(TT&VH) - Bị “đóng đinh” cái tên vào “chú dế mèn”, rồi được nhắc đến như một tác giả hàng đầu về truyện thiếu nhi và núi rừng Tây Bắc, vậy nhưng Tô Hoài vẫn bảo rằng tất cả những gì ông viết đều gợi mở từ cảm hứng về một Hà Nội nhiều thăng trầm. Đến giờ, ở tuổi 91, nhà văn đã song hành cùng mảnh đất này gần như suốt toàn bộ thế kỷ 20 và cả 11 năm đầu của thiên niên kỷ mới. Năm 2010, ông đã được vinh danh với Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội do báo TT&VH phối hợp với Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức, và năm 2011 này, ông được trao danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
Quê gốc Tô Hoài ở làng Vạn Phúc, Hà Đông. Thế nhưng, ông lại lớn lên ở vùng quê ngoại ven sông Tô Lịch. Chẳng vậy, cái bút danh Tô Hoài cũng là ghép từ hai chữ Tô Lịch và Hoài Đức - vùng Nghĩa Đô, Cầu Giấy bây giờ. Còn bản thân nhà văn lại không mấy hào hứng khi nói tới khái niệm “Hà Nội gốc”.
“Thật ra, lập nên Hà Nội cũng là do dân tứ xứ dồn về, chứ làm gì có Hà Nội gốc tới mấy chục đời. Họa chăng, gốc là dăm, bảy anh đánh cá từ hồi nó là vùng sông hồ chằng chịt”- nhà văn nói rồi tủm tỉm cười. Nghĩ một lát, ông bảo thêm: “Tính cách người Hà Nội hay, nhưng phải hiểu đó là cái hay kết chưng từ tinh hoa bao nhiêu xứ khác về đây. Rạch ròi so sánh vùng nọ, vùng kia thì hơi khó”.
Dế mèn phiêu lưu ký - đặc trưng của ngoại thành Hà Nội
Bản thân ông cũng hơn một lần nhắc tới cái thân phận “nhà quê” trong những trang viết của mình. Có gì đâu, Hà Nội đầu thế kỷ 20 còn nhỏ, vùng Hoài Đức của ông đa phần là dân nghèo. Thi trượt vào trường Bưởi, cậu thanh niên Tô Hoài làm đủ nghề để kiếm sống trên Hà Nội: dạy trẻ, bán hàng, giữ sổ sách cho hiệu buôn. Rồi cái duyên trời phú về chữ nghĩa mang ông đến với nghề văn. Và còn một điều nữa: có lẽ cuộc sống bươn chải của một cậu trai “nhà quê” từ rất sớm đã giúp Tô Hoài sớm có con mắt tinh đời để nhìn rõ mọi ngóc ngách xấu đẹp của vùng đất nơi ông sống.
Tô Hoài lý giải kinh nghiệm viết đơn giản bằng sự quan sát và suy ngẫm về mọi mặt của cuộc sống đang diễn ra quanh mình. Ông kể, thập niên 1990 đọc Bố mìn mẹ mìn, lãnh đạo thành phố gặp ông bèn hỏi nguyên cớ để dựng được một vỉa hè Hà Nội sống động đến thế - với đủ cả những xe kéo, đội xếp, ông đồng bà cốt, hàng rong... ngổn ngang và nhếch nhác trong thời Pháp thuộc? “Thì hồi đi bán thuê cho cửa hàng giày, cứ rảnh là tôi lang thang mãi suốt đoạn dọc Hàng Đậu và Gầm Cầu để đi ra phố cổ”.
Ông bảo: Ngày xưa, sông Tô Lịch vẫn còn rộng, bờ cỏ đủ xanh dày để trẻ con vùng Hoài Đức bắt dế chọi chơi. Cơ duyên ra đời Dế mèn phiêu lưu ký cũng là từ đấy, từ vùng đất ngoại thành Hà Nội. Bởi thế, dù không có một cái tên cụ thể nhưng tất cả những cảnh, vật, người trong câu chuyện đồng thoại đấy luôn khiến độc giả hình dung tới những vùng quê quanh lưu vực sông Hồng. Thậm chí, truyện Kẻ cướp Bến Bỏi viết về những người học trò Cao Bá Quát ở Bắc Ninh nhưng nhà văn cũng “lôi” được họ về Hà Nội với những địa danh như Kẻ Chợ, Khải Bối, đình Ngang...
“Nhà văn phải viết về những gì xảy ra quanh mình và với mình. Đời tôi chủ yếu sống ở Hà Nội, không viết về nó thì biết làm gì?” Quả thật, ngẫm ra những cột mốc trong đời Tô Hoài đều diễn ra ở đây: từ khi đến với nghề văn, tham gia cách mạng trước 1945, làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội rồi báo Người Hà Nội... Một người có khiếu văn chương và được số phận đặt vào giữa dòng chảy đời sống của Thủ đô, hóa ra không phải Tô Hoài mà chính Hà Nội chọn ông là một trong những tác giả viết về con người và cuộc sống nơi này?
Đau đáu về Hà Nội cho đến cuối đời
Hơn 90 năm sống với hàng loạt thăng trầm của Hà Nội, Tô Hoài gần như viết về mọi giai đoạn lịch sử của mảnh đất này. Thời Pháp thuộc có Bố mìn mẹ mìn, Chuyện cũ Hà Nội. Thời chống Mỹ, Hà Nội dưới mắt ông tổ trưởng tổ dân phố Tô Hoài ẩn hiện trong những Chiều chiều, Cát bụi chân ai... Rồi sang thế kỷ 21, ở tuổi ngót 90, ông lại có tập tản văn Giấc mộng ông thợ dìu với những cái nhìn khá độc đáo về một Hà Nội đang thay đổi từng ngày.
“Tôi chỉ thích viết về quần chúng, viết về người lao động bình thường. Bắt mình viết về anh trí thức nghèo như Nam Cao thì khó, bởi mình có phải là anh giáo như “hắn” đâu” - Tô Hoài nói và lại cười.
Ngẫm ra, từ khi mới cầm bút, những trang viết về Hà Nội của Tô Hoài luôn có những nét rất riêng: có lúc hơi bụi bặm, nhếch nhác xô bồ nhưng vẫn đáng yêu bởi tràn đầy hoài niệm và sự cảm thông, chia sẻ của những con người đang sống nơi ấy.
Con mắt tinh đời và có phần “lọc lõi” từ rất sớm của Tô Hoài luôn giúp ông đọc ra những góc khuất các mẫu nhân vật của mình, để từ đó thanh thản biết chấp nhận cái phần không hoàn thiện của cuộc sống như nó đang diễn ra.
Tô Hoài bảo, suốt ngần ấy năm, đi đâu về đâu, ông vẫn yêu và nhớ nhất là vùng quê ngoại Nghĩa Đô, Cầu Giấy của mình. Rồi ông nói, Hà Nội có thay da đổi thịt đến mấy, ông vẫn có thể nhắm mắt mà đi băng băng trên những vỉa hè trong khu phố cổ, dù đã không còn lát đá xanh và những nắp cống tròn đúc bằng gang như thời xưa.
Tuổi 91, yếu đi rất nhiều vì bệnh gout và tiểu đường, nhà văn lão thành này vẫn hào hứng kể về một cuốn tiểu thuyết sẽ hoàn thành nếu sức khỏe cho phép: “Tôi muốn viết về Cách mạng tháng Tám như những gì mình trông thấy. Ở đó không chỉ có khí thế ngút trời của quần chúng mà còn có cả những chuyện dở khóc dở cười của những anh trí thức nghèo đang lúng túng không biết chọn đường nào”.
Bài 4 - Sư thầy Thích Đàm Lan: Một kiếp tu hành xây trăm tòa tháp
Minh Châu