loading...
Vào thời điểm viết Fast Car, Tracy Chapman không thật sự nghĩ tới cuộc đời cụ thể của ai nhưng cùng với thời gian, nó đã trở thành câu chuyện của vô vàn người, ở nhiều thế hệ khác nhau. Và chính bản thân cô, nhiều năm sau đó, cũng lờ mờ nhận ra nguyên mẫu.
Tuần qua, top 10 Billboard Hot 100 không có ca khúc mới toanh nào. Ở vị trí No.1 tiếp tục là ca khúc 23 “tuần tuổi” As It Was của Harry Style. Tuy nhiên, sự xuất hiện của "I Ain’t Worried" của OneRepublic ở vị trí No.8 lại là điều khá thú vị để bàn luận.
Không chỉ ca từ, Fast Car còn có giai điệu vượt thời gian, “nghe như thể vừa phát hành vào tuần trước” - như nhận xét của siêu sao 24 tuổi Khalid.
Bất hủ
Fast Car là bản ballad được yêu thích bậc nhất thập niên 1980 và giống như rượu quý, càng ngày ca khúc càng chứng tỏ sức mạnh của mình, giúp nâng đỡ biết bao khán giả lẫn nghệ sĩ vào những thời điểm chao đảo của cuộc đời.
Ra đời từ hơn 30 năm trước, tới nay, khó có ngày nào Fast Car không được tìm kiếm trên iTunes. Nó cũng liên tục trỗi dậy qua các bản cover. Sam Smith, Birdy, Khalid hay Justin Bieber đều đã từng hát lại Fast Car. Phong cách thể hiện cũng thay đổi không ngừng, từ EDM tới reggae.
“Phần guitar của ca khúc là siêu biểu tượng. Mọi người đều biết là nó ngay khi nhạc vừa cất lên” - Luke Combs chia sẻ khi thu âm phiên bản Fast Car của anh vào năm 2020 - “Mọi người đều thuộc và hát theo. Cũng giống như Free Bird hay Jolene vậy”.
Lý do cho sự trường tồn này, ngoài giai điệu bắt tai, phần lớn có lẽ như Chapman kể lại sau này: “Có rất nhiều người đến chỗ tôi và nói họ cảm thấy đây như thể là ca khúc của họ. Thậm chí có người nói họ tưởng tôi đọc lén thư của họ. Họ nói: Cô có vẻ biết chuyện của tôi. Ca khúc đại diện cho những điều xảy ra trong đời họ”.
Những năm đầu thập niên 2020, khi đại dịch hoành hành, cả thế giới chìm trong bất ổn cùng làn sóng thất nghiệp ồ ạt, Fast Car - ca khúc bắt nguồn từ cuộc biến động kinh tế và xã hội từ 30 năm trước - sống dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lớp khán giả thế hệ trẻ lần đầu nghe thấy Fast Car qua giọng của những nghệ sĩ lớn lên cùng nó, và lập tức tìm sự an ủi, giống như Khalid, khi lần đầu nghe ca khúc hồi lớp 9: “Không nhớ ai đã bật nó nhưng tôi nhớ khi tôi nghe, nó làm tôi thấy dễ chịu làm sao. Một giai điệu vô cùng nâng đỡ tinh thần”.
Fast Car được Chapman viết năm 1986, là một trong những ca khúc cuối cùng cô viết trước khi thu âm album đầu tay, Tracy Chapman (1988). Là cựu binh ở các tụ điểm cà phê ở Boston nhưng cô từng bị các hãng đĩa từ chối bản demo, thậm chí có nơi khuyên cô nên chỉnh lại dây đàn guitar. Sau Fast Car, Chapman trở thành người hát rong hàng đầu của thời đại, đứng Top đầu BXH khắp thế giới và nhận 3 đề cử Grammy. Một ngôi sao không ai ngờ tới!
Khi nhìn lại những trở ngại mà Chapman phải vượt qua, vị thế tiêu chuẩn của Fast Car lại càng thêm ấn tượng. David Kershenbaum - người sản xuất album ra mắt của Chapman, nhớ lần đầu nghe ca khúc trong phòng họp ở lần đầu gặp mặt. Chapman nói mình có một ca khúc mới mà ông chưa từng nghe và bật bản cassette demo. Lập tức bị đánh gục, Kershenbaum đảm bảo Fast Car sẽ xuất hiện trong album. Ca khúc vấn vít bởi giọng nhẹ nhàng đầy cảm xúc của Chapman và tiếng guitar tinh tế - sau đó được thêm vào chút nhạc cụ nhưng không gây choáng ngợp- được thu xong chỉ sau vài lần thử.
Nhưng vào năm 1988, thời kỳ hoàng kim của nhạc hair metal và các biểu tưởng hip hop ở Bờ Tây như Public Enemy, điều cuối cùng mà các đài phát thanh muốn là một ca khúc folk rock gợi nhớ tới những quán cà phê ở thập niên 1960, bất chấp Luka của Suzanne Vega bất ngờ thành hit vào năm trước đó. Kershenbaum nhớ lại rằng hãng đĩa của Chapman, Elektra, yêu cầu ông tỉa lại Fast Car, vì trước điệp khúc là tới ba phiên khúc dài hơn thông thường.
“Ca khúc đi ngược lại mọi thứ diễn ra thời đó trên đài phát thanh pop, thế nên họ muốn có điệp khúc sớm hơn” - Kershenbaum nói - “Tôi dành hai tuần thử nhưng không ra. Bạn phải xây dựng câu chuyện và để nó bùng nổ. Điệp khúc phải tới muộn nhưng cuối cùng khi đã tới thì tiếng trống vang lên, tạo nên tác động khổng lồ”.
Cuối cùng, ca khúc đã chiến thắng rực rỡ, được hỗ trợ đầy cảm xúc bởi video do Matt Mahurin đạo diễn. “Nó nghe khác với bất cứ thứ gì trên đài phát thanh khi đó” - nhà sản xuất - DJ người Anh Jonas Blue, người lần đầu nghe ca khúc vào những năm 1990 và làm lại ca khúc vào năm 2015, nhớ lại - “Trên đài phát thanh toàn những ca khúc được sản xuất cầu kỳ và rồi đĩa đơn tuyệt vời này tới với chỉ giọng hát và cây đàn guitar”.
Thời điểm ra mắt cũng rất hợp nếu nhìn rộng ra: Năm đó, Cục Lao động báo cáo rằng tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi ở mức gần 10%, gấp đôi so với người da trắng. Thế nên, những câu như “Chẳng có việc/ Tôi làm cô gái tính tiền ở chợ”, phản ánh kinh tế xuống dốc đã gây ảnh hưởng tới cộng đồng người Mỹ gốc Phi vào cuối thời Reagan. “Nó rất dễ nghe, giai điệu bắt tai, nhưng mọi người đều có những vấn đề trong đời khi họ muốn leo lên xe và thoát khỏi tất cả” - Kershenbaum nói - “Mọi người đều muốn thoát khỏi những tình huống éo le trong đời và ca khúc này thật sự đánh vào lòng họ, từ góc độ cảm xúc”.
Giai điệu bất hủ của “Fast Car":
Câu chuyện của đời người
Dù mang tên “Fast Car” (Chiếc xe chạy nhanh), Fast Car hoàn toàn không phải về xe cộ. “Cơ bản thì nó là về một mối quan hệ không thành vì đã sai lầm ngay từ đầu” - Chapman giải thích.
Đó là câu chuyện nghiệt ngã về một phụ nữ nghèo ở tầng lớp lao động. Cô gái phải bỏ học để chăm lo cho người bố già lười nhác, ngập trong ma men sau khi mẹ cô - vì quá chán chường - đã bỏ đi. Lúc này, cô gái gặp được chàng trai mà cô cho là lối thoát. Khi chàng ôm cô trong vòng tay trên chiếc xe phóng bay trên đường, cô đã hi vọng một tương lai tươi sáng hơn. Cô sẽ thoát khỏi cảnh tù đày này. Họ sẽ cùng nhau kiếm việc, thăng tiến, mua nhà.
Thế nhưng đời chẳng như mơ. Chàng trai dần giống như chính bố cô, thất nghiệp, say xỉn, gặp bạn nhậu nhiều hơn các con họ. Cô lại nai lưng một mình nuôi cả nhà, trở lại vòng lặp của chính mẹ mình.
Chapman khẳng định ngay từ đầu rằng Fast Car không phải tự truyện về đời cô. Cô được mẹ cho ăn học đàng hoàng và chưa bao giờ leo lên một chiếc xe phóng một đi không trở lại. “Tôi được nuôi bởi người mẹ đơn thân và chỉ quan sát cộng đồng của mình - những người đang gặp khó khăn. Mọi người thật sự chỉ có: Một là làm việc chăm chỉ và hai là hi vọng mọi thứ sẽ tốt lên” - Chapman kể trên BBC Radio năm 2010.
Ca khúc cũng tới rất bất ngờ vào một đêm muộn. Dù nó chưa thành hình và chẳng ai biết được mọi người sẽ phản ứng thế nào khi đĩa lên kệ, Chapman đã có một cảm giác đặc biệt ngay từ khi bắt đầu. “Hồi đó, tôi có một chú cún nhỏ, giống Miniature Dachshund, và nó luôn thức cùng tôi. Nó luôn thức cùng khi tôi làm việc muộn. Tôi nhớ nó đang ngồi ở ghế dài cạnh bên khi tôi bắt đầu viết nhạc và vài dòng lời đầu. Tôi nghĩ phần đầu tới với tôi là câu “Bạn có một chiếc xe chạy nhanh”. Bỗng tôi cảm thấy con cún có vẻ sẵn sàng hơn bình thường. Không rõ nó cảm thấy năng lượng từ tôi hay đơn giản là hôm đó nó khỏe hơn bình thường nhưng thật buồn cười khi có nó ở đó trong suốt quá trình viết ca khúc” - Chapman kể.
Vào thời điểm đó, cô không thật sự nghĩ về ai cụ thể và nhìn chung các ca khúc khác cũng vậy. Thế nhưng, sau này, sương mờ dần tan và Chapman thấy đó rõ ràng: “Đó là ca khúc về bố mẹ tôi. Về chuyện họ gặp nhau thế nào khi còn rất trẻ. Họ đã muốn bắt đầu một cuộc sống mới với nhau và mẹ tôi đã nóng lòng rời khỏi nhà. Bố mẹ tôi kết hôn và bước ra thế giới để cố tạo đựng một chỗ đứng cho mình. Chuyện đó thật khó khăn. Mẹ tôi không có bằng cấp ba còn bố tôi chỉ hơn bà có vài tuổi. Thật khó cho ông để tạo dựng nên cuộc sống mơ ước với nền tảng học vấn của mình, với những cơ hội dành cho ông. Họ tới với nhau, nghĩ rằng cùng với nhau họ sẽ có nhiều cơ hội hơn”.
Mộng sớm tan vỡ, bố mẹ Chapman đã chia tay khi cô mới lên bốn.
Không khó hiểu khi ngày nay, nhiều người vẫn tìm thấy điểm tựa nơi giai điệu xưa cũ này. Trong phút bĩ cực của đời, ai không mơ sẽ được biến đi thật xa, làm lại từ đầu? Nhưng sự bốc đồng có thể sẽ chỉ đẩy ta xuống những vực sâu hơn. Sau cùng, chỉ có đối đầu với thử thách, đứng vững trên đôi chân của mình mới là giải pháp rốt ráo cho cuộc đời.
Bàn đạp không ngờ
Fast Car đã giúp định hình nhận thức của công chúng về Chapman như một người kể chuyện bậc thầy với những ca khúc về cuộc sống, đại diện cho thế giới cô thấy khi lớn lên ở Cleveland, Ohio. Dù ngày nay được các nhà phê bình ca tụng, thành công của Fast Car không thể không nhắc tới một may mắn tình cờ.
Chuyện là, sau khi phát hành album Tracy Chapman, Chapman được mời tới biểu diễn tại lễ kỷ niệm 70 năm sinh nhật Nelson Mandela vào ngày 11/6/1988. Là một ca sĩ còn tương đối vô danh, Chapman chỉ là người dạo đầu và cô hài lòng khi mình đã diễn tốt phần của mình, thoải mái thư giãn xem tiếp hòa nhạc. Không may cho ngôi sao Stevie Wonder – và may thay cho Chapman – là vào tối đó, đĩa nhạc của ông bị lỗi nên không thể biểu diễn. Chapman đã được chọn làm phương án thế chỗ. Thế là, vào đúng khung giờ vàng của buổi lễ, Chapman đã lên sân khấu với chỉ cây đàn guitar acoustic và biểu diễn Fast Car.
Trước hòa nhạc, Chapman chỉ bán được 250.000 album. Sau đó hai tuần, cô bán được 2 triệu bản.
Fast Car cũng thăng vọt trên BXH hai bờ Đại Tây Dương, leo tới No.6 ở Mỹ và No.4 ở Anh. Ca khúc cũng mang về cho cô ba đề cử Grammy là Bản thu của năm, Ca khúc của năm và Màn trình diễn giọng pop nữ hay nhất, thắng ở đề cử cuối. Ở giải MTV, ca khúc nhận đề cử giải Video của nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất. Trên danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, Fast Car đứng thứ 71.
|
Thư Vĩ (tổng hợp)
loading...