‘Đừng để bà trông con’: Câu chuyện bất đồng trong nuôi dạy con giữa các thế hệ của giáo sư đại học nổi tiếng khiến vô số phụ huynh suy ngẫm
Khi vợ chồng trẻ và người lớn trong gia đình xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày vì những quan điểm trái ngược nhau trong việc nuôi dạy con cái, đâu là cách giải quyết tốt nhất?
Một giáo sư đại học Phúc Đán (trường đại học nổi tiếng tại Trung Quốc) trong một buổi diễn giảng, khi được hỏi về vấn đề giáo dục con cái, đã bất lực nói:
"Tôi là chuyên gia giáo dục, nhưng con trai 9 tuổi của tôi vẫn được bà nội đút cơm!"
Ngay cả một nữ giáo sư của đại học Phúc Đán cũng bất lực trước những mâu thuẫn khó tránh khỏi trong cách nuôi dạy con giữa các thế hệ.
Khi bạn và mẹ đẻ hay mẹ chồng xảy ra mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày vì những quan điểm trái ngược nhau trong việc nuôi dạy con cái, đâu là cách giải quyết tốt nhất?
01
Nuôi con, rốt cuộc nên nghe ai?
Trong mắt hầu hết các bà mẹ, việc một đứa trẻ 9 tuổi vẫn được đút cơm là một điều kỳ quặc và buồn cười.
Một đứa trẻ 9 tuổi ít nhất đã học hết lớp 3 tiểu học, đang ở độ tuổi được lì xì ngày Tết và có thể đi rủ bạn bè đến cửa hàng nhỏ trước trường để mua quà vặt.
Trong bài phát biểu của mình, Giáo sư Thậm Dịch Phỉ đã kể lại câu chuyện "bà nội đút cơm cho cháu" như này:
Vì không thể cân bằng giữa việc trông con và công việc, giáo sư Thẩm đã nhờ mẹ chồng giúp đỡ trông và lo cơm nước cho cháu.
Cha mẹ trẻ có cách nuôi con riêng, người lớn trong nhà cũng có những kinh nghiệm của mình.
Sau khi nhận được lời ngỏ, họ bắt đầu thực hiện bộ nguyên tắc của riêng mình.
Mẹ của giáo sư Thẩm bữa nào cũng đều sẽ đút cho cháu ăn, bất kể cháu ăn nhiều hay ít, trước khi cháu kết thúc bữa ăn, bà nhất định phải đút cho cháu hai thìa mới chịu.
Hành động đó dần trở thành "quy trình máy móc" trong việc trông cháu của bà, đồng thời cũng thay đổi toàn bộ thói quen của trẻ.
Vì vậy, dù là giáo sư đại học kiêm chuyên gia nuôi dạy trẻ, giáo sư Thẩm chỉ còn cách bất lực đối mặt với sự thật "con 9 tuổi rồi vẫn được đút cho ăn".
Thực ra, trong chuyện nuôi con, nuôi cháu, hai thế hệ trên thực tế là đang tranh quyền nói, muốn làm rõ "việc nuôi con nên nghe ai".
Đừng cho rằng vấn đề này không có gì phải bàn cãi, trên thực tế, nó có thể là một trận chiến sống còn.
Trong cuộc sống thực, không phải một câu nói "Mẹ là siêu nhân" là có thể giải quyết được mọi việc, hầu hết các bà mẹ đều chỉ là người bình thường chứ chưa nói đến các bà mẹ đi làm, có những đứa trẻ nghịch ngợm tới nỗi ngay cả các bà mẹ ở nhà toàn thời gian cũng không thể một mình đảm đương nổi.
Trong hoàn cảnh như vậy, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ thế hệ trước là phù hợp và cũng là một lựa chọn cuối cùng.
Nhưng chúng ta cần biết rằng dù là bà ngoại hay bà nội, họ đến giúp đỡ nuôi nấng đứa bé vì tình yêu thương chứ không có nghĩa vụ hay trách nhiệm gì.
Chúng ta không có quyền yêu cầu họ làm mọi thứ theo yêu cầu của mình.
Hơn nữa, trong mắt đại đa số mọi người, nuôi dạy con cái vẫn là một chuyện "kinh nghiệm", kinh nghiệm của những người từng trải sẽ tự động khiến người khác tin tưởng hơn.
Bà ngoại, bà nội cảm thấy rằng họ có kinh nghiệm phong phú và đã nuôi dạy thành công ít nhất một đứa trẻ nên họ tự tin hơn các bà mẹ trẻ.
Do đó, họ dễ dàng hành động theo kinh nghiệm của bản thân mọi lúc mọi nơi.
02
Đừng coi việc nuôi dạy con giữa các thế hệ là một tai họa
Vì có rất nhiều mối nguy hiểm và vấn đề tiềm ẩn trong việc nuôi dạy con cái giữa các thế hệ, chúng ta có nên đơn giản là không để người già tham gia vào việc nuôi dạy con cái không?
Lý tưởng thì cao đẹp, nhưng thực tế lại phũ phàng.
Tất nhiên, có nhiều bà mẹ trẻ có kỹ năng nuôi dạy con vững vàng hoặc gia đình có tiềm lực tài chính tốt có thể tự mình lo liệu, nhưng thực tế, việc nuôi con một mình, đối với hầu hết các gia đình bình thường vẫn là vượt quá khả năng của họ.
Việc người già giúp chăm sóc em bé là một nhu cầu khách quan.
Trên thực tế, việc nuôi dạy con giữa các thế hệ chưa bao giờ là một tai họa, chỉ là chúng ta cần tìm ra vấn đề còn tồn tại và giải quyết chúng.
Trách nhiệm và sự tin tưởng là những nền tảng cần thiết nhất trong việc nuôi dạy con giữa các thế hệ.
Khi chúng ta nuôi con chung với người già, mâu thuẫn về quyền lợi, trách nhiệm không rõ ràng, thiếu tin tưởng… thường nảy sinh.
Khi bạn giao tất cả các công việc nuôi dạy con cái cho người lớn tuổi, đồng thời yêu cầu họ đồng bộ hóa suy nghĩ với bạn, xung đột sẽ nảy sinh.
Tôi thường nghe nhiều bà mẹ mới làm mẹ kể về những mâu thuẫn với người lớn trong nhà khi nuôi con nhỏ, chẳng hạn như nấu đồ ăn dặm cho con, một mặt nói giao hết cho mẹ, một mặt lại nói mẹ cho con ăn không có khoa học.
Mẹ dựa vào kinh nghiệm của mình phản bác vài câu, họ lập tức lôi ra "lời giải thích" trong sách nuôi dạy con để tranh luận đúng sai.
Đây là một ví dụ về sự không rõ ràng trong quyền và trách nhiệm điển hình.
Nếu bạn đã trao việc đó cho người lớn trong nhà, vậy thì quyền quyết định cũng nên được trao cho họ.
Không ai có thể nói năng một cách bình tĩnh khi đã đảm nhận một trọng trách nào đó nhưng lại chưa có được quyền năng tương ứng.
Cũng giống như vấn đề ăn uống của con cái vừa nói ở phía trên.
Hoặc chỉ để bố mẹ mua và sơ chế nguyên liệu, còn bản thân tự nấu, hoặc nói chuyện với bố mẹ về nguyên liệu và hương vị, độ đậm nhạt, rồi để họ xử lý hoàn toàn.
Quyền lực và trách nhiệm là những thứ không thể tách rời, đặc biệt là trong quá trình cùng nuôi dạy con cái.
Trong bài phát biểu của mình, Giáo sư Thẩm cũng nói về câu hỏi về niềm tin giữa mình và mẹ chồng.
Mẹ chồng của Giáo sư Thẩm từng là một "bà đỡ" và có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ, nhưng Giáo sư Thẩm cảm thấy rằng nhiều cách làm của bà là mê tín cổ hủ, không có cơ sở khoa học và không nên tùy tiện áp dụng cho trẻ em.
Khi cô sinh đứa con đầu lòng, mẹ chồng nói nên quấn em bé trong khăn hoặc vải để em bé không khua tay chân linh tinh.
Giáo sư Thẩm cho rằng đây là điều không nên, việc ngăn cản trẻ tự do vận động sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của chúng.
Hai vợ chồng kiên quyết không tin vào kinh nghiệm của mẹ chồng, không chịu quấn con trong khăn, và điều này khiến mẹ chồng rất buồn.
Kết quả là khi giáo sư Thẩm sinh đứa con thứ hai tại một bệnh viện phụ sản nổi tiếng, cô đã nhận được lời giải thích khoa học từ bác sĩ về việc "quấn khăn cho trẻ".
Thì ra đứa trẻ vừa mới chào đời, phải đối mặt với sự thay đổi môi trường đột ngột, chưa kịp thích ứng, rất dễ quấy khóc vì cảm giác thiếu an toàn.
Mục đích của việc "quấn khăn" cho trẻ là mô phỏng cảm giác cơ thể trẻ khi còn trong bụng mẹ, để trẻ dần thích nghi với sự thay đổi của môi trường xung quanh.
Trong thực tế cuộc sống nuôi dạy con cái, chúng ta luôn cảm thấy mình là người có học thức cao, mặc nhiên có tâm lý tự cao tự đại và không tin tưởng vào một số kinh nghiệm, kiến thức của người lớn tuổi, điều này tạo nên rào cản trong giao tiếp.
Vì vậy, bạn cũng có thể trao cho người lớn trong nhà nhiều niềm tin hơn và bớt tin tưởng mù quáng vào bản thân.
Nếu đó là một tình huống không chắc chắn, trước tiên hãy kiên nhẫn tra cứu thông tin, sau đó giao tiếp hiệu quả sau khi xác nhận, điều này cũng có thể giải quyết những cuộc cãi vã và tổn thương không cần thiết.
03
Mỗi gia đình đều có những vấn đề riêng, và việc nuôi dạy con cái giữa các thế hệ có thể là một phần đôi khi ấm áp, đôi khi bất lực trong đó.
Khi chúng ta tôn trọng sự đóng góp và giá trị của người lớn trong nhà trong quá trình nuôi dạy con cái một cách đầy đủ và trao cho họ trách nhiệm nuôi dạy con cái, chúng ta cũng cần trao cho họ quyền lực và sự tin tưởng mà họ xứng đáng được hưởng.
Lòng trắc ẩn và sự đồng cảm là hai nhân tố có thể giúp xoa dịu những khác biệt và thúc đẩy các thế hệ trong gia đình cùng nhau nỗ lực vì sự trưởng thành của thế hệ tiếp theo!
"Giáo dục giới tính theo cách người Nhật" - Cuốn sách có thể dạy con cách bảo vệ bản thân, tránh xa những sự cố không đáng có