Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và bài toán lợi ích giữa các bên
(Thethaovanhoa.vn) - Vào cuối tuần trước, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thực hiện chuyến thăm đến Mỹ, truyền thông quốc tế đã nhắc nhiều tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2, bởi đây vốn là dự án khí đốt xuyên biển từ Nga sang Đức và lâu nay luôn là “cái gai” trong quan hệ giữa Đức-Mỹ.
Theo giới quan sát, dự án này tới đây tiếp tục là chủ đề nóng khi nó sẽ hoàn thành vào tháng 8 tới theo dự kiến và nó gắn với bài toán lợi ích của rất nhiều bên liên quan.
Một dự án đầy tham vọng
Nổi tiếng với những vựa dầu mỏ mênh mông và trữ lượng khí đốt dồi dào, Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng chủ chốt của thế giới. Nguồn thu từ xuất khẩu mặt hàng này chiếm khoảng 50% nguồn thu ngân sách Liên bang Nga và 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của “Xứ sở Bạch Dương”.
Trong khi đó, hàng chục quốc gia tại châu Âu, nơi có những thành phố tráng lệ, hiện đại, sầm uất, lại là nơi tiêu thụ nguồn năng lượng khổng lồ. Chính vì thế, từ giữa thập niên 70 của thế kỷ XX, Nga đã trở thành nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy của châu Âu, với khoảng 25% tổng lượng khí xuất khẩu của Nga được chuyển tới bạn hàng này.
Tuy nhiên, kể từ sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, Liên bang Nga vấp phải khó khăn, đó là khí đốt xuất khẩu của Nga sang các thị trường châu Âu phải đi qua những nước trung chuyển thuộc Liên Xô (cũ) là Belarus và Ukraine. Trong lịch sử, hai quốc gia nghèo năng lượng này đã nhiều lần can thiệp vào việc xuất khẩu khí đốt của Nga, không ngần ngại khóa đường ống dẫn khí qua những nước này để gây sức ép mỗi khi có tranh chấp bùng lên với nước Nga láng giềng.
Năm 2009, để trả đũa Công ty Gazprom của Nga nâng giá bán khí đốt, Ukraine đã từng chặn đường trung chuyển khí đốt Nga bán sang EU, làm cho 18 nước khách hàng Tây Âu của Nga lâm vào tình thế khó khăn đúng vào lúc cần khí đốt để sưởi vào mùa đông.
Trong bối cảnh đó, xây dựng một đường ống vận chuyển khí đốt sang châu Âu mà không phải quá cảnh qua một nước nào luôn là mục tiêu lớn của Nga, nhất là sau các cuộc khủng hoảng khí đốt với Ukraine. Và giải pháp hiệu quả nhất mà Nga lựa chọn chính là Dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc”.
Đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” được chính thức đưa vào vận hành vào ngày 8/11/2011 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2012. Sự ra đời của “Dòng chảy phương Bắc” ngay lập tức đã giúp Nga và các khách hàng Tây Âu của Nga tránh được tình trạng nguồn năng lượng này bị tắc nghẽn do những tranh chấp lặp đi lặp lại giữa Nga và Ukraine trước đó. Khi đi vào hoạt động, “Dòng chảy phương Bắc” cung cấp cho thị trường Tây Âu khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.
Và sau khi dự án “Dòng chảy phương Bắc” đi vào vận hành, vào tháng 9/2015, Nga, Đức và các đối tác châu Âu đã tiếp tục ký thỏa thuận bắt tay xây dựng tiếp dự án “Dòng chảy phương Bắc” mở rộng, tức “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream-2) nhằm xây dựng một nhánh đường ống dẫn khí đốt khác xuất phát từ vịnh Narva thuộc khu vực biên giới giữa Nga và Estonia tới Lubmin, miền Đông Bắc nước Đức và không phải chạy qua lãnh thổ Ukraine. Khi đó, đường ống này dự kiến sẽ đi vào hoạt động muộn nhất vào cuối năm 2019.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa Công ty Nord Stream AG - một liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Gazprom (Nga), Tập đoàn Hóa chất đa quốc gia BASF (Đức), Tập đoàn EON và Tập đoàn N. V. Nederlandse Gasunie (Đức, Hà Lan) - lắp đặt và vận hành. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các tập đoàn năng lượng lớn khác vào dự án này, như Uniper, Wintershall (Đức), OMV (Áo), Shell (Anh, Hà Lan), Engie (Pháp).
Tuyến đường ống dẫn khí đốt theo Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có chiều dài 1.225 km trong đó có 85 km đường ống chạy bên trong lãnh thổ Đức. Tổng giá trị đầu tư xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là 9,5 tỷ Euro (10,6 tỷ USD). Dự án này dự kiến sử dụng 86% đường ống của dự án Dòng chảy phương Bắc hiện tại trước khi rẽ nhánh. Khi rẽ nhánh, đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đi qua lãnh thổ của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Đến thời điểm hiện tại, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn thành đến 98% và theo dự kiến sẽ hoàn thiện vào tháng 8 tới.
Đối với Nga, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” có tầm quan trọng chiến lược vì nó củng cố vị thế của Nga với tư cách là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu sang các thị trường ở châu Âu. Còn đối với châu Âu, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đảm bảo nhu cầu năng lượng của Đức và nhiều nước châu Âu khác. Hiện nay ngoài lượng khí đốt tự khai thác và nhập khẩu từ các nguồn khác bên ngoài (năm 2017, Qatar chiếm 43% thị phần, Algieria chiếm 16% thị phần xuất khẩu khí đốt cho châu Âu), thì phần nhu cầu năng lượng còn lại được nhập khẩu từ Nga.
“Cái gai” trong mắt Mỹ
Trong khi Nga và Đức coi Dòng chảy phương Bắc 2 đơn thuần chỉ là dự án vì các lợi ích kinh tế thì Mỹ và một số nước lại phản đối gay gắt. Từ lâu nay, Mỹ luôn coi Dòng chảy phương Bắc 2 (Nordstream 2) là “một thỏa thuận tồi” khi chỉ trích các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào năng lượng từ Nga. Dự án này cũng trở thành “cái gai” cản trở quan hệ Mỹ-Đức lâu nay. Mỹ muốn Đức phải rời khỏi dự án này với lý do nó sẽ khiến châu Âu phụ thuộc hơn vào nguồn năng lượng của Nga và đe dọa an ninh của các nước Trung Âu.
Ngoài ra, một trong những lý do khiến Mỹ phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là việc sản lượng khai thác khí tự nhiên hóa lỏng ở Mỹ đã tăng nhanh hơn tốc độ tiêu thụ, do đó, nếu để mất thị trường châu Âu, giá khí đốt của Mỹ sẽ lao dốc do dư cung. Đứng trước thực trạng này, năm 2019, Tổng thống Donald Trump đã ban hành các lệnh trừng phạt lên các công ty liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2.
Các biện pháp ngăn cản từ Washington đã tác động không nhỏ đến việc hoàn thiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 mà cả châu Âu và Nga đều mong chờ. Việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt lên các công ty tham gia hoặc hỗ trợ xây dựng các hạng mục của công trình này đã khiến dự án bị bỏ dở thi công từ cuối năm 2019. Phải một năm sau đó, việc xây dựng đường ống mới được nối lại.
Không những bị Mỹ phản đối, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 còn vấp phải cản trở từ Ukraine bởi nước này lo ngại, khi Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành, Nga hoàn toàn có thể chỉ vận chuyển khí đốt qua đường ống này mà không sử dụng đường ống đi qua Ukraine nữa. Từ đó, nước này sẽ mất đi khoản phí trung chuyển 2 tỷ USD/năm.
Latvia, Litva hay Ba Lan cũng phản đối vì cho rằng dự án này mang màu sắc chính trị, có thể gây bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung và Đông Âu, khiến các nước châu Âu bị phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga…
Tuy nhiên, trước những sức ép từ phía Mỹ và một số nước, Đức vẫn kiên quyết không từ bỏ kế hoạch của mình. Trong tính toán của Đức, nước này muốn có đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho việc vận hành nền kinh tế “đầu tàu” của EU, và để không phải phụ thuộc quá lớn vào trạm trung chuyển khí đốt là Ukraine.
Thực tế đã có nhiều lần Nga và Ukraine căng thẳng làm gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu. Hơn nữa, Đức cũng không muốn nhượng bộ trước sức ép của Mỹ trong dự án này vì điều này có thể tạo tiền lệ khiến Đức và cả châu Âu bị “lép vế” trước Mỹ trong những cái “bắt tay” về kinh tế giữa hai bờ Đại Tây Dương.
- Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 không quan trọng đối với EU
- Áp đặt trừng phạt, Mỹ vẫn không ngăn nổi 'Dòng chảy phương Bắc 2'
Và bài toán lợi ích
Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ “quyết tâm làm mọi thứ có thể để ngăn cản việc hoàn thành dự án này". Tuy nhiên đến nay, dường như Tổng thống Biden đã có những tính toán và bước đi khác hơn so với chính quyền tiền nhiệm. Ông Biden đã quyết định ngừng trừng phạt công ty AG-công ty phụ trách dự án Dòng chảy phương Bắc 2- từ hồi tháng 5/2021.
Theo đó Mỹ đã miễn áp dụng trừng phạt Công ty Nord Stream 2 AG và giám đốc điều hành của công ty, là công dân Đức. Hai nước cũng hợp tác trong đàm phán để giảm thiểu những tác động dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Ngoại trưởng Đức Haiko Maas ngày 14/7 cho biết quá trình đàm phán giữa Đức và Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã đạt được tiến triển.
Theo các nhà phân tích, chắc chắn chính quyền Tổng thống Biden đã có sự cân nhắc giữa vấn đề Dòng chảy phương Bắc 2 với mối quan hệ đồng minh Mỹ-Đức. Để vấn đề Dòng chảy phương Bắc 2 làm đổ vỡ quan hệ với Đức không phải là lựa chọn của Tổng thống Biden vào lúc này, mà điều Mỹ cần là mối quan hệ đồng minh tốt đẹp với Đức, cũng như với cả châu Âu cho những mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như trong việc hợp tác để đối phó với sự cạnh tranh của Trung Quốc, hay chung sức trong giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu, biến đổi khí hậu… Đây có lẽ chính là lý do khiến Mỹ và Đức không làm “căng” vấn đề Dòng chảy phương Bắc 2 trong cuộc gặp cấp cao giữa nhà lãnh đạo hai nước vào cuối tuần qua.
Và dù Mỹ vẫn chưa hết nghi ngại song Đức cũng đã liên tục trấn an đồng minh bằng các cam kết Đức sẽ đảm bảo an ninh năng lượng và vẫn duy trì đường ống trung chuyển khí đốt giữa Nga-Ukraine cho dù Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động. Đức cũng đã xây dựng cơ chế “Snapback”, theo đó cho phép Đức dừng dự án nếu thấy Nga gây áp lực đối với Ukraine…
Có thể thấy rõ, chuyến thăm Mỹ vừa qua của Thủ tướng Angela Merkel đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng về sự khởi động lại và nâng tầm quan hệ song phương Mỹ-Đức sau 4 năm nguội lạnh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy chuyến thăm này chưa giải quyết được bất đồng giữa hai nước về dự án Dòng chảy phương Bắc 2, nhưng hai bên đã đạt được nhất trí không cho phép Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí chống lại các nước láng giềng.
Dự kiến trong vài ngày tới, Mỹ và Đức sẽ thông báo một thỏa thuận giải quyết bất đồng kéo dài giữa hai bên liên quan đến dự án này. Chi tiết của thỏa thuận tuy chưa được tiết lộ, nhưng một số nguồn tin cho hay, thỏa thuận sẽ bao gồm cam kết của hai bên về tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Ukraine để bù đắp những tác động tiêu cực từ dự án đường ống mới.
Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)