Đức đứng đầu thế giới về chào đón người tị nạn
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 18/12, báo cáo của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết số người tha hương vì chiến tranh, bạo lực và ngược đãi trong năm 2015 sẽ đạt mức kỷ lục mới và cao hơn mức xấp xỉ 60 triệu người của năm 2014.
Theo đó, số người di cư, tị nạn và rời bỏ quê hương tăng mạnh trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2015 và dự đoán con số của cả năm sẽ còn cao hơn nữa bởi 6 tháng cuối năm vừa qua là đỉnh điểm của khủng hoảng di cư tại châu Âu.
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, ít nhất 5 triệu người phải tha hương lánh nạn hay nói cách khác, mỗi ngày trên thế giới lại có 4.600 người trên thế giới buộc phải rời bỏ nhà cửa của mình đi lánh nạn. Trong số này, gần 1 triệu người di cư và nhập cư đã vượt Địa Trung Hải.
Tính đến cuối tháng 6/2015, trên toàn thế giới có 20,2 triệu người phải sống cuộc sống di cư. Như vậy, trong giai đoạn từ 2011 tới giữa 2015, số người phải sống tha hương tăng 45%, trong đó, xung đột tại Syria đã đẩy 4,2 triệu người vào hoàn cảnh này. UNHCR cho biết nếu không có những xung đột tại Syria, số người di cư trên thế giới sẽ chỉ tăng năng 5% thay vì 45%.
UNHCR cũng chỉ ra rằng số lượng người di cư 6 tháng cuối năm sẽ còn lớn hơn rất nhiều bởi xung đột tại Syria và các nơi khác trên thế giới vẫn tiếp tục diễn ra khiến tình trạng người dân phải rời bỏ quê hương vẫn tiếp diễn và chắc chắn sẽ vượt mọi kỷ lục của các năm trước đó. Theo báo cáo này, số đơn xin tị nạn trên toàn cầu hiện đã tăng 78% so với 6 tháng đầu năm, lên tới gần 1 triệu đơn.
Đức là quốc gia tiếp nhận đơn xin tị nạn nhiều nhất, 159.000 đơn trong 6 tháng đầu năm 2015, gần bằng con số của cả năm 2014. Tuy nhiên, từ tháng 6 tới nay, tình hình còn diễn biến tồi tệ hơn và quốc gia này dự đoán sẽ tiếp nhận khoảng 1 triệu người di cư trong năm nay. UNHCR dự báo số liệu tổng kết toàn năm 2015 cao hơn rất nhiều so với con số 59,5 triệu người của năm vừa qua. Điều này đồng nghĩa với cứ 122 người trên thế giới thì lại có một người phải rời bỏ quê hương đi tị nạn.
TTXVN