Đông Phi: Lên án một giáo phái 'lạ' sau cái chết của 73 tín đồ
Cái chết của 73 tín đồ thuộc một giáo phái ở miền Đông Kenya đang làm dấy lên cuộc tranh luận về các lỗ hổng an ninh và pháp lý trong hoạt động của các tổ chức này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 24/4, Tổng thống Kenya William Ruto cam kết sẽ triển khai các biện pháp chống lại những giáo phái lợi dụng tôn giáo sau vụ việc trên.
Cuộc tìm kiếm các nạn nhân vẫn đang được tiếp tục triển khai tại rừng Shakahola, nằm gần thị trấn ven biển Malindi, nơi hàng chục thi thể đã được khai quật từ những ngôi mộ tập thể trong những ngày gần đây.
Nhà chức trách đã mở một cuộc điều tra sâu rộng về Nhà thờ Good News International, nơi có liên quan đến các nạn nhân.
Theo các tài liệu tòa án, nhà thờ này do Paul Mackenzie Nthenge - một "mục sư" ủng hộ việc nhịn ăn để "gặp Chúa Jesus" lãnh đạo. Ông này bị buộc tội có liên quan đến cái chết của những người tin theo ông sau khi ra đầu thú với cảnh sát hôm 14/4.
Theo các nguồn tin của cảnh sát, số người chết đã tăng lên con số 73 sau các cuộc khai quật diễn ra hôm 24/4 và có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên do nhà thuyết giáo này khai nhận rằng có hơn 1.000 người đã đến "gặp Chúa Jesus".
Tổng thống William Ruto đã "yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc làm rõ tận gốc rễ hoạt động của các tôn giáo và những người muốn lợi dụng tôn giáo để phát triển một hệ tư tưởng mờ ám và không thể chấp nhận được".
Chưa có thông tin chi tiết về tình trạng của các thi thể và thời gian họ bị chôn trong những ngôi mộ tập thể này. Theo Hội Chữ thập đỏ Kenya, văn phòng của họ đã nhận được thông báo về 212 người mất tích.
Paul Mackenzie Nthenge từng bị bắt vào năm 2017 với cáo buộc "cực đoan hóa" vì ủng hộ nhiều trẻ em không được đến trường, với lập luận rằng giáo dục không được công nhận trong Kinh thánh.
Ông ta tiếp tục bị bắt vào tháng 3 vừa qua sau khi hai đứa trẻ chết đói dưới sự chăm sóc của cha mẹ chúng theo sự "hướng dẫn" của ông. Tuy nhiên, ông ta được tại ngoại sau đó với số tiền bảo lãnh 100.000 shilling Kenya (khoảng 740 USD).
Vụ "thảm sát Shakahola" này đã làm sống lại cuộc tranh luận về việc kiểm soát các hoạt động tín ngưỡng ở Kenya, một quốc gia chủ yếu là người theo đạo Thiên chúa, nơi "mục sư", "nhà thờ" và các phong trào tôn giáo khác trở thành chủ đề hàng đầu. Những nỗ lực trước đây về quy định hoạt động tôn giáo đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là nhân danh sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước.