Đôi vợ chồng trẻ nhịn ăn nhịn ngủ, làm việc ròng rã suốt 8 năm, tiết kiệm hơn 5 tỷ mua nhà, nào ngờ suy sụp trước bản thỏa thuận của chủ nhà
Chăm chỉ làm việc, tích cóp tiền suốt 8 năm để mua nhà, nhưng cái kết khiến cho đôi vợ chồng trẻ không khỏi hụt hẫng.
Tháng 5 năm nay, vợ chồng anh Đặng và chị Âu tại Quảng Đông, Trung Quốc đã mua căn hộ cho riêng mình sau suốt 8 năm làm việc chăm chỉ.
Tuy nhiên, trong lúc dọn nhà họ vô tình tìm thấy “Thỏa thuận bồi thường thiệt hại nhà ở do động đất” của chủ nhà để lại, điều này khiến tâm trạng vui mừng của hai vợ chồng bỗng chốc tụt xuống đáy vực!
Đôi vợ chồng trẻ một ngày chỉ ngủ 6 tiếng, suốt 8 năm chỉ đi du lịch 1 lần để cố gắng làm việc, tiết kiệm tiền mua nhà.
Vợ chồng trẻ nỗ lực để có một mái ấm
Anh Đặng và chị Âu là bạn đại học của nhau, họ kết hôn vào năm 2016. Gia cảnh của anh Đặng không tốt bằng chị Âu, vì thế chuyện kết hôn của hai người cũng gặp phải nhiều phản đối của cha mẹ vợ.
Theo anh Đặng chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp, cả hai chúng tôi đều làm việc trong cùng một đơn vị. Lúc đó, lương của tôi 5.000 NDT mỗi tháng, còn cô ấy thì ít hơn tôi. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định cuối năm sẽ tự mở công ty làm về thương mại điện tử.”
Những năm từ 2015 đến 2017 là khoảng thời gian mệt mỏi nhất trong cuộc đời anh. Ngày nào vợ chồng anh cũng dậy từ 8 giờ sáng, làm việc đến 2 giờ đêm mới đi ngủ. May mắn thay, khoảng thời gian bận rộn này không phí công vô ích. Việc kinh doanh của anh ngày càng tốt lên, hai đơn hàng lớn giúp anh kiếm được hơn 100.000 NDT trong một tháng.
Ảnh minh họa
Năm 2017, vợ chồng anh quyết định mua ô tô và áp lực kinh tế căng thẳng hơn. Sau đó, anh đi làm ở một công ty khác, mức lương nhận được cao gấp đôi so với 5.000 NDT lần trước. Chị Âu làm giáo viên dạy ngữ văn trong một trường tiểu học. Do đó cuộc sống cũng trở nên thoải mái hơn.
Năm 2020, chị Âu mang thai, nên chị nghỉ việc ở nhà chăm con. Lúc này, anh Đặng dành dụm được một khoản tiền tiết kiệm, anh nghĩ rằng đã đến lúc mua nhà. Tuy nhiên, bất động sản tại quê nhà rất đắt, vợ chồng anh đành dự tính mua ở nơi khác.
Chi hơn 1,6 triệu NDT mua nhà, phát hiện bản Thỏa thuận bồi thường thiệt hại nhà ở do động đất
Năm 2022, anh Đặng quyết định mua một căn nhà ở Hồ Nam, Trung Quốc. Anh bán căn nhà ở quê, cộng với số tiền tiết kiệm trong tay, anh có thể trả khoản tiền cọc trước.
Khu dân cư Kim Mậu
Anh Đặng thích một căn hộ trong khu dân cư Kim Mậu cạnh hồ Mai Khê ở thành phố. Vào tháng 5 năm nay, thông qua lời giới thiệu của công ty môi giới anh đến xem nhà hai lần. Ngày 6 tháng 6, họ ký kết hợp đồng mua nhà và bàn giao nhà trước cuối tháng.
Anh Đặng cho biết: “Người môi giới nói với tôi rằng giá của căn hộ này thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Tôi đã đi xem hai lần, nhưng lần nào cũng vội vàng. Mặc dù, tôi thấy điều hòa có dấu vết rơi xuống, nhưng bên môi giới và chủ nhà nói rằng đó là hiện tượng rơi tự nhiên, chúng tôi cũng không chú ý lắm.”
Điều hòa có dấu hiệu bị rơi ra
Anh Đặng đã trả 1,6 triệu NDT (hơn 5 tỷ VND) và hoàn tất thủ tục mua nhà. Cuối cùng anh Đặng đã mua được một căn nhà cho gia đình nhỏ của mình: “Sau khi kết hôn, chúng tôi miệt mài bươn trải vì cuộc sống, chỉ đi du lịch đúng một lần vào cuối năm 2019, thời gian còn lại đều dành cho công việc. Tôi cảm nhận được rằng cuộc sống mới đang vẫy chào chúng tôi.”
Người chủ cũ do không ở cùng thành phố nên đã nhờ anh giúp cô dọn một vài món đồ còn sót lại. Anh Đặng vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên, trong lúc dọn nhà vợ chồng anh phát hiện ra bản Thỏa thuận bồi thường thiệt hại nhà ở do động đất của người chủ cũ để sót lại.
Bản thỏa thuận này khiến cho cảm xúc vui mừng đón chào nhà mới của đôi vợ chồng trẻ bỗng chốc biến mất.
Trong bản thỏa thuận ghi rằng căn hộ anh Đặng mua có 6 chỗ có hiện tượng nứt vách. Chủ nhà cũ đã được bồi thường 28.800 NDT cho thiệt hại này. Sau đó, anh Đặng mới biết căn hộ thực sự có những vết nứt nhỏ và vết thấm nước trên trần nhà.
Vết nứt của căn hộ
Anh Đặng cho biết, dù anh mua căn hộ với giá thấp hơn giá thị trường, nhưng lúc này anh rất khó chịu: “Có vấn đề gì cứ nói với tôi, không cần phải giấu giếm như thế”.
Bên môi giới chấp nhận thỏa thuận bồi thường, thái độ phía chủ nhà từ chối giải quyết vấn đề
Anh Đặng hy vọng chủ nhà và công ty môi giới có thể xử lý thủ tục hoàn trả nhà và đền bù các chi phí tương ứng. Tuy nhiên, chủ nhà nói rằng trước đây khu dân cư này từng xảy ra động đất, nhưng đây không phải vấn đề do gia đình cô ấy gây ra và nó không ảnh hưởng đến sự an toàn và đời sống sinh hoạt.
Phía công ty môi giới nói rằng họ không biết rằng ngôi nhà đã bị hư hại bởi trận động đất: “Khi nhân viên xuống hiện trường kiểm tra cũng phát hiện vết nứt. Thời điểm đó chủ nhà rao bán nhà giá rẻ, nhân viên cũng không nghĩ nhiều.”
Họ sẵn sàng thương lượng với anh Đặng về khoản bồi thường, nhưng họ không thể đưa ra quyết định về việc hoàn trả nhà. Do nhà đã được chuyển nhượng nên theo các chính sách liên quan, việc chuyển nhượng lại phải mất 4 năm.
Theo luật sư, công ty môi giới có chịu trách nhiệm hay không còn phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng. Nếu trong hợp đồng giữa công ty môi giới và anh Đặng có thỏa thuận liên quan thì bên môi giới cần phải chịu trách nhiệm, còn nếu chỉ chịu trách nhiệm “dắt mối” cho hai bên thì không cần chịu trách nhiệm.
Trên góc độ pháp lý, chủ nhà có thể lựa chọn không thông báo cho bên môi giới và anh Đặng về tình hình của căn hộ. Nhưng trên góc độ đạo đức, cô nên nói với anh về tình hình liên quan. Suy cho cùng, tiền của anh Đặng không phải tự nhiên mà có, đó là số tiền tiết kiệm sau bao nhiêu năm làm việc chăm chỉ, khó tránh khỏi anh cảm thấy khó chịu khi biết tin căn nhà bị hư hại.