Đôi vợ chồng IT rủ nhau về hưu, bán nhà phố, mua 1200m2 đất hoang ở quê làm nơi ẩn cư, sống mặc kệ sự đời
Sự phong phú và yên bình của cuộc sống nông thôn khiến họ say mê, vì vậy, chẳng ai có ý định quay trở lại thành phố.
Hồng Tử và Tiểu Khả đều là những kỹ sư IT sinh vào những năm 1970 ở Trung Quốc. Từ năm 2000 đến 2015, họ làm việc cho những doanh nghiệp nước ngoài, sở hữu mức thu nhập đáng mơ ước.
Dù vậy, sau khi chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Internet Trung Quốc, ở tuổi 40, họ bắt đầu gặp "nút thắt cổ chai" lớn nhất của dân lập trình.
Đứng trước nguy cơ về sự nghiệp, hai vợ chồng bàn nhau và đưa ra quyết định bất ngờ: Họ lần lượt từ chức, bán nhà, rời khỏi thành phố và quyết định sống ở nông thôn.
Ở làng Nam Bình, núi Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc, họ thuê một ngôi nhà cổ với khoảng sân nhỏ 150m2, cùng với một khoảnh đất rộng khoảng 1200m2 bỏ hoang, chưa được sử dụng.
Đôi vợ chồng từng thiết kế rất nhiều phần mềm trên máy tính, nay tự dùng đôi tay của mình để thiết kế cả một khu vườn xanh ngát, đẹp như mơ.
"Dù thu nhập bằng 0 nhưng cuộc sống vô cùng phong phú", Hồng Tử kể.
Hồng Tử đang "mê mệt" với các món đồ thủ công, cắm hoa, nhuộm vải, chăm sóc cây trồng. Còn Tiểu Khả nuôi chim bồ câu, pha trà đen và ngâm mận xanh;. Họ còn trồng rau, làm hàng rào, kết bạn với dân làng, luôn giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn.
Đến nay, Hồng Tử và Tiểu Khả đã sống ở làng Nam Bình được bảy năm.
Vào mỗi buổi sáng, đôi vợ chồng thường dắt chó đi dạo và ngắm cảnh. Vào mùa xuân, khi ánh nắng tràn đầy, sự thay đổi của ánh sáng và bóng râm trong rừng trở nên thú vị. Những ngọn cây hòa thành một mảng xanh ngọc bích, điểm xuyết những quả dại màu đỏ, thoảng vị chua ngọt của trái dâu rừng.
Ở nông thôn, nhịp sống luôn xoay vần theo cỏ cây. Quanh năm, xuân hạ thu đông được "đong đếm" bằng trạng thái thay đổi của tự nhiên.
Cảnh quan và chế độ ăn uống thay đổi theo các mùa trong năm.
Mỗi mùa một thức, mọi thứ đều gần gũi với tự nhiên.
Vào đầu năm nay, hai vợ chồng có việc nên trở lại thành phố khoảng 10 ngày. Những tòa nhà cao tầng và tiếng xe cộ ồn ào làm tâm trí họ rối loạn. Mỗi lần ra ngoài, Hồng Tử phải chen lấn trên tàu điện ngầm, mua sắm trên con phố dài, đi ngang qua nhiều nơi tiêu dùng ồn ã. Đến cuối ngày, không có việc gì làm, cô lại cảm thấy "cuộc sống thành thị thật mệt mỏi, như thể thời gian trôi qua một cách lãng phí."
Ở nông thôn, dù dành hàng giờ đồng hồ để ngắm hoa, nghe chim hót, họ cũng cảm thấy từng phút giây đều rất ý nghĩa. Sự phong phú và yên bình của cuộc sống nông thôn khiến họ say mê, vì vậy, chẳng ai có ý định quay trở lại thành phố.
Trong cuốn tiểu thuyết Quả lý gai của Anton Chekhov có câu: "Nếu ai đã từng câu cá rô một lần trong đời, hoặc một lần nhìn đàn chim bay về phía nam mỗi mùa thu, xem chúng bay qua làng mạc vào một ngày trời trong và mát mẻ, thì họ gần như không thể tiếp tục là một cư dân thành phố nữa. Người đó sẽ khao khát một cuộc sống tự do cho đến khi chết."
Nhớ về khoảng thời gian trước kia, Hồng Tử và Tiểu Khả đều là những kỹ sư phần mềm giỏi giang trong một công ty nước ngoài. Họ tham gia nghiên cứu và phát triển TV kỹ thuật số, chứng kiến những làn sóng Internet bùng nổ đầu tiên của Trung Quốc.
Họ làm việc liên tục hơn 10 năm, tăng ca là chuyện thường ngày, có khi bận đến tận đêm khuya. Mỗi rạng sáng về đến nhà đều thấy vô cùng mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất, có lúc cảm thấy bản thân như "xác không hồn", chỉ vật vờ với cuộc sống.
Ngôi làng bình dị nhưng đẹp như chốn cổ tích với tường trắng, ngói đen và nhà cổ tứ giác.
Vào năm 2012, một chuyến đi đến huyện Yi đã thay đổi mọi thứ. Vào mùa xuân, dâu tằm đã chín, họ đến thành phố Hoàng Sơn bằng tàu hỏa, sau đó chuyển sang xe buýt và đi về phía huyện Yi. Trên đường đi, họ nhìn ngắm những dòng suối chảy róc rách qua làng, những cánh đồng hoa cải dầu trải dài vô tận, từng rặng cổ thụ và những ngôi làng tường trắng ngói đen, xa xa là mây bay trên núi.
Một An Huy đẹp đến nao lòng mở ra trước mắt khiến cả hai vợ chồng bỗng nảy ra một mong muốn mãnh liệt: "Tôi muốn sống ngay tại đây!"
3 năm tiếp theo là giai đoạn chuyển tiếp với những do dự trong tâm trí. Thời gian đầu, họ tận dụng những ngày cuối tuần để thường xuyên đi lại giữa thành phố và nông thôn, thăm thú xung quanh. Cho đến khi, họ dần dần thích nghi hoàn toàn và bị vẻ đẹp nông thôn níu chân. Đó là lúc họ quyết tâm bán nhà phố, xin nghỉ việc, rồi khăn gói đi tìm chốn bình yên.
Chốn bình yên mà đôi vợ chồng kiếm tìm.
Tại làng Nam Bình, núi Hoàng Sơn, tỉnh An Huy, Trung Quốc, họ tìm được một ngôi nhà cổ có lịch sử hàng trăm năm. Nó nằm gần cuối làng, không có xe cộ qua lại nên rất yên tĩnh. Ngôi nhà là kiểu nhà tứ giác điển hình, cửa chính hướng ra hiên, có thể nhìn thấy những chuỗi hạt mưa mỏng.
Vì đã nhiều năm không có ai ở nên căn nhà dột nát, trống trải. Có những mạng nhện dày đặc treo trên cây đinh lăng.
Tuy nhiên, diện tích ngôi nhà và khoảng đất rộng lớn xung quanh khiến họ rất ưng ý.
Khoảng sân rộng lớn giúp họ thỏa thích nuôi dưỡng hoa cỏ, động vật.
Việc cải tạo ngôi nhà cũ kéo dài trong hai năm. Tiểu Khả đã đào một hố nhỏ trong sân để tạo thành một ao cá, kết nối với những luống hoa và con đường lát đá trải dài.
Vào mùa xuân năm 2015, Hồng Tử 39 tuổi và Tiểu Khả 41 tuổi đã chính thức từ chức, kết thúc cuộc sống thành thị và chuyển đến đây.
Tiểu Khả thích động vật nhỏ, đặc biệt là chim. Giữa mùa xuân và mùa hè, các loài chim ở miền nam An Huy bước vào mùa sinh sản. Bất kể ở đâu, bạn luôn có thể nghe thấy tiếng chim hót.
Hồng Tử thích làm vườn, sau 7 năm, khoảng sân nhỏ đã trở thành một khu vườn trưởng thành.
Cách nhà 2 phút đi bộ là một mảnh đất bỏ hoang rộng gần 1.200m2. Vốn dĩ nơi đây là một cánh đồng hoang vắng, xung quanh là những vườn dâu, vườn chè bỏ hoang không ai chăm sóc.
Đôi vợ chồng đã quyết định sẽ tận dụng để biến nó thành một khu vườn đích thực, với vườn cây ăn quả, vườn trà, ao cá và nhà bếp nhỏ.
Khu vườn trở thành một không gian sống khác của Hồng Tử và Tiểu Khả. Vào buổi sáng trời không mưa, họ sẽ đi bộ đến đây, uống một tách cà phê và làm một bữa sáng đơn giản với các nguyên liệu tự nhiên.
Cánh đồng rau xanh tươi tốt.
Khu vườn bình yên và tràn đầy sức sống.
Nguồn: YIT