Đón năm mới ở... nghĩa trang
(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi một nơi trên thế giới đều có một nền văn hoá, phong tục tập quán khác nhau. Nếu người Việt Nam kiêng đổ vỡ trong ngày đầu năm thì người Đan Mạch lại có thói quen đập vỡ bát đĩa vào giao thừa, bạn có muốn biết ý nghĩa của hành động này?
Chile: Đón năm mới ở... nghĩa trang
Giao thừa luôn là thời khắc được mọi người mong đợi nhất. Trong khi ở những nơi khác, người ta dành trọn khoảnh khắc thiêng liêng này trong những ngôi nhà ấm cúng, cùng trò chuyện, ăn uống và chúc tụng; hoặc đến những nơi đông vui, nhộn nhịp thì ở một nơi nào đó của Chile, người ta lại dành thời khắc thiêng liêng ấy ở… nghĩa trang.
Nơi mà chúng tôi vừa đề cập đến đó là Talca – một thị trấn nhỏ của Chile. Người dân Talca có một phong tục rất đặc biệt đó là: Đón năm mới cùng những người đã khuất.
Vào đúng 23h đêm ngày 31/12 hàng năm, tất cả các nghĩa trang ở đây sẽ được mở cửa để chào đón người dân. Những người đến đây mang theo bên mình những bản nhạc cổ điển, nến hoặc đèn nhấp nháy, thậm chí là cả lều, trại, đồ ăn… Họ thắp nến hoặc treo đèn trên những ngôi mộ và phát những bản nhạc hay, nhẹ nhàng.
Những người còn sống sẽ ngồi quây quần bên những ngôi mộ, cùng uống rượu, cùng nói chuyện, trao đổi về những điều đã qua và những dự định cho một năm mới đến. Họ thậm chí còn tâm sự với cả những người đã khuất.
Người Talca tin rằng, linh hồn của những người thân của họ ở thế giới bên kia có thể nhìn thấy, nghe thấy và thấu hiểu được những tâm tư của họ. Tất cả tạo nên một bầu không khí vô cùng nhộn nhịp và ấm cúng ở nghĩa trang.
Phong tục có phần kỳ lạ này bắt đầu vào khoảng năm 1995 từ một gia đình nhỏ trong thị trấn. Khi đó, vì muốn được mừng năm mới gần ngôi mộ của người cha đã khuất, những người trong gia đình này đã trèo qua hàng rào vào nghĩa trang.
Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của hành động này, kể từ đó đến này, nhiều người Chile đã học theo và dần dần đây trở thành hoạt động thường niên. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 5000 người ghé vào các nghĩa trang trong dịp giao thừa để đón mừng năm mới.
Đan Mạch: Ném bát đĩa vào nhà người khác
Cẩn thận không làm vỡ đồ đạc trong ngày đầu năm mới là việc cần làm của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới. Người ta tin rằng, đổ vỡ đồ đạc là cảnh báo cho sự chia ly, tan vỡ. Tuy nhiên, ở Đan Mạch, người dân dường như chẳng hề quan tâm đến vấn đề này.
Thông thường, vào đêm giao thừa, người Đan Mạch sẽ ném những chiếc bát, đĩa cũ vào nhà của người khác, thường là những người thân quen như bạn bè, hàng xóm, người thân... Người dân Đan Mạch tin rằng, nhà nào càng có nhiều bát, đĩa, cốc, chén… vỡ trước cửa nhà vào buổi sáng đầu tiên của năm mới thì nhà đó càng gặp nhiều điều may mắn và hạnh phúc. Điều này cũng cho thấy, nhà này có rất nhiều bạn bè thân thiết và yêu quý họ.
Nhà nào càng có nhiều bát, đĩa vỡ trước cửa, nhà đó càng may mắn
Để thực hiện được điều này, ngay từ trong năm, người dân đã cố gắng tích trữ những chiếc bát, đĩa, chén, cốc,…cũ. Đến lúc giao thừa, người ta chỉ cần mang số bát, đĩa, chén, cốc… này ra và ném vào cửa nhà những người thân thiết như một hình thức để… chào đón năm mới. Phong tục này hiện này còn khá ít người thực hiện nhưng nó vẫn là một trong những phong tục thú vị. Nếu có dịp đến Đan Mạch vào dịp năm mới, bạn nên để ý để tránh dẫm phải những mảnh vỡ trên đường nhé!
Phong tục nhảy từ trên ghế xuống đất
Bên cạnh phong tục đập bát đĩa và ném vào nhà người khác, người Đan Mạch còn một phong tục vô cùng độc đáo khác đó là… nhảy từ trên ghế xuống đất. Theo đó, người địa phương thường đứng trên ghế và đồng loạt nhảy xuống đất khi đồng hồ điểm 12h đêm. Hành động này vừa có nghĩa là “nhảy” sang năm mới, đồng thời mang ý nghĩa xua đuổi ma quỷ còn sót lại của năm cũ, mong muốn năm mới nhiều may mắn.
Ecuador: Dạo lòng vòng quanh nhà với chiếc... vali rỗng
Người Ecuador có một tập tục đón năm mới khác rất thú vị, đó là đi dạo lòng vòng quanh nhà với chiếc…vali rỗng. Theo quan niệm của người Ecuador, hành động này mang ý nghĩa là hy vọng một năm mới được đi đây đi đó.
Ngoài phong tục trên, người Ecuador còn có nhiều phong tục thú vị khác. Đốt bù nhìn rơm sau khoảnh khắc giao thừa là một số đó.
Để chuẩn bị cho đêm giao thừa, trước đó, người dân sẽ làm ra một hình nộm người bằng rơm (đôi khi là bằng giấy, vải...). Sau khi tiếng chuông đồng hồ vang lên, báo hiệu thời khắc giao thừa đã đến, người dân sẽ mang những chiếc hình nộm này ra và đốt.
Phong tục này có tên gọi là “Ano Viejo” có nghĩa là “năm cũ”. Theo đó, việc đốt hình nộm này mang ý nghĩa là làm sạch, xoá bỏ, đốt cháy tất cả những điều xấu, những điều không may trong năm cũ để bắt đầu một năm mới tốt đẹp hơn. Họ cũng tin rằng bù nhìn có thể đuổi vận xấu cũng giống cái cách mà nó đuổi lũ chim hại lúa, hoa màu trên cánh đồng. Theo truyền thống, trước khi thực hiện châm lửa đốt bù nhìn, người dân sẽ đấm và đá vào bù nhìn như một cách để vận xui không bao giờ quay lại.
Phong tục này bắt nguồn từ những năm 1895, khi bệnh dịch sốt da vàng hoành hành khắp cả nước. Người ta phải hoả thiêu những người bị bệnh chết để ngăn bệnh dịch phát tán.
Nếu đến Ecuador vào dịp năm mới và bắt gặp cảnh tưởng này, bạn đừng sợ hãi nhé. Ngược lại, hãy mạnh dạn nhảy qua đống lửa đó. Tuy nhiên, người nhảy cần chú ý là nhảy đủ 12 lần vì nó tượng trưng cho 12 tháng trong năm cũ. Khi nhảy đủ, những điều không may mắn của năm cũ sẽ qua đi. Tất nhiên, những vị khách cần hết sức cẩn thận khi nhảy quá đống lửa để giữ an toàn!
Ngọc Quỳnh
Tổng hợp