Anh, quận Long Biên, Hà Nội, quyết tâm không cho con sử dụng điện thoại hay mạng xã hội vào dịp hè. Chị sợ rằng, nếu có thời gian rảnh rỗi, con sẽ đắm chìm vào thế giới trong điện thoại, mê mải với trò chơi điện tử, và tiếp xúc với những nội dung độc hại trên mạng xã hội. Hơn nữa, chị Vân Anh cũng e ngại, con nghỉ học quá lâu sẽ quên kiến thức, không thể theo kịp bạn bè khi vào năm học mới. Vì vậy, chị đã xây dựng một thời khóa biểu dày đặc với các khóa học thêm ngoại ngữ và Toán. Nửa ngày con học tiếng Anh với giáo viên chủ nhiệm, nửa ngày còn lại tham gia các khóa học trải nghiệm các hoạt động thực tế qua từng dự án. Chị cũng mua thẻ bơi theo tháng để cuối tuần, chị có thể tranh thủ đưa con đi bơi vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục, nhận định rằng, trong khi ngành Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực giảm tải, trả lại cho học sinh kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, nhiều phụ huynh lại mang tâm lý sốt sắng sợ con tụt hậu so với bạn bè nên thường cho trẻ học trước kiến thức. Điều này đi ngược với phương pháp giáo dục đổi mới - phương pháp nhằm để trẻ phát triển tự nhiên.
Mỗi dịp hè, các em phải "chạy show" để học trước kiến thức của lớp học kế tiếp, trong khi đáng lẽ đây là thời gian để các em thư giãn, giải trí, và nghỉ ngơi sau một năm học vất vả. Trẻ em cần được đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần, nhưng nhiều học sinh đang phải đối mặt với tình trạng quá tải và áp lực học hành, dẫn đến việc không tiếp thu được bài vở, sa sút trí tuệ, và thậm chí là chán ghét việc học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Huyền cho rằng, phụ huynh thường đặt rất nhiều kỳ vọng vào con cái, tìm kiếm các lớp học bán trú hè dạy tiếng Việt và tiếng Anh, trong khi các kỹ năng sống cơ bản, như: phòng chống xâm hại và rèn luyện tính tự chủ lại không được chú trọng. Đây là một căn bệnh tâm lý của phụ huynh, mong muốn cho con những điều tốt đẹp nhất nhưng lại thiếu kiến thức, dẫn đến tình trạng trẻ em bị nhồi nhét quá tải, mất đi tuổi thơ.
Để xây dựng kỳ nghỉ hè ý nghĩa, phụ huynh cần sắp xếp thời gian và giáo dục một cách đúng đắn, quản lý, rèn luyện thói quen tự giác, tự chủ cho con em mình. Hướng dẫn trẻ quen với nề nếp, phương pháp học tập mới, đồng thời cân bằng giữa việc học tập, vui chơi, trải nghiệm, tránh để trẻ cảm thấy bị áp lực và nặng nề.
Theo các chuyên gia giáo dục, phụ huynh không nên lo lắng theo xu hướng đám đông. Trẻ cần có sự trải nghiệm để phát triển cảm xúc - yếu tố giúp hình thành nhân cách toàn diện. Trải nghiệm không nhất thiết phải theo tổ chức, trường lớp, có thể đi cắm trại cùng gia đình, mở mang tâm trí qua thực tế cuộc sống.
Ở lứa tuổi còn nhỏ, việc các gia đình quá chú trọng vào những kiến thức sách vở vô tình khiến trẻ đánh mất tuổi thơ, thiếu kỹ năng mềm, cách ứng xử, kỹ năng sống và hoạt động thể chất. Để con trẻ thực sự phát triển toàn diện, kỳ nghỉ hè nên là thời gian để các em được thư giãn, vui chơi và học hỏi từ trải nghiệm về những điều bình dị trong thực tế.