Đội tuyển Việt Nam và cách chơi kiểm soát bóng kiểu Troussier
Các ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier được định hình lối chơi kiểm soát bóng triệt để, tấn công và tấn công. Đội tuyển U22 Việt Nam đá SEA Games 32 trên đất Campuchia vừa qua là một minh chứng. Và mới nhất, đấy là trận giao hữu với Hong Kong (Trung Quốc), đó đều là minh chứng chưa thành công cho một triết lý huấn luyện.
Kiểm soát bóng trên diện tích 1/3 sân gần cầu môn đối phương, là một phương án phòng ngự hiệu quả. Bởi ngay cả khi mất bóng, thì khung thành đội nhà cũng khó bị đe doạ. Nhưng đấy là triết lý kiểu cũ, triết lý tiki taka của Barcelona và Tây Ban Nha đã từng xưng bá, nhưng cũng đã bị hoá giải, đã thất bại và nay đang gây dựng lại.
Thực ra, triết lý kiểm soát bóng phải đi cùng với kiểm soát trận đấu. Tất công và tấn công, nhưng là tấn công buộc đối thủ hở sườn, chứ không phải đâm đầu vào tường. Nếu chỉ kiểm soát bóng, mà không kiểm soát, không làm chủ trận đấu, thì dù cho thời lượng vượt trội so với đối thủ (yếu), thì cũng có thể thua chung cuộc. Tấn công mà không có bàn thắng, đương nhiên sẽ chịu đòn "hồi mã thương" mà thôi.
Trận đấu với Hong Kong (Trung Quốc) là viện dẫn quá sát sườn cho nhận định này. Trước và sau khi có bàn thắng từ chấm phạt đền, các học trò của HLV Troussier luôn kiểm soát bóng với thời lượng vượt trội hơn nhiều so với đối thủ. Nhưng, cũng trước khi vượt lên dẫn trước, thì Hong Kong (Trung Quốc) mới là đội bóng tạo được các cơ hội ăn bàn rõ rệt hơn ở các phút 21 và 29.
Đó chính là điểm yếu trong triết lý của HLV Troussier. Ông muốn hướng tới thứ bóng đá kiểm soát, tấn công đẹp mắt, nhưng con người ở buổi giao thời, không (hoặc chưa) thể đáp ứng được mong muốn ấy. Chiến thuật chính là phụ thuộc vào con người mà HLV có trong tay vậy.
SEA Games 32 với các đối thủ tầm khu vực, ông Troussier đã thất bại. Nguyên nhân được chỉ ra là, HLV trưởng người Pháp chưa có nhiều thời gian cầm đội tuyển U22 Việt Nam. Nhưng nói như thế, chúng ta sẽ giải thích thế nào về thành tích của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á trước đó, mà HLV Gong Oh Kyun dẫn dắt?! Ông Troussier thậm chí còn gắn bó với bóng đá trẻ Việt Nam từ nhiều năm nay.
Hong Kong (Trung Quốc) xếp dưới Việt Nam 50 hạng trên FIFA Ranking. Họ cũng không ở cùng đẳng cấp với chúng ta, khi 5 lần gần nhất gặp nhau, chỉ thắng được 1. Đây là đối thủ rất mềm cho lần ra mắt của HLV Troussier cấp độ ĐTQG. Nhưng chúng ta đã chơi rất tệ, dù được tựa lưng vào Lạch Tray để nhảy múa.
Chiến thắng 1-0 không phản ánh đúng với những gì đã diễn ra. Đáng lẽ trận đấu phải về với tỷ số hoà mới phải. Pha bóng dẫn đến quả penalty cho chủ nhà cũng là không rõ ràng. Một pha ốp sau lưng của trung vệ Hong Kong (Trung Quốc), về lý giống như pha phạm lỗi, nhưng thực tế là Quang Hải chưa làm chủ được bóng.
Ở số báo trước, Thể thao & Văn hoá đã phân tích, kết quả cuối cùng ở một trận giao hữu với đối thủ dưới cơ như Hong Kong (Trung Quốc) không nói lên điều gì cả. Quan trọng là lối chơi và cách chơi. Và, sau trận đấu này, rõ ràng HLV Troussier chẳng thu lại cái gì. Lý tưởng của HLV trưởng người Pháp vẫn còn rất mông lung.
Với những gì đã và đang diễn ra, chúng tôi e rằng, HLV Troussier sẽ phải đối diện với rất nhiều vấn đề. Giữa lý tưởng và thực tế là không giống nhau. Tất nhiên, ông Troussier vẫn còn nhiều thời gian, với bản hợp đồng đến tận năm 2026. Vấn đề là nếu thất bại thêm một hai hạng mục giải đấu nữa, thì không ai cho ông thêm cơ hội.
Mỗi HLV đều có triết lý huấn luyện không giống nhau. Sẽ rất khó để thay đổi, nhưng điều chỉnh thì có thể. Giờ chính là vẫn còn kịp, nếu HLV Troussier mạnh dạn điều chỉnh hoặc phải có ai đó đủ gần gũi cố vấn cho ông về điều đó.