Đua thuyền tứ linh - Văn hóa biển đặc sắc của Lý Sơn
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội đua thuyền tứ linh trên đảo Lý Sơn được xem là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hàng trăm năm qua. Lễ hội hàng năm thường bắt đầu vào ngày mùng 4 Tết và kết thúc ngày mùng 8 Tết.
Bốn đội thuyền đua là đại diện cho nhóm tứ linh: Long (hay còn gọi thuyền Rồng) - Lân (hay còn gọi thuyền Liên) - Quy - Phụng.
Còn đua thuyền là… còn Tết
Nhiều người nói vui là lịch ăn Tết của người dân đảo Lý Sơn có phần khác so với nhiều nơi trên cả nước. Và với người dân ở đây, không khí Tết rộn ràng nhất là vào những ngày diễn ra lễ hội đua thuyền mừng năm mới.
Ông Phạm Hoàng Thông (xã An Hải) chia sẻ: “Trong mấy ngày Tết, thường đến nhà người thân, bạn bè chúc Tết hay đi chùa cầu an. Chỉ những ngày đua thuyền, thì không khí cả đảo mới tưng bừng, do nhiều người, nhiều gia đình đều ra các bãi biển để xem đua thuyền”.
Cũng theo ông Thông, đua thuyền truyền thống trên đảo Lý Sơn kéo dài từ ngày mùng 4 đến mùng 8 Tết. Từ mùng 4 đến mùng 7 Tết, đua thuyền diễn ra tại 2 xã An Vĩnh và An Hải với 4 đội thuyền đua đại diện cho 4 xóm của mỗi xã. Đến ngày mùng 8 Tết, 8 đội thuyền đua sẽ tề tựu đông đủ tại vùng biển trung tâm huyện để đua.
Vào ngày mùng 8 Tết, sẽ diễn ra 2 lượt đua. Ở lượt đua đầu tiên, người dân Lý Sơn còn gọi là “đua 8 chiếc”, sẽ có sự tham dự đầy đủ của các đội thuyền đua đến từ 2 xã An Vĩnh và An Hải.
Cả 8 đội phải bốc thăm ngẫu nhiên hoa tiêu xuất phát của mình. Sau lượt đua đầu tiên, 4 đội đứng đầu sẽ bước vào lượt đua thứ 2 mà người dân địa phương còn gọi là “đua chung cuộc” hay “đua tranh vô địch”. Đội thuyền nào giành chiến thắng ở lượt đua này, sẽ lên ngôi vô địch.
Năm nay, đội thuyền Rồng xã An Hải đã lên ngôi vô địch một cách thuyết phục khi về nhất cả 2 lượt đua ngày mùng 8 Tết. “Thuyền Rồng xóm mình nhất 8 chiếc, rồi nhất 4 chiếc để lên ngôi vô địch nên tôi và nhiều người trong xóm rất vui. Hy vọng năm mới mọi việc sẽ thuận lợi” - anh Nguyễn Chí Trung, một người dân xã An Hải cho hay.
Còn, ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết sở dĩ huyện đảo Lý Sơn có 3 xã nhưng chỉ có 2 xã An Vĩnh và An Hải có lễ hội đua thuyền truyền thống là do trước đây, đảo Lý Sơn chỉ có 2 xã và khi ấy, xã An Bình thuộc xã An Vĩnh. Đồng thời ông cũng giải thích: “Tại các ngày đua thuyền 4 chiếc ở mỗi xã, thì xã An Hải luôn diễn ra đua thuyền trước so với xã An Vĩnh. Thường thì xã An Hải đua gần xong, hoặc xong rồi vài chục phút sau xã An Vĩnh mới đua. Có điều này, là do việc đua thuyền ở đảo Lý Sơn phụ thuộc vào mực nước nông - sâu của vùng biển đua thuyền của mỗi xã và mực nước ở xã An Hải sâu hơn xã An Vĩnh” - ông Ninh giải thích.
Nét văn hóa biển đặc sắc
Đua thuyền không là duy nhất, nhưng gần như rất ít nơi tổ chức đua thuyền trên biển nhân dịp năm mới như đảo Lý Sơn. Nét văn hóa biển này rất đặc sắc khi tồn tại hàng trăm năm qua. Nhưng đua thuyền ở đảo Lý Sơn xuất phát từ xã An Vĩnh hay xã An Hải, thì chưa có cứ liệu nào chuẩn xác.
Ông Phạm Thoại Tuyền, người được xem là “nhà Lý Sơn học” khi nắm giữ rất nhiều sử sách liên quan đến đảo Lý Sơn cho biết, lễ đua thuyền tạo dấu ấn đậm nét trong tâm linh, tín ngưỡng của người dân đảo Lý Sơn. Họ quan niệm nếu thuyền mình giành chiến thắng ở ngày đua đầu tiên - mùng 4 Tết - thì năm đó cả xóm sẽ làm ăn phát đạt, sức khỏe dồi dào.
Còn các vị bô lão đúc kết như sau: Nếu thuyền Rồng về nhất, năm đó dường như có sự đổi mới toàn bộ; thuyền Lân về nhất, xã có sự thay đổi về mặt xã hội; thuyền Quy về nhất sẽ làm ăn thuận lợi cả biển và nông nghiệp; còn thuyền Phụng về nhất thì cả nghề biển và nghề nông trong năm đó sẽ cực kỳ phát đạt. Ngoài ra, trên đường đến trường đua, các thuyền phải quay đầu vào bờ để lạy nếu trong phía bờ ấy có các dinh, miếu, sở… gọi là “xin phép”, lúc đi về thì không cần.
Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đang lập hồ sơ, trình lên cấp trên để xin công nhận Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”. |
Xuân Khánh