Đức nỗ lực ngăn chặn làn sóng phá sản do dịch COVID-19
(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm ngăn chặn làn sóng phá sản doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Chính phủ Đức sẽ nới lỏng các quy định về phá sản, với điều kiện các công ty bị ảnh hưởng phải xây dựng một mô hình kinh doanh mạnh mẽ.
Trong một tuyên bố ngày 19/9, Bộ trưởng Tư pháp Đức Christine Lambrecht nêu rõ: "Những công ty có thể cho các chủ nợ thấy triển vọng tái cơ cấu thực tế sẽ có khả năng thực hiện ý tưởng của họ ngoài các thủ tục phá sản".
Theo dự thảo cải cách liên quan vấn đề này, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2021, thời hạn để các doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản sẽ được kéo dài tới 6 tuần, thay vì 3 tuần như hiện tại.
- Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, có 942 người được chữa khỏi
- 'Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19' qua ảnh Nguyễn Á
- Bộ trưởng Kinh tế Pháp mắc Covid-19, số ca nhiễm mới ở Canada tăng chóng mặt
Cơ quan chức năng sẽ áp dụng các tiêu chuẩn nới lỏng hơn khi kiểm tra và đánh giá tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp.
Hồi đầu tháng này, công ty phân tích Creditreform dự báo các vụ phá sản tại Đức sẽ tăng mạnh vào tháng 10 tới và ba ngành kinh tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản nghiêm trọng là ngành giải trí, du lịch và khách sạn.
Chính phủ Đức đã triển khai các biện pháp như cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính do đại dịch được hoãn nộp đơn xin phá sản cho đến cuối năm nay, thay vì thời hạn ban đầu là cuối tháng 9. Với sự hỗ trợ của các biện pháp này, trong nửa đầu năm nay, số doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ ở Đức đã giảm 6,2% xuống còn 9.006 công ty so với cùng kỳ năm ngoái.
Phương Oanh - TTXVN