Dự án âm nhạc thể nghiệm 'Hình của nhạc' 2020: Nuôi dưỡng 'hình hài' mới cho nhạc Việt
(Thethaovanhoa.vn) - “Chúng tôi muốn các bạn trẻ khi sáng tác sẽ tìm đến với văn hóa bản địa của mình. Muốn phát triển, các nghệ sĩ cũng cần phải biết mình đi từ nền văn hóa nào, gốc gác của mình là gì, rồi từ đó xây dựng nền tảng và sáng tạo tác phẩm” - nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn (Sơn X), cố vấn dự án âm nhạc thể nghiệm Hình của nhạc, chia sẻ.
Gần một tuần trước, tại Hà Nội, dự án Lưu trú Nhạc thể nghiệm Đom Đóm Hình của nhạc đã có lễ ra mắt. Với chủ đề “Kết nối di sản”, phiên đầu tiên của dự án đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ có niềm đam mê với nhạc thể nghiệm.
Hành trình đi tìm “Hình của nhạc”
Đây là chương trình lưu trú và “phòng thí nghiệm xúc tác” đầu tiên dành riêng cho các hình thức âm nhạc mới nhằm phát triển các tác giả và tạo ra những tác phẩm cho âm nhạc đương đại và thể nghiệm Việt Nam. Dự án hình thành từ nỗ lực suốt 7 năm của nhạc sĩ, nghệ sĩ đa phương tiện Trần Kim Ngọc trên con đường tìm chỗ đứng cho nhạc thể nghiệm.
Như chia sẻ của Kim Ngọc, âm nhạc được sinh ra cùng với xã hội loài người và biến thiên theo những thăng trầm của thời đại. Trước và trong khi hệ thống ký âm khuông nhạc của âm nhạc phương Tây truyền thống được chấp nhận phổ quát, âm nhạc vẫn tồn tại dưới muôn vàn hình thức khác nhau, ở những nền văn hóa khác nhau.
“Nhạc thể nghiệm chính là hành trình đi tìm hình hài của âm nhạc đương đại. Nó không chấp nhận sự bó hẹp của hệ thống âm giai mà đi tìm sự biểu đạt trong chính các âm thanh, tiếng ồn với các hình thức biểu diễn đa dạng” - chị nói - “Ở đó có sự kết nối, tương tác với các loại hình nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn để phát huy 100% khả năng tiếp nhận của khán giả.
Thực tế, nhạc thể nghiệm không phải là hình thức nhạc xa lạ, nhưng chưa đủ để đạt sự lan tỏa trong cộng đồng. Khán giả hiện vẫn nghe nhạc trong một khuôn khổ nhất định và dường như khó tiếp cận với một cách cảm thụ mới hơn, đầy phức cảm và đa chiều. Bởi vậy, chấp nhận làm nhạc thể nghiệm đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ phải gặp nhiều khó khăn, thêm vào đó phải “mượn” sân chơi của thể loại khác để được biểu diễn tác phẩm của mình.
“Như một cầu nối đến với công chúng, một sân chơi riêng cho nhạc thể nghiệm, dự án sẽ trao cơ hội cho 4 - 5 nhạc sĩ hoặc nhóm nghệ sĩ trẻ làm việc có chiều sâu với 5 loại hình âm nhạc và nghệ thuật sân khấu truyền thống của Việt Nam với sự đồng hành của ban cố vấn và ban nghệ nhân” - Kim Ngọc nói thêm.
“Âm nhạc nên bắt nguồn từ cội rễ...”
Nhắc tới nhạc thể nghiệm, người ta thường nghĩ ngay đến sự mới mẻ, sáng tạo, thậm chí là có gì đó phá cách, vượt xa những khuôn mẫu thông thường. Điều này vô tình trở thành rào cản khiến loại hình này bị gán mác “khó hiểu, khó nghe”, đồng thời khiến sân chơi cho nhạc thể nghiệm Việt Nam chưa có chỗ đứng thực sự vững chắc. Và quan trọng nhất, ngay trong nhận thức về sáng tạo nhạc thể nghiệm của các bạn trẻ hiện nay vẫn đôi chút lệch lạc.
“Tại Việt Nam, một bộ phận không nhỏ những nghệ sĩ tiên phong trong âm nhạc, cũng như ở các loại nghệ thuật sáng tạo khác lại không bằng lòng với những quy định có sẵn của truyền thống. Đó là một sự phí phạm” - Kim Ngọc khẳng định - “Tôi luôn cho rằng, khi nuôi dưỡng những “hình hài” mới cho nền âm nhạc Việt Nam, chúng ta có lẽ rất nên bắt nguồn từ cội rễ”.
Nhạc thể nghiệm từ văn hóa truyền thống không chỉ là dự định của tương lai, mà ngay trong buổi ra mắt, khán giả được thưởng thức nhiều tiết mục độc đáo từ chính các thành viên của ban cố vấn. Có thể kể đến tác phẩm Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (Trần Kim Ngọc), song tấu Cao/ Siedl trích đoạn Thẩm thấu (Osmosis), Phương trời thứ năm (The Fifth Cardinal Direction), Sơn X - Một gương mặt (electronic music & video art),…
Tất cả đã tạo nên một không gian nhạc thể nghiệm vô cùng chân thực, sinh động, sự phối kết hợp tưởng như “khó nhằn” giữa các loại hình dân gian như chèo, cải lương mix cùng nhạc điện tử, hòa tấu với kèn, violon, sự phá cách trong hệ thống âm giai, tạo lập tiếng ồn đem lại hiệu quả không chỉ ở thính giác mà còn ở thị giác, xúc giác.
“Âm nhạc không có giới hạn và nhạc thể nghiệm chính là một địa hạt mới rất cần khơi phá, rất cần sáng tạo, vừa mang tính độc đáo nhưng không tách khỏi văn hóa cội nguồn” - Kim Ngọc chia sẻ về dự án của mình - “Bởi âm nhạc không nên dừng lại ở thính giác, ở ký âm, mà xa hơn, hãy đánh thức một phức cảm đa giác quan từ người thưởng thức!”.
Vài nét về trung tâm “Đom Đóm” và dự án “Hình của nhạc” Được thành lập bởi nhạc sĩ Trần Kim Ngọc, Trung tâm Âm nhạc & Nghệ thuật Thể nghiệm Đom Đóm là tổ chức phi lợi nhuận dành cho các hoạt động phát triển âm nhạc thể nghiệm đương đại và sự liên kết đa ngành của nó với các loại hình nghệ thuật thử nghiệm khác. Dự án Hình của nhạc 2020 bao gồm 3 giai đoạn: Từ 09/02/ - 23/02/2020: Tiếp nhận hồ sơ tham dự; Từ 15/04 - 25/05/2020: Chia sẻ kiến thức chuyên môn, Từ 25/05 - 12/10/2020: Sáng tác và thực hiện tác phẩm. Các nhạc sĩ/nhóm nghệ sĩ có tác phẩm xuất sắc sẽ được chọn trình diễn tại Liên hoan Nhạc mới Hà Nội 2021. |
Hiền Lương