Đừng buộc tội Disney ‘tẩy đen’ Lọ Lem!
Không ai có quyền cấm trẻ em châu Phi, châu Á có những hình tượng cổ tích trên màn ảnh cho riêng mình.
Ngày 23/3, Disney chính thức tiết lộ ngoại hình Lọ Lem trong Descendants: The Rise of Red (Hậu Duệ: Sự Trỗi Dậy Của Red) - tác phẩm thuộc thương hiệu phim về đời con cháu của các nhân vật cổ tích. Diễn viên người Mỹ gốc Phi Brandy Norwood thủ vai, gây tranh cãi với tạo hình da màu, tóc xanh được tết đuôi sam - khác hẳn phiên bản hoạt hình nổi tiếng năm 1950 của nhà Chuột.
Disney và xu hướng "thay da đổi thịt" của hàng loạt nhân vật biểu tượng
Khán giả hiện không còn lạ lẫm với cách casting đa sắc tộc trong những bản remake/live-action các bộ phim cổ tích gần đây của Disney. Vai Bạch Tuyết được trao cho ngôi sao gốc latin Rachel Zegler ở phiên bản dự kiến ra rạp năm 2024. Nàng tiên cá Ariel sẽ do ca sĩ da màu Halle Bailey đảm nhận trong The Little Mermaid, phát hành vào tháng 5 tới.
Vì vậy, việc Brandy nhận vai Lọ Lem không khiến nhiều người ngỡ ngàng nhưng vẫn đủ để một bộ phận khán giả ngán ngẩm. Kết quả là dù chỉ là vai phụ, nàng công chúa của Disney (trong phim đã thành hoàng hậu) là chủ đề được bàn tán nhiều nhất trên mạng xã hội thay vì sự xuất hiện của các nhân vật chính.
Như thường lệ, một bên phản đối nhà Chuột nhồi nhét các yếu tố sắc tộc, chính trị theo cách quá gượng gạo, phá nát hình tượng trong nguyên tác. Ngược lại, một nhóm bảo vệ quyết định của đoàn phim, cho rằng việc thay đổi màu da không ảnh hưởng tới nội dung kịch bản, lại thêm ý nghĩa nhân văn với các nhóm khán giả thiểu số.
Lọ Lem có đang bị "tẩy đen" hay không?
Việc thay đổi sắc tộc các nhân vật phim - thường được biết đến với thuật ngữ "Racebending" - vốn là chủ đề gây tranh cãi tại Hollywood hàng chục năm nay. Trước đây, khi yếu tố đa dạng màu da chưa được xem xét một cách nghiêm khắc như hiện tại, các nhà làm phim Hollywood có xu thế tuyển diễn viên da trắng đóng vai chính, mặc cho nguồn gốc của nhân vật.
Một số trường hợp ồn ào nhất có thể kể đến là đoàn phim The Last Airbender tuyển ba diễn viên Noah Ringer, Nicola Peltz, Jackson Rathbone cho các nhân vật gốc Á khiến chính êkíp thực hiện loạt phim hoạt hình gốc bất bình. Minh tinh Scarlett Johansson cũng từng bị tẩy chay khi nhận đóng chính Ghost in the Shell - bộ phim chuyển thể từ loạt truyện tranh Nhật Bản cùng tên.
Tuy nhiên, xu hướng chọn diễn viên da màu thay thế các vai da trắng (Blackwashing) chỉ mới nổi lên không lâu khi Hollywood kêu gọi trao thêm cơ hội cho các diễn viên gốc Phi. Trở lại trường hợp của Brandy Norwood và Lọ Lem, ngôi sao người Mỹ vốn đã hóa thân nhân vật này trong bản phim Cinderella năm 1997 - từng lập kỷ lục lượt xem của Disney khi thu hút hơn 60 triệu khán giả truyền hình và nhận 7 đề cử Emmy. Sự tái xuất của cô cùng Paolo Montalban (người đóng hoàng tử trong bản 1997) giống một sự tiếp nối hơn thay máu của nhà Chuột.
Việc truy tìm nguồn gốc của các nhân vật trong cổ tích vốn cũng không phải chuyện dễ dàng. Theo Vox, trên thế giới có hàng ngàn phiên bản về Lọ Lem, dưới nhiều tên gọi khác nhau. Nàng Lọ Lem lâu đời nhất là Rhodopis, lần đầu xuất hiện trong cuốn sách cổ có tuổi đời hơn 2.000 năm trước. Cô xuất thân từ Hy Lạp, lưu lạc đến Ai Cập làm nô lệ và sau đó chinh phục được trái tim của Pharaoh. Tính riêng tại châu Âu, cũng tồn tại hơn 500 câu chuyện về nàng công chúa này. Cụm từ Lọ Lem vốn mang nghĩa chỉ một người bất ngờ đạt thành công sau quãng thời gian dài khó khăn, chứ không hẳn là một tên riêng hay chỉ một người cụ thể.
Vì vậy, việc nói Disney "tẩy đen" nàng công chúa nổi tiếng có phần oan ức cho nhà Chuột. Phiên bản của Brandy chỉ đơn giản khác biệt với tạo hình của Lọ Lem trong tập hoạt hình năm 1950 do chính Disney sản xuất và càng không liên quan đến vai do Lily James đóng năm 2015. Khán giả có thể coi đây như một phiên bản thuộc "vũ trụ khác", giống cách các hãng Marvel, DC, Sony đang thực hiện với các siêu anh hùng của mình.
Chê phim hay phân biệt chủng tộc, miệt thị ngoại hình?
Chúng ta không khó tìm thấy những bình luận có phần kích động, tiêu cực của phía phản đối Brandy Norwood đóng Cinderella. "Lọ Lem này tẩy mãi không trắng nổi" - Những câu đùa tưởng hài hước này có lẽ không phù hợp khi luận bàn các chủ đề nghiêm trọng như sắc tộc, màu da. Phê bình hay phản đối một bộ phim là quyền cơ bản của khán giả. Tuy nhiên, không ít có dấu hiệu mượn việc này để bỉ bôi, miệt thị người khác.
Một số ý kiến khác cho rằng nhiều khán giả đang đòi tôn trọng nguyên tác "một cách có chọn lọc". Marvel Việt Nam - trang fanpage về phim ảnh có hơn 232 ngàn lượt theo dõi trên Facebook - nêu ý kiến: "Nực cười hơn nữa là hoàng tử châu Á, người Mỹ gốc Philippines thì không thấy một ai nhắc tới. Chắc là do các bạn ấy 'tôn trọng nguyên tác' có chọn lọc ấy mà. Chỉ muốn 'tôn trọng nguyên tác' khi thấy người da đen thôi".
Tất nhiên, việc thay đổi màu da các nhân vật đã quá quen thuộc với đại chúng vốn không phải cách hay để tôn vinh sắc tộc. Trên thế giới, nhiều khán giả cũng bày tỏ nguyện vọng Hollywood sẽ sáng tạo nhiều câu chuyện gốc thú vị cho các người da màu, thay vì "xào nấu" lại những kịch bản đã quá cũ. Dù sao, chúng ta khó phủ nhận việc dựa trên những thương hiệu nổi tiếng để làm phim luôn dễ dàng, an toàn hơn nghĩ ra ý tưởng mới. Xét cho cùng, không ai có quyền cấm trẻ em châu Phi, châu Á có những hình tượng cổ tích trên màn ảnh cho riêng mình.