Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ - Syria: Chiêu trò lừa đảo quyên góp cho nạn nhân gặp nạn tràn ngập mạng xã hội
Lợi dụng tình cảnh bi thương sau thảm họa động đất, rất nhiều tài khoản mạng xã hội đã kêu gọi quyên góp cho những nạn nhân tại khu vực này.
Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ - Syria xảy ra vào ngày 6/2 đã khiến cả thế giới phải chấn động vì sức tàn phá khủng khiếp của nó lên khu vực này. Theo báo cáo mới nhất, đã có tới 10 thành phố bị ảnh hưởng kèm theo ít nhất 41.000 người thiệt mạng do trận động đất.
Trước tình cảnh khó khăn của những người sống sót khi họ phải đối mặt với sự mất mát quá lớn cùng việc thiếu thốn nhà cửa, lương thực,...rất nhiều kẻ lừa đảo đã tạo ra các chiêu trò nhằm thu lợi từ những bài đăng kêu gọi quyên góp.
Dùng hình ảnh giả để gây quỹ trên TikTok, Twitter,...
Hàng loạt kẻ lừa đảo đã bị bắt quả tang đăng nhiều hình ảnh và video, trong đó có nhiều nội dung là giả mạo về thảm kịch trên các nền tảng bao gồm TikTok và Twitter. Cùng với các thông điệp như "Cầu nguyện cho Thổ Nhĩ Kỳ", "Hãy giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ" hay "Quyên góp cho các nạn nhân động đất", những kẻ này đã thu lợi không nhỏ từ việc chuyển tiền quyên góp vào tài khoản PayPal cá nhân của chúng.
TikTok Live, nền tảng nổi tiếng với giới trẻ với hoạt động tặng quà (donate) ngay trên chính ứng dụng, cũng là một công cụ được nhóm lừa đảo sử dụng.
Nhiều báo cáo đã nêu rõ các ví dụ về hành vi lừa đảo trực tuyến một cách công khai. Theo đó, một tài khoản được cho là đã phát sóng trực tiếp trong hơn ba giờ đồng hồ khung cảnh từ trên cao của các tòa nhà bị phá hủy trong trận động đất thảm khốc. Bên cạnh video còn đi kèm với dòng chữ được nhấn mạnh: "Hãy giúp đỡ/quyên góp cho Thổ Nhĩ Kỳ".
Trong khi đó, một video phát trực tiếp khác lại cho thấy hình ảnh một đứa trẻ đang chạy khỏi một vụ nổ với dòng mô tả kêu gọi tặng quà/quyên góp: "Xin hãy giúp đạt được mục tiêu".
Tuy nhiên, theo như điều tra của BBC, những hình ảnh này đã từng được sử dụng vào năm 2018, rất lâu trước khi trận động đất xảy ra, với chú thích có nội dung hoàn toàn khác xa.
BBC cho biết, một tài khoản khác cũng đăng cùng một lời kêu gọi 8 lần chỉ trong 12 giờ, trong đó chia sẻ cùng một hình ảnh lính cứu hỏa ôm một đứa trẻ bị bao vây bởi các tòa nhà bị sập. Sau đó, bức ảnh này đã được xác định là không hề có thật mà chỉ là sản phẩm được tạo ra bởi phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).
Nỗ lực ngăn chặn
Những ví dụ kể trên chỉ là một trong số hơn 100 chiến dịch gây quỹ được phát động kêu gọi quyên góp cho thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Trang tin công nghệ Bleeping Computer cũng lưu ý rằng PayPal đã không hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2016, vì vậy các tài khoản Twitter có tên người dùng nghe giống tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tuyên bố có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ trong khi liên kết với tài khoản PayPal có thể đều không đáng tin cậy.
"Các nhóm PayPal luôn làm việc siêng năng để xem xét kỹ lưỡng và cấm các tài khoản, đặc biệt là sau các sự kiện như trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, để các khoản quyên góp được thực hiện đúng mục đích"- trang tin cho biết.
Về phía TikTok, đại diện của nền tảng này cho biết họ rất tiếc khi nghe tin về trận động đất và muốn ngăn chặn những hành vi lợi dụng kể trên:"Chúng tôi cũng đang tích cực làm việc để ngăn chặn những tài khoản lừa đảo và bảo vệ người dùng muốn quyên góp cho các nạn nhân."
Helen Stephenson, Giám đốc điều hành của Ủy ban từ thiện Anh đã ca ngợi sự hào phóng của mọi người trong việc quyên góp cho các quỹ cứu trợ cho những người sống sót sau thảm họa. Tuy nhiên, cô cũng cảnh báo rằng những kẻ lừa đảo sẽ tận dụng cơ hội để cố gắng lợi dụng người tốt bụng.
"Các trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã có tác động tàn khốc và việc số người chết ngày càng tăng khiến nhiều người không khỏi đau lòng. Đáng buồn thay, những sự kiện như vậy lại tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo.
Khi các nền tảng mạng xã hội dần phổ biến, những kẻ lừa đảo sẽ tìm ra những chiêu trò mới để lừa mọi người chuyển tiền. Tuy nhiên, công chúng không nên để điều này ngăn cản họ đóng góp để giúp mọi người đối phó với những tác động kinh hoàng của trận động đất gần đây." - Bà Stephenson nhấn mạnh.
Sau hơn 1 tuần kể từ khi trận động đất xảy ra, các chuyên gia nhận định cơ hội để giải cứu các nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát đã dần cạn kiệt. Với việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong 3 tháng, Liên Hợp Quốc cho biết quá trình cứu trợ sẽ bước sang giai đoạn nhân đạo, đáp ứng nhu cầu cấp bách về chỗ ở, chăm sóc y tế, thực phẩm, trường học cho người sống sót.
Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Martin Griffiths cũng cho biết, Liên Hợp Quốc sẽ đẩy mạnh nỗ lực vận động viện trợ để đáp ứng nhu cầu nhân đạo của cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong thời gian tới.
Nguồn: Daily Mail