Đức Tuấn và những ca khúc đậm dấu ấn phụ nữ Việt Nam
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ca sĩ Đức Tuấn sẽ tổ chức chương trình âm nhạc Dịu dàng ơi tại phòng trà Đồng Dao, TP.HCM.
Anh sẽ hát các ca khúc tiêu biểu về phụ nữ Việt Nam như Bà mẹ quê, Nước non ngàn dặm ra đi (Phạm Duy), Đèn khuya (Lam Phương), Hòn vọng phu (Lê Thương)...
Nhiều năm qua, việc tổ chức những chương trình âm nhạc chủ đề ấm cúng, được đầu tư đáng kể về chất lượng, đã góp phần làm nên tên tuổi Đức Tuấn - từng hai lần đoạt giải Âm nhạc Cống hiến.
Dịu dàng chính là điều đặc biệt nhất của phái nữ
* Vì sao anh chọn chủ đề đêm nhạc là "Dịu dàng ơi", khi mà hiện nay chúng ta vẫn hướng tới hình ảnh phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ?
- Mạnh mẽ, năng động, sáng tạo không hề trái nghĩa với dịu dàng. Người phụ nữ hiện nay đang làm rất tốt khi họ cân đối được cả hai vế tưởng như rất khác nhau này. Năng động, sáng tạo, mạnh mẽ trong cuộc sống và công việc, nhưng bản chất của phụ nữ là dịu dàng - họ luôn hiểu rõ thế mạnh dịu dàng của mình. Và rõ ràng, đó mới là điều đặc biệt của người phụ nữ hiện đại. Đó cũng là sự khác biệt giữa hai phái. Sự dịu dàng chính là điều đặc biệt nhất của phái nữ.
* Sẽ có những ca khúc nào được biểu diễn trong đêm nhạc chủ đề này?
- Đó sẽ là những ca khúc mang đậm dấu ấn người phụ nữ Việt Nam. Từ những phụ nữ ấn tượng như nàng Tô Thị trong tích xưa, như công chúa Huyền Trân trong lịch sử, đến những câu chuyện cảm động khác, để khán giả có cái nhìn cụ thể, xuyên suốt.
Hai tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất trong đêm nhạc này là Hòn vọng phu (Lê Thương) và Nước non ngàn dặm ra đi (Phạm Duy). Một bài hát về đức hy sinh của người phụ nữ thủy chung, ôm con chờ chồng đến hóa đá. Một bài ngợi ca nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam, sẵn sàng hy sinh vì nước non.
* Có một câu nói rất quen thuộc: "Sau lưng người đàn ông thành công thường có bóng dáng của người phụ nữ". Sau lưng Đức Tuấn là?
- Tôi không muốn chia sẻ những chuyện riêng tư, mà giữ cho riêng mình. Nhưng có một người phụ nữ mà tôi luôn tự hào khi nói đến, đó là mẹ của tôi. Mẹ là người chịu nhiều hy sinh, không chỉ vui với những thành công, mà chia sẻ tất cả những chông gai, vui buồn, cảm xúc trên những chặng đường đời mà tôi đi. Trước khi vào nghề, tôi đang có những thành tích học tập đúng như mẹ mong đợi, nhưng bất chợt bẻ ngoặt qua con đường ca hát, vốn dĩ đầy thử thách, nhưng mẹ vẫn ủng hộ. Bởi vì mẹ hiểu cá tính của tôi từ bé, vì tôi đam mê ca hát từ bé, chứ không phải sau này mới đi hát.
Khi nhập tâm, tôi thường rơi nước mắt
* Khi nghe Đức Tuấn hát "Hòn vọng phu", "Áo anh sứt chỉ đường tà"... nhiều khán giả đã rơi nước mắt. Vậy có lúc nào Đức Tuấn rơi nước mắt khi biểu diễn?
- Tôi hát nhập tâm tới rớt nước mắt là chuyện bình thường. Thậm chí đã có lúc hát nhạc phẩm Bông hồng cài áo, tôi đã không thể hát trọn vẹn những đoạn cuối và đành phải buông mic, vì không kìm được sự xúc động. Lời bài hát trong Bông hồng cài áo làm tôi nhớ đến mẹ, nhớ đến những hy sinh lặng thầm mà mẹ đã dành cho mình suốt thời gian qua. Tôi đã phải xin lỗi các khán giả thật nhiều vì đã không kiềm chế được cảm xúc riêng, không thể hát trọn vẹn ca khúc để khán giả thưởng thức.
Tôi cho rằng, khi biểu diễn phải hóa thân được vào ca khúc thì khán giả mới đồng cảm được. Một khi đã hát thì gần như tôi đã quên mất mình là ai. Tôi sẽ chỉ sống với nhân vật của bài hát mà thôi.
* Được biết, anh là người luôn có thói quen tìm hiểu rất kỹ những tác phẩm trước khi hát. Điều này giúp ích gì cho người nghệ sĩ khi biểu diễn?
- Đây không đơn thuần là một thói quen, mà là nguyên tắc của tôi khi tiếp cận một bài hát, một tác phẩm âm nhạc. Điều này tạo cho tôi khả năng nuôi dưỡng được những cảm xúc xung quanh tác phẩm, hiểu được nhiều hơn nội dung của ca khúc. Tôi có thể đặt mình vào tâm trạng nhân vật, vào trong tác phẩm, nhưng không phá hỏng tư duy âm nhạc của chính tác giả. Đó là điều quan trọng nhất.
Hầu hết những ca khúc sắp biểu diễn, tôi đều tốn nhiều thời gian trong việc tìm hiểu, bởi ca khúc Việt Nam mình, đặc biệt là những ca khúc trước đây, thường có những câu chuyện liên quan tới ca khúc đó, hoặc có nhiều tích xưa trong đó.
Một ca khúc trước đây ra đời không giống như bây giờ, thường gắn với một sự kiện, có câu chuyện nào đó dẫn đến cảm hứng sáng tạo. Thường sẽ gắn với hoàn cảnh, nguyên nhân vì sao nó ra đời, chứ không phải viết theo đơn đặt hàng hoặc viết để tạo hit như hiện nay.
* Nhắc đến nhạc xưa và bây giờ, Đức Tuấn có thiên vị những ca khúc xưa hơn bây giờ trong việc chọn bài hát hay không?
- Tôi chọn hát bài nào phù hợp với mình, chứ không thiên vị. Nhưng rõ ràng, với cá tính âm nhạc của tôi, có vẻ có nhiều bài hát xưa phù hợp hơn nhạc mới sau này.
* Hơn 20 năm trước, khán giả đã nhận ra phong cách lịch lãm và trẻ trung của anh. Hiện ở tuổi ngoài 40, đây có còn là phong cách mà anh theo đuổi lâu dài không?
- Tôi hoàn toàn không hướng tới điều này, hoặc không theo đuổi một phong cách nào cụ thể. Tôi vốn dĩ là người rất hồn nhiên khi làm nghệ thuật. Cá tính, phong cách nghệ thuật cũng chính là cá tính của chính tôi. Nó được xây dựng hoàn toàn dựa trên bản chất của mình, chứ không bằng sự cố gắng tô vẽ, hoặc xây dựng gì cả. Khi đã là bản chất, thì kể cả muốn giấu đi, người ta cũng dễ dàng nhận thấy, cũng dễ dàng nhận ra mà thôi.
* Anh có chịu sự ảnh hưởng của một ca sĩ nào hay không?
- Tôi nghĩ là không! Nhưng thần tượng mà tôi yêu mến nhất trong đời là Whitney Houston (1963 - 2012), nữ ca sĩ, diễn viên và là nhà sản xuất người Mỹ.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Hai lần đoạt giải Âm nhạc Cống hiến
Đức Tuấn sinh năm 1980 tại An Giang. Năm 1995, Đức Tuấn lên TP.HCM học Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Năm 2000, lúc mới 20 tuổi, anh đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình TP.HCM, khi đang học Đại học Ngoại thương. Sau đó, anh cộng tác với phòng trà ATB, được nhiều khán giả và giới chuyên môn - đặc biệt là ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - ngợi khen ngợi.
"Thời gian cộng tác ở ATB giúp tôi rất nhiều trong việc hiểu, định hướng khán giả của mình, dòng nhạc, con đường nghệ thuật mà mình theo đuổi về sau" - Đức Tuấn chia sẻ.
Đức Tuấn bền bỉ với con đường âm nhạc hướng đến dòng nhạc trữ tình. Nhiều ca khúc xưa được anh làm mới, tạo sự quan tâm của đông đảo khán giả. Đức Tuấn đã hai lần đoạt giải Âm nhạc Cống hiến, hai lần đoạt giải Mai vàng và nhiều giải thưởng âm nhạc khác.