Dòng xe hơi cỡ nhỏ 'lên ngôi' tại thị trường Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Diễn biến thị trường ô tô thời gian gần đây cho thấy, xu hướng phát triển dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ đang được các nhà sản xuất và nhập khẩu quan tâm.
Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua năm 2016 đã tạo bước ngoặt để người Việt sở hữu xe ô tô dễ dàng hơn khi giảm thuế nhiều dòng xe có dung tích xi lanh thấp và tăng thuế với dòng xe có dung tích xi lanh cao.
Chính vì lẽ đó, các dòng xe cỡ nhỏ, dung tích xi lanh thấp đã và đang nhận được rất nhiều ưu đãi về thuế. Từ 1/1/2017, thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN giảm từ 40% xuống còn 30% khiến giá xe giảm đáng kể. Đặc biệt, từ năm 2018, mức thuế này sẽ giảm còn 0% nếu đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40%, khi đó giá xe sẽ còn giảm hơn nữa.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp ô tô đã liên tiếp giảm giá bán xe từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để “dọn đường” đón cơ hội kinh doanh mới. Mặc dù giá xe ô tô ở Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, nhưng đã rẻ hơn rất nhiều so với những năm gần đây. Qua đó, giúp nhiều người có điều kiện sở hữu ô tô, trong đó có những mẫu xe cỡ nhỏ với giá cả phải chăng, từ khoảng 300 triệu đến hơn 600 triệu đồng.
Hơn nữa, hiện nay nhiều người coi xe ô tô chỉ là phương tiện đi lại, không còn quan niệm “tậu xế hộp” là tài sản quý giá hay là món hàng xa xỉ phẩm như trước đây nên họ lựa chọn xe cỡ nhỏ với giá cả vừa phải phục vụ cho việc đi lại dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở các đô thị còn hạn chế, trong khi giá xăng dầu liên tục điều chỉnh theo xu hướng tăng… nên không ít người chuyển sang sử dụng xe cỡ nhỏ vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa dễ dàng di chuyển.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thời gian gần đây doanh số bán hàng của dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ có xu hướng tăng dần và chiếm phần lớn trong các phân khúc xe bán ra hàng tháng. Qua báo cáo của VAMA cho thấy, trong tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô năm 2016 đạt trên 304.000 xe các loại (gồm xe du lịch, xe thương mại và xe chuyên dụng) thì các mẫu xe hạng A - xe gia đình cỡ nhỏ dung tích xi lanh từ 1.25L trở xuống có doanh số bán trên 40.000 xe.
Ở phân khúc này, chỉ riêng mẫu Kia Morning do Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) phân phối có đến gần 15.000 xe được bán ra trong tổng số 63.456 xe của 15 mẫu xe du lịch trong năm 2016. Hyundai Thành Công cũng vậy, trong tổng số 36.400 xe bán ra trong năm qua với 9 mẫu xe du lịch, riêng mẫu xe cỡ nhỏ giá rẻ Grand i10 đã chiếm tới một nửa của hãng xe này…
Theo giới chuyên doanh, thị trường ô tô Việt Nam 7 tháng năm 2017 mặc dù đạt tổng doanh số 154.930 xe các loại, nhưng vẫn giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét về doanh số của các dòng xe, trong khi doanh số của dòng xe du lịch chỉ giảm nhẹ 2% thì doanh số của dòng xe thương mại và chuyên dụng lại giảm lần lượt 10% và 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tổng doanh số bán xe du lịch, xe giá rẻ và bình dân hạng trung vẫn chiếm ưu thế so với các dòng xe khác bởi đây là những mẫu xe có mức giá tốt nhất, phù hợp với đại đa số người tiêu dùng. Đầu tháng 7 vừa qua, Hyundai Thành Công tiếp tục tung ra thị trường mẫu Grand i10 thế hệ mới lắp ráp trong nước với 9 phiên bản.
Các liên doanh nước ngoài như: Toyota, Honda, Suzuki… lâu nay vốn chỉ tập trung lắp ráp các dòng xe từ bình dân hạng trung trở lên thì tại triển lãm ô tô Việt Nam 2017 vừa qua, các hãng này đã nhập một số mẫu xe nhỏ giá rẻ để thăm dò thị trường Việt, chuẩn bị cho kỳ kinh doanh mới 2018.
Với điều kiện thu nhập của người dân cũng như cơ sở hạ tầng và giá xăng điều chỉnh theo hướng tăng, đặc biệt là thuế nhập khẩu đang giảm thì xu hướng mở rộng, phát triển và sử dụng dòng xe cỡ nhỏ tiết kiệm nhiên liệu được xem như xu thế tất yếu. Khi đó, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu về sản phẩm cùng phân khúc xe nhỏ giá rẻ sẽ khiến thị trường trở nên sôi động và người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.
TTXVN/Phú Vinh