Đức: Cử tri bỏ phiếu bầu Quốc hội liên bang nhiệm kỳ 2021-2025
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 26/9 (theo giờ địa phương), các điểm bỏ phiếu tại 299 khu vực bầu cử trên toàn nước Đức sẽ đồng loạt mở cửa đón cử tri đi bầu Quốc hội liên bang khóa 20 nhiệm kỳ 2021-2025.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cuộc bầu cử lần này có 60,4 triệu cử tri tham gia, trong đó có 31,2 triệu cử tri nữ, 29,2 triệu cử tri nam và 2,8 triệu cử tri đủ 18 tuổi lần đầu tiên tham gia bầu cử. Số lượng cử tri giảm khoảng 1,3 triệu người so với cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017. Gần một nửa số cử tri có quyền bầu cử sinh sống tại ba bang lớn của nước Đức gồm Rheinland-Pfalz (12,8 triệu cử tri), Bayern (9,4 triệu cử tri) và Baden-Wuerttemberg (7,7 triệu cử tri).
Trong cuộc bầu cử này có tổng cộng 47 chính đảng với 6.211 ứng cử viên và đây cũng là cuộc bầu cử có số ứng cử viên cao nhất từ trước tới nay. Trong số ứng cử viên có 33% là nữ - con số cao kỷ lục, trong đó đảng Xanh chiến tỷ lệ ứng cử viên nữ giới cao nhất với 54%, thấp nhất là đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) với 13%.
Nước Đức có tổng cộng 299 khu vực bầu cử và mỗi cử tri sẽ bầu vào lá phiếu gồm 2 phần, trong đó phần thứ nhất bầu trực tiếp cho 1 ứng cử viên của 1/299 khu vực và phần thứ 2 sẽ bầu cho 1 đảng.
Với việc mỗi chử tri có hai lựa chọn như vậy, về lý thuyết sẽ có tổng cộng 598 ứng cử viên được bầu vào Quốc hội, gồm 299 ứng cử viên được bầu trực tiếp ở phần phiếu thứ nhất và 299 ứng cử viên được bầu theo danh sách đảng ở phần phiếu thứ 2.
Trong trường hợp số ứng cử viên của một đảng được bầu trực tiếp nhiều hơn số phần trăm mà đảng được nhận thì sẽ có thêm nghị sĩ theo con số dôi ra này, nói cách khác là Quốc hội sẽ "phình to" hơn con số 598 nghị sĩ.
- Uy tín Thủ tướng Đức Angela Merkel tăng mạnh sau 16 năm cầm quyền
- Chủ tịch CDU bác bỏ việc gây sức ép buộc Thủ tướng Angela Merkel từ chức
- Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục là người phụ nữ quyền lực nhất
Cuộc bầu cử Quốc hội khoá 20 cũng là lần đầu tiên thủ tướng đương nhiệm không tham gia tái tranh cử sau 16 năm liên tiếp nắm giữ cương vị là người đứng đầu Chính phủ Đức. Sau khi có kết quả bầu cử, đảng giành được nhiều phiếu nhất có quyền đứng ra thành lập chính phủ với việc tìm kiếm liên minh cầm quyền với các đảng khác để giành quá bán ở Quốc hội. Dù tiến trình thành lập chính phủ có kéo dài, bà Angela Merkel cùng Nội các Đức sẽ vẫn tại nhiệm cho tới khi một thủ tướng mới được bầu.
Theo kết quả các cuộc thăm dò trong vài ngày qua, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) của ứng cử viên thủ tướng Olaf Scholz vẫn dẫn đầu với số điểm khá sít sao so với đảng đứng thứ nhì là Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của ứng cử viên thủ tướng Armin Laschet, trong khi đảng Xanh của ứng cử viên thủ tướng Annalena Baerbock đứng ở vị trí thứ 3. Nhiều khả năng việc lập một chính phủ cầm quyền sẽ cần tới 3 đảng để có quá bán.
Các điểm bỏ phiếu sẽ kết thúc vào lúc 18h00 cùng ngày giờ địa phương (tức 23h00 giờ Hà Nội) và kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố ngày hôm sau.
Mạnh Hùng - Vũ Tùng-Phương Hoa/TTXVN