Đối thủ của đội tuyển Việt Nam: Australia không cam phận 'làm vua xứ mù'
(Thethaovanhoa.vn) - Gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vào năm 2006 là quyết định đúng đắn nhất của Liên đoàn bóng đá Australia (FA), trong những nỗ lực tăng cường sức cạnh tranh cho Socceroos, thay vì an phận với vị thế của một “vua xứ mù”.
Có một thống kê chứng minh rõ sự thống trị của Australia ở châu Đại dương trước khi gia nhập AFC: trong 7 lần tham dự giải vô địch châu Đại dương thì họ đều vào chung kết, và vô địch 5. Còn ở hai lần hiếm hoi về nhì (1998, 2002 – sau New Zealand) thì thật ra họ chỉ cử đội hình hai tham dự.
Cơn khát 32 năm
Việc OFC được phân nửa suất dự VCK World Cup và phải đá play-off với đại diện của khu vực Nam Mỹ vốn có trình độ cao hơn hẳn là một nguyên nhân khiến FA quyết tâm “li khai” khu vực này để gia nhập AFC.
Cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000, bóng đá Australia sở hữu một thế hệ cực kỳ tài năng, với những cái tên như Mark Schwarzer, Mark Viduka, Harry Kewell, Brett Emerton, John Aloisi, Lucas Neil… Họ từng giành vị trí á quân Confederation Cup 1997, và về thứ ba ở Confedereration Cup 2001. Tuy nhiên, đó cũng là hai thời điểm tê tái ở vòng loại World Cup khi Australia lần lượt thúc thủ khi đá play-off với Iran (3-3, dừng bước vì luật bàn thắng sân khách) và Uruguay (thua 1-3 chung cuộc).
Nhưng rồi nỗ lực của thế hệ ấy cũng được đền đáp. Ngày 16/11/2005, Australia vượt qua Uruguay của Alvaro Recoba, Paolo Montero, Diego Lugano, Marcelo Zalayeta,… 4-2 trên chấm luân lưu (1-1 sau 2 lượt trận) để giành vé tới Đức, chấm dứt cơn khát kéo dài suốt 32 năm. 6 tuần sau, Australia chính thức trở thành thành viên của AFC, và kể từ đó đến nay, họ đã dự 4 VCK World Cup liên tiếp.
Australia cũng nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong “ngôi nhà mới”. trong 4 kỳ Asian Cup kể từ ngày đó, họ đều ít nhất lọt tới vòng tứ kết, về nhì năm 2011 (thua Nhật Bản 0-1 ở chung kết), và đỉnh cao là chức vô địch năm 2015 trên sân nhà (hạ Hàn Quốc 2-1 ở chung kết). Đó là giải đấu lớn cuối cùng của những ngôi sao lớn như Tim Cahill, Mark Bresciano, song cũng giới thiệu một vài trụ cột của thế hệ hiện tại như thủ thành Matthew Ryan và tiền đạo Matthew Leckie.
Frank Farina, HLV tuyển Australia giai đoạn 2000-05, bảo rằng ông không nghĩ vòng loại World Cup khu vực châu Á dễ hơn châu Đại dương, nhưng rõ ràng, việc được cọ xát với các đội mạnh liên tục tốt hơn nhiều so với giã hàng chục bàn vào lưới các đội như American Samoa (31-0), Tonga (22-0), hay Quần đảo Cook (17-0, 16-0). Trong khi đó, cựu HLV trưởng đội tuyển nữ Việt Nam Steve Darby thì phân tích: “Hệ thống thi đấu của AFC được tổ chức rất tốt. Chúng ta đang nói về cơ hội tiếp cận 3 tỷ người hâm mộ, những sân vận động hơn 100.000 người cùng hơn 500 triệu khán giả xem qua truyền hình”.
Đường đến Qatar, dễ hay khó?
Australia là một trong số hai đội tuyển toàn thắng ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 (đội còn lại là Nhật Bản). Với vỏn vẹn 2 bàn thua sau 8 trận, họ cùng Nhật Bản là những đội có thành tích phòng ngự tốt thứ nhì, chỉ kém Qatar (1 bàn thua). Nhưng hành trình trước mắt của Graham Arnold và các học trò chắc chắn sẽ không dễ dàng như vậy, bởi đơn giản những đối thủ ở vòng loại cuối cùng khu vực châu Á sẽ mạnh hơn. Đó là Nhật Bản, Saudi Arabia, Trung Quốc, Oman, và Việt Nam.
Một khó khăn khác với đội tuyển Australia: do những quy định khắt khe về phòng chống dịch của chính phủ nước này, trong đó có việc phải cách li 14 ngày với các đội khách, mà trận đấu giữa họ và đội tuyển Trung Quốc đầu tháng sau sẽ phải diễn ra trên sân trung lập tại Doha, Qatar. Trong khi đó, khả năng đá 4 trận sân nhà còn lại ở Australia vẫn còn bỏ ngỏ. “Không thi đấu trên sân nhà sẽ là bất lợi lớn cho tuyển Australia. Thực tế lợi thế khi thi đấu sân nhà và sân khách ở giai đoạn này rất rõ ràng, chẳng khác gì có thêm một cầu thủ trên sân”, ông James Johnson – giám đốc điều hành Liên đoàn bóng đá Australia – chia sẻ. Thực tế thì trong ba kỳ World Cup 2006, 2014 và 2018, Australia đều giành vé dự VCK nhờ cách biệt rất mong manh ở vòng loại và play-off.
Tuấn Cương