A+ A A- Kiểu đọc sách

Thành phố Hồ Chí Minh: Khi du lịch sông nước vẫn chỉ là... 'tiềm năng'

09:59 13/05/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây khoảng 2 năm, lãnh đạo ngành du lịch Tp.HCM đã bắt đầu có ý tưởng khai thác thế mạnh của thành phố là du lịch đường sông. Nhiều hội thảo đã diễn ra lấy ý kiến các chuyên gia, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Tuy nhiên, đến nay các tuyến du lịch sông của Tp.HCM vẫn như dậm chân tại chỗ, trong khi du khách đến Tp.HCM tham quan đều kêu ca không có sản phẩm du lịch gì và lượng khách nước ngoài đang sụt giảm nghiêm trọng.

Điểm nhấn đang mất dấu

Một trong những điểm nhấn đáng quan tâm là vào cuối năm ngoái, khi tour du lịch chèo thuyền dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn chính thức đưa vào khai thác, nhiều người làm du lịch đã rất kỳ vọng. Đồng thời, Công ty CP Du thuyền Hoàng Gia cũng khánh thành tuyến du lịch trên sông Sài Gòn bằng du thuyền, bến từ Khu Du lịch Tân Cảng chạy dọc theo sông về hướng Thanh Đa.


Du thuyền Hoàng Gia chạy trên tuyến sông Sài Gòn

Tuy nhiên, đến nay thì chủ đầu tư Thuyền Sài Gòn cho rằng quá nản lòng vì khó khăn chất chồng. Bởi vì ngày 2/9/2015 tour Nhiêu Lộc bắt đầu đón khách, nhưng từ đó đến nay công ty liên tục gặp khó khăn, khi thì giấy phép hết hạn, lúc phải dừng đón khách vì thiếu các công trình phụ trợ phục vụ nhu cầu tối thiểu của du khách từ nhà vệ sinh, giải khát, quầy lưu niệm, điểm giữ xe…

Đáng lo nhất, từ đầu năm 2016 đến nay kênh Nhiêu Lộc đang tái ô nhiễm trở lại, người dân dọc bờ kè đổ xuống kênh, rác từ sông Sài Gòn đổ vào, khiến con kênh hôi thối. Đó là chưa kể, doanh nghiệp này đã xin đầu tư hai xe điện chạy quanh kênh Nhiêu Lộc để đưa đón khách cũng chưa được thông qua nên công ty tốn tiền taxi để chở khách sau khi đi tour về.


Tour Nhiêu Lộc gặp khó khăn vì thiếu các công trình phụ trợ phục vụ

Thực tế hiện nay có dịp đi ngang qua bến chỗ gần Chùa Miên, mọi thứ đóng cửa vắng tanh. Doanh nghiệp này cho báo giới biết, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh, có giấy phép xây dựng quầy giải khát để phục vụ khách tại khuôn viên bến thuyền nhưng lại không được để bàn ghế tại khuôn viên nhà chờ, không được phục vụ khách không đi thuyền.

Còn tại bến cảng Du thuyền Hoàng Gia nằm trong khuôn viên khu Nhà hàng Tân Cảng, sau một thời gian cũng vắng do khách trong nước ít vào tham quan, các tour khách nước ngoài lại không đưa sản phẩm này vào tour nên lượng khách ít.

Cần biến tiềm năng thành hiện thực

Sản phẩm du lịch trên sông được coi là thế mạnh của Tp.HCM, với hàng trăm km sông đi qua nhiều khu dân cư, làng nghề, di tích lịch sử… trong khu vực. Sông Sài Gòn với nét đặc thù cảnh quan sông nước có thể liên kết, nối tuyến với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương (tuyến tầm trung) cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sang tận Campuchia (tuyến tầm xa) nối tuyến đường sông - biển đi Quảng Ninh.


Tp.HCM với sông Sài Gòn bắc ngang được coi là có thế mạnh phát triển du lịch trên sông

Thế nhưng hiện nay, tại Tp.HCM không có bến tàu riêng dành cho tàu du lịch phục

vụ du khách vào neo đậu trong lúc đợi khách, chưa đảm bảo an toàn và tiện nghi cho du khách lên xuống. Tp.HCM cũngthiếu các phương tiện vận chuyển hành khách bằng tàu du lịch đường thủy phù hợp với từng loại hình. Trong đó, những tàu thuyền đi du lịch trên vùng sông nước Nam bộ thì rất ít, chưa kể trên nhiều tuyến sông và kênh rạch hiện nay cầu bắc ngang có độ tĩnh không thấp nên các loại tàu du lịch không qua được.

Anh Phạm Tiến Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Buysales, đang có vài chiếc du thuyền trên sông, chạy tour Đồng bằng Sông Cửu Long, cho biết hiện tại nhiều du khách trong và ngoài nước rất thích đi du lịch đường sông ở Việt Nam.

Theo anh, khu vực Tp.HCM du khách quan tâm những nét đặc thù về cảnh quan sông nước, đô thị và lối sống của cư dân vùng Đông Nam bộ ở dọc hai bên bờ, trong đó có các sản phẩm du lịch về làng nghề (gốm sứ, sơn mài), những vườn cây trái, bonsai, cây cảnh của Hóc Môn, Củ Chi, Lái Thiêu và tạo sự kết nối du lịch truyền thống (địa đạo Củ Chi), điểm du lịch hiện đại (khu du lịch Đại Nam - tỉnh Bình Dương)…

Tuy nhiên, qui hoạch phát triển du lịch đường sông ở Tp.HCM và các tỉnh lân cận chưa có, các công ty tour mạnh ai nấy làm. Bản thân công ty anh đầu tư mạnh các tour hướng về Đồng bằng Sông Cửu Long, chi khá nhiều tiền để có mấy chiếc du thuyền bằng gỗ, phải đầu tư 3 chiếc xe để vận chuyển khách từ Tp.HCM về Tiền Giang, rất tốn kém.

Một số giám đốc các tour du lịch cho rằng, các cơ quan chức năng nên có hành lang pháp lý về đầu tư cho du lịch đường sông để sản phẩm đồng bộ và đảm bảo an toàn cho du khách.

Sở Du lịch TP.HCM đang kiến nghị với UBND Tp.HCM cần có chính sách ưu đãi cho đầu tư phát triển du lịch đường sông trên địa bàn thành phố, từ xây dựng các điểm đến, điểm dừng, trong đó phân cấp nhà nước cảng hành khách chính do thành phố đầu tư, quản lý, các cầu dẫn, bến đậu chuyên dụng… mới có thể biến các tiềm năng này thành hiện thực.

Lộc Nguyễn
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...