Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ra mắt sách về hạnh phúc
(Thethaovanhoa.vn) - “Ông là một trong những người khiến tôi thay đổi suy nghĩ về hạnh phúc” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói như vậy trong buổi ra mắt cuốn Hạnh phúc tại tâm của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ở Hà Nội chiều qua (8/12).
Buổi tọa đàm về cuốn sách “bán chạy” của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa: Hạnh phúc tại tâm có sự tham dự của hai vị khách mời: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, ông là một người đàn ông nhỏ bé, cũng từng tham lam, khát vọng... như bất kỳ người tham lam nào trên thế giới này, nhưng một trong những người khiến ông thay đổi suy nghĩ về thế nào là hạnh phúc chính là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa. Còn nhà sử học thì gọi Đức Pháp Vương là một nhà khoa học, một nhà hoạt động xã hội, và gần gũi hơn là một thầy giáo dạy chúng ta về kỹ năng sống.
"Hạnh phúc tại tâm" do NXB Tôn Giáo ấn hành
Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc bắt nguồn từ đâu? Liệu chúng ta có thể tự mình quyết định hạnh phúc? Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa nói rằng, bí mật của hạnh phúc nằm tại Tâm của mỗi người. Bằng cách rèn luyện và trưởng dưỡng tâm, chúng ta có thể nhận ra suối nguồn hạnh phúc vốn sẵn đủ nơi tự thân.
Cuốn sách giúp người đọc hiểu ra hạnh phúc không phải mục đích mà là hành trình, không phải thứ chúng ta theo đuổi hay đánh đổi mà chính là bản chất của chính mình. Khi cho đó là mục đích, hạnh phúc sẽ nằm trong tương lai bất định. Còn khi gọi “hành trình” tức là hạnh phúc có mặt ở mọi lúc mọi nơi. Chúng ta là chủ nhân của hạnh phúc, tự tạo cho mình hạnh phúc cũng như tự mang đến những đau khổ bất an.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
Cũng trong buổi tọa đàm, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa trực tiếp ký tặng sách cho 10 sinh viên xuất sắc ở các trường đại học tại Hà Nội.
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa là nhà giáo dục và hoạt động môi trường quốc tế, đồng thời là lãnh tụ tâm linh đứng đầu Truyền thừa Drukpa, truyền thống Phật giáo Đại thừa Kim Cương thừa khởi nguồn cách đây gần 1000 năm từ thời Đại thành tựu giả Naropa, Ấn Độ và hiện còn ảnh hưởng mạnh mẽ tại vùng Ấn Độ - Himalaya cùng nhiều quốc gia trên thế giới.
Hoàng Lê