Đức: Ngày càng nhiều người dân lo sợ chiến tranh
Ngày càng nhiều người Đức lo sợ chiến tranh và ít người tin tưởng vào lực lượng vũ trang của họ.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả cuộc khảo sát của Công ty bảo hiểm R&V của Đức, công bố ngày 22/3, cho biết một năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nỗi lo sợ chiến tranh của người Đức đang gia tăng đáng kể. Đa số người được hỏi đều cho rằng Đức không có khả năng tự vệ và sẽ trở thành một bên tham chiến.
Có tới 63% số người được hỏi lo sợ rằng nước Đức sẽ không thể tự vệ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Trong thông cáo báo chí của Công ty bảo hiểm R&V, Giám đốc nghiên cứu Grischa Brower-Rabinowitsch cho biết: “Tình trạng tồi tệ của quân đội được phản ánh rõ trong kết quả cuộc khảo sát đặc biệt của chúng tôi”.
Theo ông Brower-Rabinowitsch, tỷ lệ lo ngại về việc Đức không thể tự bảo vệ mình đã tăng 23% kể từ mùa Hè năm ngoái. Ông nói thêm: “Chúng tôi hiếm khi nào thấy sự gia tăng lớn như vậy trong cuộc khảo sát của chúng tôi”.
Trong khi đó, cũng có tới 55% số người được hỏi lo sợ rằng Đức sẽ tham gia vào một cuộc chiến, tăng 13% so với năm 2022 và đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy cuộc xung đột Nga - Ukraine đang làm lung lay cảm giác an toàn của người Đức.
Ông Brower-Rabinowitsch cho biết: “Nỗi sợ hãi rằng chính Cộng hòa Liên bang Đức có thể trở thành một bên tham chiến chưa bao giờ lớn đến như vậy trong thiên niên kỷ này”.
Trước đó, tỷ lệ khảo sát cao hơn chỉ được tìm thấy trong cuộc thăm dò của R&V vào năm 1999, thời điểm nổ ra cuộc chiến tại Kosovo. Khi đó, 60% số người được hỏi cho biết họ sợ chiến tranh.
Sự khác biệt giữa Tây và Đông Đức liên quan đến nỗi lo sợ chiến tranh cũng khác nhau. Trong khi 66% người Đông Đức được hỏi, lo sợ một cuộc chiến có sự tham gia của Đức, trong khi con số này ở Tây Đức là 53%.
Sự chênh lệch giữa nam và nữ cũng khác nhau. 63% phụ nữ được hỏi lo ngại Đức sẽ tham chiến trong khi chỉ có 48% nam giới lo sợ điều này.