Đồng Nai 'sẵn sàng' cho sân bay quốc tế Long Thành
(Thethaovanhoa.vn) - Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt quy hoạch tại Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 20/07/2005 về vị trí, quy mô và phân khu chức năng; Quyết định 909/TTg ngày 14/06/2011 về phê duyệt quy hoạch dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
- Quốc hội cho ý kiến về dự án sân bay Long Thành
- Chấm thiết kế nào để xây sân bay quốc tế Long Thành?
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và ổn định cuộc sống người dân trong vùng dự án.
* Xin ông cho biết ý nghĩa của dự án này với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ và tỉnh Đồng Nai nói riêng?
- Việt Nam nằm trong trung tâm khu vực Đông Nam Á, có nhiều lợi thế cạnh tranh trong phát triển ngành hàng không và trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Do vậy, việc hình thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Đồng Nai nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm nói chung, nâng cao tỷ trọng khu vực dịch vụ từ đó giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp hiệu suất thấp, thúc đẩy phát triển dịch vụ hàng không làm tiền đề cho sự phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ chất lượng cao, qua đó tái cơ cấu lực lượng lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nền kinh tế.
Theo tính toán sơ bộ, việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 người trong dự án.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư nhiều công trình giao thông kết nối Đồng Nai với TP. Hồ Chí Minh và vùng lân cận như: cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; cao tốc Bến Lức – Long Thành; Biên Hòa – Vũng Tàu; Dầu Giây – Phan Thiết; Dầu Giây - Liên Khương và đặc biệt là cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải (Vũng Tàu), góp phần quan trọng lưu thông hàng hóa giữa các phương thức vận tải...
* Sau khi Chính phủ có quyết định phê duyệt quy hoạch dự án, tỉnh đã triển khai được những công việc nào, thưa ông?
- Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, được triển khai xây dựng với quy mô 5.000 ha thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Nhận thức được vai trò quan trọng trong giải phóng mặt bằng, tỉnh đã chủ động ban hành quy định về quản lý đất đai, xây dựng và hoạt động sản xuất nông nghiệp trong phạm vi ranh giới quy hoạch; cắm mốc quy hoạch, xác định phạm vi, ranh giới cụ thể của dự án trên thực địa từ năm 2009.
Tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai khu tái định cư (Lộc An - Bình Sơn và Bình Sơn) để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa; quy hoạch khu nghĩa trang 50 ha để di dời ngôi mộ ra khỏi phạm vi dự án; điều tra, khảo sát thu thập thông tin, số liệu về đất đai, tài sản, nhân khẩu, nhu cầu tái định cư, nhu cầu đào tạo nghề của người dân trong vùng dự án và tham vấn ý kiến cộng đồng.
Qua khảo sát và lấy ý kiến của 4.730 hộ dân và 26 tổ chức, với gần 15.000 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi dự án, các hộ dân và tổ chức đồng ý 100% triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trên cơ sở số liệu điều tra khảo sát, Đồng Nai đã xây dựng cơ chế đặc thù và khung chính sách thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định trình Chính phủ xem xét, quyết định.
* Hiện nay tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến Quốc hội về việc tách tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ổn định cuộc sống người dân trong vùng dự án thành một dự án riêng. Nếu được chấp thuận, tỉnh sẽ triển khai công việc này như thế nào trong thời gian tới?
- Khi được Quốc hội chấp thuận, Đồng Nai phải tiến hành xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) dự án thành phần về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.
Sau khi Quốc hội thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi và được Chính phủ bố trí vốn, Đồng Nai sẽ ưu tiên thực hiện đầu tư xây dựng trước 1 khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đầy đủ hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...), xây dựng nghĩa địa, di dời các ngôi mộ trong vùng dự án, xây dựng trụ sở nhà nước, các cơ sở tôn giáo (nhà thờ, chùa...) để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và di dời dân ra khỏi vùng quy hoạch dự án.
Đồng thời, tỉnh tiến hành kiểm kê đất của dân theo nguyên tắc ưu tiên vị trí đầu tư từng hạng mục thuộc giai đoạn 1 của dự án để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi.
Đồng Nai dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong vòng 3 năm và dự kiến bàn giao mặt bằng giai đoạn 1 cho nhà đầu tư trong năm 2019.
* Theo kế hoạch, năm 2019 dự án sẽ khởi công, vậy để đảm bảo tiến độ, Đồng Nai có nên thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án không, thưa ông?
- Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư một lần cho toàn bộ dự án sẽ tạo sự đồng nhất về chính sách, đơn giá bồi thường, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện của người dân.
Bên cạnh đó, người dân trong vùng dự án có nguyện vọng sớm được triển khai dự án do quy hoạch từ lâu (từ năm 2005 đến nay), để nhanh chóng ổn định cuộc sống, sản xuất tại nơi ở mới. Nên việc bồi thường, giải phóng mặt bằng một lần là cần thiết nhưng trong quá trình thực hiện sẽ theo từng giai đoạn của Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
* Ngoài bố trí tái định cư, tỉnh Đồng Nai sẽ làm gì để chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo việc làm giúp người dân ổn định cuộc sống sau giải tỏa?
- Với phương châm “cuộc sống người dân tại nơi ở mới, tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”, Đồng Nai đã chủ động xây dựng chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Tuy nhiên phải khách quan nhìn nhận rằng, đây là công việc nặng nề, đòi hỏi có sự chỉ đạo, giúp sức từ bộ, ngành Trung ương và đặc biệt là của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
ACV phải hỗ trợ địa phương xác định tiến độ, lộ trình, nhu cầu việc làm, phương thức đào tạo để tỉnh có định hướng phù hợp khi đào tạo sẽ đáp ứng nhu cầu làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, giải quyết việc làm cho người dân trong quá trình xây dựng, đưa vào sử dụng công trình quan trọng quốc gia, người dân được hưởng lợi nhiều khi triển dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng 3 khu công nghiệp gồm Lộc An – Bình Sơn (500 ha), Long Đức (giai đoạn 2 - 300 ha), Khu công nghệ cao Amata (350 ha), dự kiến giải quyết 57.500 lao động, với cự ly khoảng 10 km cách khu tái định cư sẽ rất thuận lợi trong đào tạo, bố trí làm việc cho các hộ dân sau khi bị thu hồi đất.
Đối với những trường hợp không có nhu cầu hoặc không đủ điều kiện thì tỉnh Đồng Nai ưu tiên tạo điều kiện giải quyết việc làm tại các hợp tác xã dịch vụ trên địa bàn huyện Long Thành, được vay vốn tạo việc làm, sản xuất kinh doanh.
Vì vậy có thể nói rằng, Đồng Nai đã sẵn sàng cho công tác giải phóng mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
* Trân trọng cám ơn ông!
TTXVN/Sỹ Tuyên (Thực hiện)