Đội tuyển nữ Việt Nam mạnh hơn với Chương Thị Kiều
Sự trở lại của trung vệ Chương Thị Kiều sẽ giúp hàng thủ đội tuyển nữ Việt Nam chơi ổn định và chắc chắn hơn.
Trong trận đấu quan trọng nhất vòng bảng World Cup nữ 2023 gặp đội tuyển nữ Bồ Đào Nha vào ngày mai (27/7), nhiều khả năng HLV Mai Đức Chung sẽ để cô học trò cưng Chương Thị Kiều ra sân ngay từ đầu. Đây là trận đấu mà giới chuyên môn đánh giá đội tuyển nữ Việt Nam nếu thi đấu thăng hoa sẽ có cơ hội ghi bàn thắng đầu tiên ở sân chơi danh giá nhất hành tinh.
Ở trận đấu gặp đội tuyển nữ Mỹ, trung vệ Chương Thị Kiều đã có quãng thời gian khoảng 30 phút làm quen với nhịp độ thi đấu khi vào sân thay Lương Thị Thu Thương. Những gì mà Chương Thị Kiều thể hiện cho thấy khả năng phán đoán tình huống, đọc trận đấu hay tranh chấp bóng bổng của cầu thủ thuộc biên chế CLB nữ TP.HCM vẫn không hề mai một.
Sự có mặt của cô gái sinh năm 1995 còn giải quyết phần nào bài toán chỉ huy hàng phòng ngự vẫn đang bỏ ngỏ ở đội tuyển nữ Việt Nam. "Có Kiều ở trước mặt tôi nhàn hơn rất nhiều", thủ thành Kim Thanh từng chia sẻ như thế trước đây. Mô tả ngắn gọn này cho thấy vai trò lớn của Chương Thị Kiều trong thế trận phòng ngự 3 trung vệ.
Cụ thể hơn, nữ cầu thủ 28 tuổi sở hữu khả năng đọc tình huống và chỉ huy hàng phòng ngự rất tốt. Không phải ngẫu nhiên mà Chương Thị Kiều được các đời HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam tin tưởng và gọi lên tập trung từ năm mới 17 tuổi. Một lợi thế nữa của hậu vệ cao 1m65 này là cô có thời gian thi đấu cùng thủ môn Kim Thanh rất dài.
Cả 2 dường như đều hiểu đến "đường tơ, kẽ tóc" về cách di chuyển cũng như hoạt động của nhau. Đặc biệt, ở những tình huống ra vào của thủ môn cần phối hợp tốt với trung vệ. Chương Thị Kiều làm rất tốt điều này. Mỗi lần Kim Thanh quyết định băng ra, Kiều luôn là người cản hướng di chuyển tiền đạo đối phương để đồng đội có được lợi thế tối đa.
Với Chương Thị Kiều, 2 trung vệ đá cặp với cô trong hàng phòng ngự 3 người của đội tuyển nữ Việt Nam nhiều khả năng là Diễm My và Lương Thị Thu Thương. Trung vệ Diễm My là cầu thủ có thể đá cả vị trí trung vệ thòng cũng như trung vệ dập tốt, nên cầu thủ thuộc biên chế Than Khoáng sản có thể đá giữa trong bộ 3 trung vệ này.
Nếu đá trung vệ dập, Diễm My khả năng cao sẽ đá lệch trái, trám vào vị trí của Trần Thị Thu. Trung vệ sinh năm 1991 là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với người đàn em ở vị trí này. Việc dùng ai, bỏ ai là do HLV Mai Đức Chung quyết định, nhưng ông Chung đang có "cơn đau đầu dễ chịu" khi hàng thủ đội tuyển nữ Việt Nam gần như đầy đủ nhân sự.
Việc đưa Chương Thị Kiều trở lại vị trí trung vệ thòng giải quyết tốt bài toán tranh chấp bóng bổng mà Diễm My đang phần nào yếu thế nếu đối phương thực hiện nhiều đường tạt từ 2 biên. Khi đó, Lương Thị Thu Thương đá lệch phải bó vào hỗ trợ là biện pháp lý tưởng nhất trong không chiến của đội tuyển nữ Việt Nam.
Sự xuất hiện của Chương Thị Kiều trong đội hình chính thức còn giúp HLV Mai Đức Chung xử lý vấn đề phát động tấn công từ hàng phòng ngự. Lực chân tốt cùng khả năng chuyền bóng vượt tuyến chuẩn xác là thế mạnh mà cầu thủ người Kiên Giang sở hữu. Khi chưa chấn thương, cô là chìa khóa trong các đường bóng xuyên tuyến của đội tuyển nữ Việt Nam.
Tại SEA Games 32, Thúy Nga là người đảm nhận vai trò này nhưng chưa thực sự để lại dấu ấn đậm nét. Ở trận đấu gặp đội tuyển nữ Mỹ, HLV Mai Đức Chung cũng thiếu một người có thể giữ bóng nơi hàng phòng ngự khi cả Diễm My, Thu Thương và Trần Thị Thu đều chưa đáp ứng thật đúng yêu cầu mà ông đưa ra.
Dẫu vậy, phương án Chương Thị Kiều đá chính còn phụ thuộc vào tình hình hồi phục chấn thương của trung vệ này. Được biết, cô gần như đã đạt 100% phong độ, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về HLV Mai Đức Chung. Có lẽ ông sẽ chơi tất tay trong trận đấu mà đội tuyển nữ Việt Nam đứng trước cơ hội ghi bàn rất lớn.