Don’t Stop Believin’ của Journey: Đừng bao giờ ngừng hy vọng
(Thethaovanhoa.vn) - Tại nhiều bệnh viện ở Mỹ, khi những bệnh nhân Covid-19 được xuất viện, ca khúc Don’t Stop Believin’(Đừng ngừng hy vọng) sẽ được bật lên như một khúc khải hoàn. Nó là một trong những bài hát đi vào lòng người nhất, lan truyền động lực nhất, để ngay cả khi ta đang ở tâm trạng tồi tệ nhất, nó sẽ giúp ta vượt qua.
Trước một năm mới đầy thách thức, nhiều nhà phê bình âm nhạc đã lập danh sách những ca khúc giúp mọi người vững bước tiến lên. Don’t Stop Believin’ luôn nằm trong Top đầu lựa chọn của họ.
Từ lời khuyên của bố
Có một điều không thể phủ nhận: Hiếm có đám cưới hay tiệc mừng nào ở Mỹ mà ca khúc Don’t Stop Believin’ của ban nhạc rock Journey không vang lên.
Phát hành vào tháng 6/1981, ca khúc xuất hiện trong album thứ 7 của nhóm, Escape. Mặc dù chưa bao giờ đạt tới No.1 trên các bảng xếp hạng nhưng Don’t Stop Believin’ vẫn ngấm vào văn hóa đại chúng theo vô số cách: Tập bước ngoặt của Glee, nhạc kịch Rock Of Ages của Broadway hay trong những đêm karaoke. Mọi người có thể thuộc lòng từng câu chữ nhưng chưa chắc đã biết những chi tiết đằng sau sự hình thành của Don’t Stop Believin’.
Nghe lại Don’t Stop Believin’của ban nhạc rock Journey:
Tay keyboard của Journey, Jonathan Cain, đã kể lại nguồn gốc giai điệu trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2011, Don’t Stop Believin’: The Man, The Band And The Song That Inspired Generations.
Vào những năm 1970, Cain - khi đó là một nhạc sĩ đầy tham vọng - rời quê hương Chicago để tới Los Angeles với hyvọng sẽ tạo nên đột phá. Khi mọi chuyện không như mơ, ông gọi điện cầu cứu bố. Hóa ra đó là cuộc gọi định mệnh.
“Con chó của tôi bị xe đụng, và tôi đang ở Hollywood, phải trả hóa đơn thú y trị giá 900 USD, gần như không thể trả tiền nhà” - Cain nhớ lại. “Tôi gọi cho bố vay tiền, một khoản vay nữa. Tôi nói: Bố, con cần vay một khoản. Có phải con đã quá mơ mộng? Con có nên từ bỏ tất cả những thứ này và trở về nhà không? Có vẻ là tôi nên trở lại Chicago. Ông nói: Bố sẽ cho con vay, cứ ở đó đi. Con trai, đừng ngừng hy vọng. Lúc đó tôi cảm thấy: Tuyệt quá, bố ơi. Tôi có một cuốn sổ ghi lời nhỏ và tôi đã nghệch ngoạc viết vào đó: Đừng ngừng hy vọng. Cơ bản chuyện là vậy. Ông nói với tôi: Đừng ngừng hy vọng. Và tôi đã khắc cốt ghi tâm nó. Ông gửi tiền cho tôi và những điều tuyệt vời bắt đầu tới”.
Năm 1980, Cain rời ban nhạc cũ, The Babys, để gia nhập Journey, thay thế vị trí keyboard của Gregg Rolie. Khi viết các ca khúc cho Escape với giọng ca Steve Perry và guitar Neal Schon của Journey, Cain bắt đầu lần giở sổ cũ.
“Steve Perry hỏi tôi: Còn ý tưởng nào khác nữa không? Chúng ta cần thêm một ca khúc nữa. Và tôi nhìn vào phía sau cuốn sổ hình xoắn ốc, thấy dòng chữ: Đừng ngừng hy vọng… Tôi nghĩ: Chà, Steve Perry sẽ hát nó nếu tôi đưa nó vào điệp khúc” - Cain kể - “Thế là tôi viết điệp khúc, đưa câu đó vào, và tất cả chúng tôi cùng hoàn thiện ca khúc trong phòng. Thật là diệu kỳ”.
Lấy câu nói “Đừng ngừng hy vọng” làm tâm điểm, Don’t Stop Believin’ là câu chuyện về đôi trai gái từ vùng quê- cô gái ở một thị trấn nhỏ còn chàng trai từ Nam Detroit - lên trung tâm hoa lệ, nghèo khó nhưng luôn lạc quan, có chí, không ngừng hy vọng. Cain nói họ có thể cảm nhận được động lực của ca khúc, đặc biệt là sau khi thu âm trong phòng thu.
“Tôi nghĩ khi chúng tôi được nghe bản phối cuối, Neal nhìn tôi và anh nói: Có gì đó thật đặc biệt ở đây. Và tôi nói: Hãy để nó là ca khúc đầu của album bởi vì âm thanh của nó sẽ thu hút khán giả. Để nó đứng đầu nhé. Đó là cách chúng tôi sắp xếp thứ tự ca khúc trong album”.
Liều thuốc bổ giữa đại dịch
Don’t Stop Believin’ đứng No.9 trên BXH đĩa đơn Billboard nhưng với Cain, đó là một hit khổng lồ. Niềm tin đó là hoàn toàn chính xác bởi theo thời gian, Don’t Stop Believin’sẽ là dấu ấn của Journey nói riêng và là một trong những ca khúc rock đình đám nhất mọi thời đại nói chung.
Trong nhiều năm, Don’t Stop Believin’ là niềm tự hào của Detroit, được phát tại những sự kiện lớn bậc nhất. Mạch ngầm của nó lan rộng nhờ được chọn phát trong bộ phim, nhạc kịch Broadway lớn. Đến thời đại kỹ thuật số, sức mạnh của Don’t Stop Believin’lại càng bùng nổ.
Nó là ca khúc phát hành từ thế kỷ 20 được tải trả phí nhiều nhất. Cụ thể, nó được tải về nhiều thứ 72 trong năm 2008, thứ 84 năm 2009, sau hơn 27 năm phát hành. Vào ngày 31/8/209, với 3 triệu lượt tải về, nó đứng No.1. Don’t Stop Believin’cũng là ca khúc kỹ thuật số bán chạy nhất tới từ thời tiền kỹ thuật số và là ca khúc rock bán chạy nhất trong lịch sử kỹ thuật số trước khi bị Radioactive của Imagine Dragon “truất ngôi” năm 2014. Nó ở ngay ngoài Top 20 ca khúc kỹ thuật số bán chạy nhất mọi thời đại tính tới tháng 9/2010. Hơn 7 triệu bản kỹ thuật số đã được bán ở Mỹ tính tới tháng 7/2017.
Dù những con số luôn rất khô khan nhưng sự thay đổi về lượng cũng là một thang đo đáng tin cho sự bền bỉ của một ca khúc. Với Don’t Stop Believin’, có lẽ chẳng cần phải giải thích lý do. Giữa bể khổ cuộc đời, hy vọng bao giờ cũng là liều thuốc bổ. Công hiệu của nó lại tăng bội phần khi đi kèm với phần nhạc rock sôi sục.
Trong giai đoạn thế giới đang chao đảo với Covid-19, Don’t Stop Believin’lại càng cho thấy sức mạnh nâng đỡ của âm nhạc. “Bài hát là một dấu hiệu của hy vọng, một lời nhắc nhở rằng các bệnh nhân đừng bao giờ bỏ cuộc và là động lực để các nhân viên y tế đang mỏi mệt tiếp tục nỗ lực không ngừng” - Giám đốc Bệnh viện Henry Ford tại Detroit, Veronica Hall, chia sẻ.
- Dịch Covid-19: Cập nhật tình hình dịch bệnh sáng 7/2
- Người dân Vũ Hán tưởng nhớ bác sĩ đầu tiên cảnh báo đại dịch Covid-19 Lý Văn Lượng
“Thông điệp của ca khúc cũng là lời nhắc nhở rằng bệnh nhân này xuất viện thì sẽ có chỗ cho bệnh nhân khác vào. Những khoảnh khắc chiến thắng và hạnh phúc thường được đánh dấu bằng những nụ cười, cổ vũ, hay chi chép trên bảng trắng -và những giọt nước mắt nhẹ nhõm của đội ngũ y bác sĩ” - Veronica Hall nói thêm.
Mỹ là một trong những quốc gia bị Covid-19 tấn công mạnh nhất thế giới. Trong rất nhiều video xúc động được phát đi từ Mỹ, các nhân viên chăm sóc y tế đang đẩy xe lăn cho những bệnh nhân vừa khỏi Covid-19. Trên nền nhạc Don’t Stop Believin’, cả bệnh nhân lẫn y bác sĩ đều hò reo ăn mừng chiến thắng của con người trước những thử thách của số phận.
Dấu ấn của “Don’t Stop Believin’” Nhiều năm sau khi Don’t Stop Believin’ phát hành, Perry - người thể hiện ca khúc - rời Journey, để lại một khoảng trống tan hoang. Sau nhiều lần tìm kiếm và thay thế, cuối cùng ban nhạc đã chọn được Arnel Pineda, gia nhập năm 2008. Năm 2017, Journey được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Rock & Roll. Perry cũng tham dự buổi lễ nhưng không biểu diễn cùng ban nhạc. Tuy nhiên, Cain tin rằng Perry rất xúc động trước khoảnh khắc này. “Ông ấy rất sôi nổi và tự hào khi đứng đó với chúng tôi. Ông ấy sống cuộc sống rất riêng tư và chọn giữ như vậy. Bất cứ khi nào thấy ông tại những sự kiện như thế này, tôi đều thấy ông rất hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống của mình. Tôi biết ông đã phải trải qua nhiều chuyện như tất cả chúng tôi, nhưng ông đã vượt qua”. Cain cũng đi tiếp con đường của mình nhưng tình yêu dành cho Don’t Stop Believin’ cũng vẫn tràn trề như thế. “Tôi không bao giờ chán nó” - ông nói - “Với tôi, thật vinh dự khi có 1 ca khúc được 3, 4 thế hệ tính tới nay yêu thích… Bất cứ ai cảm thấy chán 1 ca khúc đều đang xa rời cái tôi của họ. Khi chúng tôi ở trong Journey, chúng tôi luôn xem xét bản ngã của mình ngay từ ngoài ngưỡng cửa”. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)