'Don't stop me now' của Queen: Ca khúc mang lại nhiều hạnh phúc nhất
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2021 bắt đầu với những di sản không ai mong muốn của năm 2020. Mặc dù những thông tin tích cực về vắc xin Covid-19 có thể giúp mọi người phấn chấn hơn đôi chút, nhưng sẽ không thừa chút nào khi để âm nhạc lên tinh thần. Thật hữu ích là khoa học có thể giúp ta chọn những bản nhạc này.
Âm nhạc và hạnh phúc có mối liên hệ mật thiết với nhau, và khoa học chỉ ra rằng hạnh phúc thật sự khiến bộ não của ta hoạt động tốt hơn. Cổ vũ bản thân không chỉ khiến ta vượt qua u ám mà còn giúp suy nghĩ thông suốt, được việc hơn.
Khoa học lên tiếng
Thế nên, thật hữu ích khi vào năm 2015, một nhà thần kinh học người Hà Lan đã giúp tìm ra những giai điệu lên tinh thần. Động lực cho nghiên cứu này tới từ một nguồn khá khác thường: Thương hiệu điện tử Alba của Anh. Họ muốn biết điều gì làm nên một giai điệu hạnh phúc thật sự và đã liên hệ với tiến sĩ Jacob Jolij để có câu trả lời.
Jolij rất vui vẻ nhận lời dù lưu ý rằng hẳn nhiên là gu âm nhạc của mỗi người mỗi khác. Điều khiến bạn anh nhảy múa hát ca lại có thể khiến anh bịt tai chạy ra khỏi phòng. “Đánh giá âm nhạc mang tính cá nhân cao và rất phụ thuộc vào bối cảnh xã hội cũng như sự liên hệ cá nhân. Vì điều này, ý tưởng về một “công thức lên tinh thần” là khá kỳ quặc” - ông thừa nhận.
Dù vậy, điều Jolij có thể làm là yêu cầu công chúng gửi về những ca khúc họ cảm thấy hạnh phúc nhất khi nghe và phân tích những ca khúc đó để tìm ra đặc trưng tạo hạnh phúc của nó. Ông nhận thấy những giai điệu hạnh phúc nhanh hơn một chút so với trung bình (khoảng 140 tới 150 nhịp đập/ 1 phút), viết bằng điệu trưởng về những chuyện vui vẻ hoặc hoàn toàn vô nghĩa. Từ các công thức thu được, Jolij đã tìm ra những hit phù hợp nhất để thăng hoa và đứng đầu danh sách này là Don’t Stop Me Now của huyền thoại rock Queen.
Đêm hoang dã
Don’t Stop Me Now do Freddie Mercury sáng tác - cả ca từ lẫn giai điệu - ở Montreux, Thụy Sĩ. Rõ ràng là nó thuộc “những chuyện vui vẻ” theo phân loại của Jolij. Một điệu hoan ca tột cùng, không ai có thể ngăn cản khi anh thấy mình “lơ lửng trong sự ngây ngất”, “như một con hổ bất chấp định luật trọng lực”, “như một ngôi sao băng vọt qua bầu trời” “du hành với tốc độ ánh sáng” và “một cỗ máy tình sẵn sàng lên nòng”.
Nhìn bề ngoài, không gì có thể tuyệt vời hơn. Một người đang trong khoảnh khắc bừng nở rạng rỡ nhất ở đời, vượt qua mọi ranh giới, quy luật để cất giọng ngợi ca khoái lạc. Và nếu muốn tham gia, hãy gọi và anh ta sẽ vui lòng mời vào. Nhưng nếu định ngăn cản thì đừng nên.
Ca khúc được ra mắt trong album năm 1978 Jazz và một lần nữa, phát hành ở dạng đĩa đơn vào năm 1979. Nhìn vào những mốc thời gian này, người hâm mộ Queen dễ dàng nhận ra bóng tối phía sau sự ngây ngất lơ lửng này: Câu chuyện về giới tính của Freddie.
Freddie theo học trường St. Peter’s Church từ năm lên 8 và ngay từ thời đó, mọi người đã nhận ra anh có thể là một người đồng tính. Hiệu trưởng trường vẫn nhớ rằng anh có thói quen gọi một bạn nam là “em yêu”, điều phải nói là không bình thường ở các chàng trai thời đó. Tuy nhiên, ngay chính các thành viên Queen sau này lại không nhận ra điều đó.
Phòng của anh luôn tấp nập các cô gái nóng bỏng ra vào và không hề có đàn ông. Mặc dù sau này, mọi người có thể chỉ ra nhiều dấu hiệu như cái tên Queen (nữ hoàng) do Freddie chọn hay trang phục bó sát gợi cảm của anh. Nhưng thời đó, tất cả chỉ được quy vào tính nghệ sĩ, dị biệt.
Đầu những năm 1970, Freddie có tình cảm sâu đậm với Mary Austin. Họ sống với nhau và đã tính tới chuyện kết hôn. Tuy nhiên, tới năm 1976, anh nói với Mary rằng mình là người lưỡng tính. “Tôi nói: Em nghĩ anh là người đồng tính” - Mary nhớ lại. “Chẳng thể nói gì khác. Chúng tôi chỉ ôm nhau”.
Thời đó, một tuyên bố giới tính như vậy có thể gây nhiều đàm tiếu. Nhưng với Freddie, bằng cách nào đó, lại là chuyện “Ổn thôi!”. Sự thay đổi lớn nhất có lẽ nằm ở chính Freddie. Như một chú chim lâu năm bị nhốt nay được sổ lồng, anh lao như điên cuồng vào các cuộc chơi triền miên, cuồng khấu bày sẵn cho một siêu sao rock thành công, bất chấp sự phản đối của Queen. Don’t Stop Me Now chính là tâm trạng của Freddie vào giai đoạn đó: Điên cuồng và thách thức.
Khi Freddie qua đời năm 1991 vì những nguyên nhân liên quan tới căn bệnh thế kỷ AIDS, rõ ràng những khoái lạc vô độ thời nào đã tóm được anh. Và cũng chính vì thế, Don’t Stop Me Now trở nên chối tai. Tay guitar của Queen - Brian May - đã vật lộn với ca từ vì biết nó là về “dùng ma túy và quan hệ tình dục với nhiều người đàn ông” của Freddie. “Tôi nghĩ nó tràn ngập niềm vui, nhưng có cảm giác khuất tất: Chẳng phải chúng ta đang nói về mối nguy ở đây? Bởi chúng tôi khi đó đều lo lắng cho Freddie” - Brian hồi tưởng.
Không thể cản phá
Nhưng đã có rất nhiều ca khúc tự dựng lên một đời sống riêng cho mình, ngay cả khi đứng sau nó là những huyền thoại. Don’t Stop Me Now là ca khúc như vậy.
“Cảm giác đó vẫn còn, nhưng chẳng phải nó gần như là ca khúc thành công nhất của Queen khi mọi người đua nhau bật trên xe hơi hay trong đám cưới của họ. Nó là một ca khúc rất lớn và là thánh ca cho những người theo chủ nghĩa khoái lạc. Nó là nét vẽ thiên tài từ Freddie” - như lời Brian.
Quả là như vậy!
Don’t Stop Me Now khởi điểm chỉ là một hit nhỏ vào năm 1976 và bị các đài ngó lơ. Nhưng những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, có thể nghe thấy nó ở mọi nơi. Từ các chương trình đình đám nhất như Oscar, American Idol tới quảng cáo Toyota. Nhiều người có thể nghĩ đó là nhờ thành công của bom tấn Bohemian Rhapsody - bộ phim tiểu sử âm nhạc có doanh thu cao nhất mọi thời đại - nhưng sự phát triển của nó còn sâu xa hơn nhiều.
Vào cuối những năm 1970, Don’t Stop Me Now vào Mỹ chỉ khiêm tốn ở vị trí No.86 trên Billboard Hot 100. Nó hoạt động khá hơn ở Anh, đứng No.9 trên BXH đĩa đơn, nhưng vẫn là thấp hơn nhiều so với nhiều hit khác của Queen - vốn có 22 hit khác thứ hạng cao hơn. Một ví dụ rõ ràng hơn để nói về độ ít quan trọng của ca khúc: Khi Queen tới Mỹ trong chuyến lưu diễn Jazz Tour năm 1978, Don’t Stop Me Now không bao giờ được diễn và nói chung, Freddie chưa bao giờ diễn nó ở Mỹ.
Tuy nhiên, sau hơn 4 thập kỷ, Don’t Stop Me Now không chỉ là bản nhạc đáng giá bậc nhất của Queen mà còn nằm trong số những ca khúc nổi tiếng nhất mọi thời đại. Năm 2019, nó đã vượt 500 triệu lượt chơi trên Spotify, gần gấp đôi bất cứ bài nào của Rolling Stones, U2 hay Led Zeppelin. Với Queen, nó chỉ xếp sau Bohemian Rhapsody hiện giữ kỷ lục về lượng stream với một giai điệu phát hành trong thế kỷ 20. Vậy làm thế nào mà Don’t Stop Me Now, từ một hit nhỏ, không những không bị rơi vào quên lãng mà còn ngày một lớn hơn theo thời gian?
Sau một thời gian dài im lìm suốt thập niên 1980 và 1990, ca khúc không nằm trong số 19 bản chơi trong lễ tưởng nhớ Freddie ở SVĐ Wembley năm 1992 - sau cái chết vào năm 1991 của ông. Sự hồi sinh của nó có lẽ lại bắt nguồn từ một đám xác sống máu me xuất hiện trong bộ phim hài kinh dị thuộc vào hàng kinh điển Shaun Of The Dead. Và một khi hồi sinh, nó mang sức mạnh không thể cản phá.
- Olivia Rodrigo - cô gái 17 tuổi với ca khúc ‘nổi’ nhất thế giới hiện nay
- Ca khúc 'Don’t Worry, Be Happy' của Bobby McFerrin: Hãy vui lên dù trời có sụp
Cùng với sự phát triển của công nghệ và truyền thông, ca khúc lan tràn theo cấp số nhân, được truyền bá bởi cả những tên tuổi đình đám nhất tới dân hát karaoke. Nhưng tại sao lại là Don’t Stop Me Now mà không phải là một hit bị lãng quên được hồi sinh nào khác?
“Đó là ca khúc mà tôi luôn có thể bật lên mỗi khi cần thêm động lực” - Lydia Nights, ca sĩ của ban nhạc punk-rock đang lên The Regrettes, chia sẻ. “Đó là ca khúc vượt thời gian, là thông điệp vượt thời gian. Tôi nghĩ nó sẽ luôn mới mẻ và quan trọng”. Hay như DJ Rachel Steele của đài Sirius XM nói: “Mọi người coi nó như một thánh ca cá nhân, bắt tai ngay từ nốt đầu và phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ trẻ em tập đi tới cụ già 80 tuổi chạy marathon. Nó vẫn luôn hợp thời qua suốt bao năm”.
Có thể nói, Don’t Stop Me Now trường tồn bởi nó mang lại điều cả nhân loại đều cần: Sức mạnh để vượt qua khốn khó.
Thư Vĩ