A+ A A- Kiểu đọc sách

Đọc sách - Giành cơ hội “nghỉ dưỡng ở resort"

11:13 31/07/2010
loading...
(TT&VH) - Chiều 30/7, tại TP.HCM, nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh đã có buổi tiếp thị sách Thở sâu đến bạn đọc. Như TT&VH đã đưa tin, đọc Thở sâu sẽ nhận được: “1 giải Nhất là 2 ngày 1 đêm nghỉ dưỡng ở resort cao cấp trị giá 8 triệu đồng, 1 giải Nhì phiếu chăm sóc tóc trị giá 1 triệu đồng, 1 giải Ba 1 voucher dùng bữa tại nhà hàng Thái Coca Suki trị giá 500 ngàn đồng và 1 giải Khuyến khích đọc báo Phụ nữ Chủ nhật miễn phí một năm”.

Sau khi công bố chương trình này, một vài ý kiến cho rằng “tiếp thị sách như thế là... hạ sách”. TTVH có cuộc trò chuyện với chị liên quan đến vấn đề tiếp  thị sách, việc nên làm hay chỉ là chiêu đánh bóng tên tuổi và đánh vào lòng tham của độc giả.


Hồng Hạnh tại buổi “tiếp thị” Thở sâu vào chiều 30/7


Tiếp thị sách để có người đọc

* Có nên gọi chị là “chuyên gia tiếp thị sách” không? Việc chị là nhà văn đầu tiên công bố chương trình khuyến mãi đọc sách trúng những giải thưởng khá lớn đang gây “hoang mang” cho không ít người vì họ cho rằng điều chị làm không tạo được những độc giả đích thực mà chỉ lôi kéo những độc giả “ham tiền”?

- Tôi chỉ cố gắng làm thế nào đó để đưa sách của mình đến với nhiều người đọc hơn trong thời buổi mỗi ngày có hàng chục cuốn sách ra đời, phải cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với hàng chục bộ phim, chương trình ca nhạc, trò chơi trực tuyến... Nếu nói độc giả mua sách vì phần thưởng “hậu mãi” và kết luận họ không phải là độc giả đích thực hay là người tham lam thì... tội cho họ quá. Thế nào là độc giả không đích thực của văn chương? Thật khó trả lời?!

Tôi chỉ cần biết họ mua sách của mình và đọc sách của mình. Đó là độc giả mà tôi cần! Và tôi tin rằng người sáng tác nào cũng muốn có độc giả đi mua sách của họ. Và rất khó để cổ súy văn hóa đọc nếu như sách được in ra lặng lẽ, rồi được đặt lên kệ sách, lọt thỏm giữa hàng trăm thứ giải trí mà thứ nào cũng được tiếp thị ầm ĩ.

* Hai năm gần đây, Quái vật rồi Thở sâu của chị đều có những “chiêu thức” tiếp thị độc đáo: tiểu thuyết đầu tiên có trailer như phim tung lên internet rồi bây giờ là khuyến mãi như một mặt hàng... Chị đang “thị trường hóa” văn chương thay vì đặt nó vào tháp ngà kính trọng của độc giả?

- Đích đến cuối cùng của người sáng tác là người tiếp nhận - thưởng thức tác phẩm của mình. Tôi sẽ không vui chút nào nếu như người ta chỉ nhìn văn chương nói chung như một cái gì đó để ngắm nhìn kính cẩn chứ không chịu đọc và chia sẻ. Tại sao cũng là sản phẩm văn hóa nhưng phim, băng đĩa nhạc, kịch... lại được tiếp thị ầm ĩ và không ai dị nghị gì trong khi tiếp thị sách lại bị cho là “thị trường hóa” văn chương? Tại sao cứ im lặng ngồi yên đợi độc giả đến thì mới được xem là “có giá”, là “gìn giữ thánh đường văn chương”. Tôi tin rằng quan trọng nhất là tìm được đường đến với độc giả... Họ phải chịu cầm sách của mình trên tay thì mới biết nó hay, dở thế nào chứ?

Những buổi đọc sách kèm tiệc nhẹ

CÂU HỎI DUY NHẤT ĐỂ “RINH QUÀ TẶNG” LÀ: “TRONG SÁCH CÓ MỘT CÂU VĂN MIÊU TẢ VÙNG ĐẤT MÀ NHÂN VẬT NGƯỜI ĐÀN ÔNG NƯỚC NGOÀI ĐẾN VN
TRONG HÀNH TRÌNH TÌM KIẾM NGƯỜI PHỤ NỮ MÌNH YÊU. HÃY GHI LẠI CÂU VĂN ĐÓ VÀ CHO BIẾT TÊN CỦA VÙNG ĐẤT ĐÓ?”. ĐỂ TRẢ LỜI CÂU HỎI NÀY, BẮT BUỘC PHẢI ĐỌC THỞ SÂU VÀ GỬI VỀ ĐỊA CHỈ HMEDIA.BOOK@GMAIL.COM. 


* Thời gian đi Mỹ học 3 tháng có đem lại cho chị những kinh nghiệm mới mẻ nào trong việc tiếp thị sách văn học không?

- Tôi rất yêu những buổi tối đọc tác phẩm được tổ chức sau các buổi học. Tại một gallery nhỏ, ấm cúng cạnh Trường Đại học Harvard (Boston), mỗi buổi tối có 2 người đọc tác phẩm của mình. Nếu là thơ thì khoảng 3 bài, là truyện ngắn thì một truyện. Mọi người lắng nghe, hỏi han nhau về tác phẩm, nói cho nhau nghe cảm giác của mình về tác phẩm đó... Sau khi đọc xong thì có tiệc nhẹ với rượu vang... Khán phòng chỉ khoảng chừng 50 người thôi. Ấm cúng và thân tình...

Những buổi tiệc văn chương như vậy được tài trợ của một vài người yêu thích văn chương hoặc chính bản thân những nhà văn, nhà thơ đứng ra tổ chức... Khi đến San Fransisco, tôi thấy các giáo sư, nhà văn cũng tổ chức các buổi tiệc nhẹ như thế để giới thiệu sách của mình. Họ dùng báo chí, mạng internet để tiếp thị rộng rãi. Các nhà văn cũng đến với độc giả bằng cách tổ chức giao lưu. Các nhà xuất bản chi rất mạnh tay cho việc tiếp thị sách bằng nhiều hình thức, kể cả mua sách được tặng sách, mua sách được tặng quà gồm kẹo, bánh...

* Chị đánh giá thế nào về việc tiếp thị sách ở Việt Nam thời gian qua?

- Tôi thấy nhiều NXB, cá nhân nhà văn đã và đang quan tâm thực sự đến việc tiếp thị sách. Tôi tin rằng đó là việc rất cần thiết để lôi kéo bạn đọc về phía văn chương. Tình yêu với sách, với văn chương là việc phải nuôi dưỡng lâu ngày dài tháng và cần có nhiều nỗ lực. Cũng cần phải nói thêm là không chỉ việc tiếp thị là đủ níu kéo độc giả, vấn đề là chất lượng tác phẩm nữa. Tác phẩm hay, tiếp thị tốt sẽ bán chạy hơn là không được tiếp thị. Nhưng nếu tác phẩm dở thì dù tiếp thị tốt cách mấy cũng sẽ không có hiệu quả lâu dài. Tôi tin rằng không chỉ riêng tôi thấy điều này, nên hiện nay chất lượng sách đã nâng dần và công việc tiếp thị cũng ngày càng phổ biến, chuyên nghiệp.

* Xin cảm ơn!

Hoàng Nhân (thực hiện)
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...