Dòng nhạc Indie Việt: Lớn dần theo 'cuộc đổ bộ' của công nghệ hiện đại
(Thethaovanhoa.vn) - Những năm gần đây, khái niệm nhạc Indie đang trở nên hot với giới trẻ. Góp phần tạo nên điều này là những nền tảng nghe nhạc trực tuyến từ nước ngoài.
- Ban nhạc Ngọt: Vấn đề chật vật mưu sinh vẫn luôn ám ảnh các nghệ sĩ Indie
- Nhạc Indie - 'sức nặng' trong showbiz Việt
1. Indie bắt nguồn từ nguyên gốc tiếng Anh “Independent” (tạm dịch: độc lập, là khái niệm ngược với mainstream - chính thống), chỉ loại hình âm nhạc của những nghệ sĩ độc lập được sản xuất không phụ thuộc vào những hãng đĩa chính thống.
Nghệ sĩ Indie không chỉ tự sáng tác, trình diễn sản phẩm âm nhạc mà còn kiêm luôn nhiệm vụ phối khí, thu âm và cả khâu phát hành, quảng bá. Quá trình sản xuất “tự mình làm tất” tạo cho các nghệ sĩ indie một phong cách cũng rất “độc lập” mang màu sắc riêng.
Nhưng con đường “độc hành” cũng đưa đến một nỗi lo rất hiển nhiên với nghệ sĩ Indie: chi phí hoạt động. Điều này ảnh hưởng đến cách các nghệ sĩ độc lập phát hành sản phẩm âm nhạc, trong đó cách “ngon, rẻ” nhất là qua các kênh nghe nhạc trực tuyến.
Còn nhớ, chỉ cách đây vài năm, việc download (tải nhạc) trên mạng internet là một điều vô cùng dễ dàng. Ở thời điểm đó, khái niệm về các website phát nhạc trả phí là câu chuyện xa xôi chỉ tồn tại ở những nước phát triển. Do vậy, công sức lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ dễ bị xem nhẹ. Và, khi đăng tải nhạc lên mạng internet, họ phải chấp nhận mất đi sự kiểm soát bản quyền đối với sản phẩm của chính mình.
Tuy nhiên, cục diện đã hoàn toàn thay đổi với sự gia nhập của các ông lớn nước ngoài. Với mức giá hợp lý (khoảng 60.000 VNĐ/tháng) cùng trải nghiệm tốt, một bộ phận người nghe Việt Nam đã sẵn sàng trả tiền cho các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như Apple Music hay Spotify.
Anh Phan Việt Hoàng – thành viên của Ngọt, nhóm nhạc Indie tiêu biểu tại Việt Nam hiện nay - cho biết: “Để đăng tải bài hát trên những nền tảng nghe nhạc như Apple Music, Ngọt phải bỏ ra một khoản phí đăng kí cho một bên thứ 3. Tuy nhiên, đổi lại, các sản phẩm của chúng tôi được đặt trên một nền tảng nghe nhạc văn minh, nơi ‘sức lao động nghệ thuật’ của các nghệ sĩ được trân trọng và bảo vệ tuyệt đối. Chưa bàn tới câu chuyện doanh thu, giờ đây, nghệ sĩ độc lập chúng tôi hoàn toàn tự tin phát hành các sản phẩm của mình trên mạng internet”.
2. Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo về mặt bản quyền, các nền tảng nghe nhạc này còn mang các sản phẩm âm nhạc đến gần hơn với khán giả, thông qua những tính năng thông minh tận dụng sức mạnh của công nghệ.
Nổi bật trong xu hướng này, phải kể đến Spotify, nền tảng nghe nhạc hàng đầu vừa gia nhập thị trường Việt Nam tháng 3/2018. Khai thác hiệu quả sức mạnh của “Big data”’ – “khối dữ liệu lớn”’, danh sách phát nhạc được cá nhân hoá cùng gợi ý bài hát thông minh trở thành thế mạnh của ứng dụng này. Người nghe được tiếp cận với nhạc hay, còn những sản phẩm âm nhạc mới cũng có thể tiếp cận với khán giả nghe nhạc một cách nhanh chóng và đúng nhu cầu.
Xanh 8+1, một nhóm nhạc alternative rock trẻ của Hà Nội là những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có mặt trên Spotify với single mới ra mắt mang tên Ngày hôm qua đã. Chỉ sau vài tiếng, single đã đạt hơn 1.000 lượt nghe trên Spotify nhờ lượng người theo dõi lớn của danh sách phát này. Ngày hôm qua đã của Xanh 8+1 đã leo lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Vietnam Viral 50 của Spotify chỉ sau vài ngày ra mắt. So với các tên tuổi lớn của nhạc đại chúng, con số này có thể không là gì nhưng rõ ràng, với riêng Xanh 8+1 hay rộng hơn là các nghệ sĩ Indie thì khá “đáng kể”.
So với nhưng nghệ sĩ indie đi trước, những cái tên trưởng thành từ Soundcloud (nền tảng trực tuyến lưu trữ và chia sẻ âm thanh) như Thái Vũ hay Ngọt, nền tảng như Spotify hay Apple Music thực sự là một bước tiến lớn. Không còn đơn thuần là chia sẻ, giờ đây, các sản phẩm âm nhạc được quảng bá một cách hiệu quả, trực tiếp đến đúng đối tượng người nghe nhạc.
Thay vì đăng tải những bài hát lên mạng internet và cầu mong một phép màu sẽ giúp âm nhạc của mình đi xa, nền tảng công nghệ hiện đại chính là “phép màu” giúp các nghệ sĩ độc lập “bay cao và bay xa”.
Nghệ sĩ Indie có “ngoảnh mặt” với băng đĩa? Nếu xét trên khía cạnh thuận tiện và tiết kiệm thì lựa chọn là khá rõ ràng giữa hai phương án: phát hành nhạc số với chi phí thấp và tính viral (lan truyền) cao hoặc đầu tư album kiểu “vật lý” và phải nhọc công in ấn, thiết kế Song không vì thế mà nghệ sĩ Indie ngoảnh mặt hoàn toàn với băng đĩa truyền thống, ngay cả khi ngành công nghiệp này đang chứng kiến giai đoạn thoái trào. Minh chứng rõ ràng nhất là Ngọt với 2 album được phát hành liên tiếp - định dạng CD trong 2 năm 2016 và 2017. “Người hâm mộ không thiếu cách để nghe được nhạc, nhưng Ngọt vẫn đầu tư cho CD. Dù rằng nó cũng đồng nghĩa với bỏ thêm công sức tiền bạc để thiết kế, làm bìa, tìm kênh phân phối” - các thành viên Ngọt cho biết - “Đơn giản vì Ngọt muốn khán giả được cầm trên tay một sản phẩm tâm huyết, chứa đựng cả sự sáng tạo về mặt mỹ thuật. Làm CD, chúng tôi không màng đến chuyện bán được bao nhiêu đĩa mà coi trọng giá trị tinh thần của nó hơn.” |
Hoàng Hà