Đổi mạng sống để lấy vài chiếc like ảo: Thiếu niên 13 tuổi tử vong sau khi “đu trend” TikTok ngỡ vô hại và cảnh báo thương tâm từ cha mẹ
Đây không phải lần đầu tiên có trẻ em tử vong vì quay video tham gia thử thách nổi tiếng trên TikTok.
Giữa tháng 4 vừa qua, một thiếu niên đến từ Ohio (Mỹ) đã thiệt mạng một cách bi thảm sau khi thực hiện một trend TikTok đang nổi. Nạn nhân 13 tuổi, Jacob Stevens, đã tham gia “Thử thách Benadryl”, trong đó người tham gia sẽ uống 12 đến 14 viên thuốc kháng histamin để tạo cảm giác ảo giác. Đây là liều lượng cao gấp 6 lần liều khuyến cáo. Loại thuốc kháng histamin là thuốc không cần kê đơn, thường được dùng để chữa dị ứng, không có nguy hiểm gây hại trừ khi uống quá liều.
Cha của Jacob, ông Justin, nói với đài ABC 6 rằng con trai ông đang ở nhà vào cuối tuần trước với bạn bè thì dùng thuốc quá liều để quay video TikTok. Đoạn phim do bạn của cậu bé quay lại cho thấy ngay sau khi uống thuốc, Jacob đã bắt đầu co giật.
Jacob sau đó được đưa đến bệnh viện và đặt máy thở. Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực của các bác sĩ, cậu bé đã qua đời 6 ngày sau đó, ngày mà cha cậu mô tả là “ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi”.
“Họ nói rằng chúng tôi có thể giữ thằng bé bằng máy thở, rằng nó có thể nằm đó mãi, nhưng con tôi sẽ không bao giờ mở mắt, sẽ không bao giờ thở, mỉm cười, đi lại hay nói chuyện được nữa”, anh Justin kể trong đau đớn.
Bà của cậu bé, Dianna Stevens, đã cố kìm nước mắt để nói với hãng tin truyền hình địa phương: “Tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo rằng không một đứa trẻ khác sẽ phải trải qua chuyện như thế”.
Trước cái chết bi thảm của con trai mình, anh Justin và gia đình đang nỗ lực lên tiếng cảnh báo các bậc cha mẹ khác về sự nguy hiểm của việc để con cái dùng mạng xã hội mà không được giám sát: “Hãy để mắt đến những gì chúng đang làm trên chiếc điện thoại đó. Hãy nói chuyện với con về tình hình mỗi ngày của chúng. Tôi muốn mọi người biết câu chuyện của con trai tôi”.
Ngoài ra, Justin đang kêu gọi các nhà lập pháp hạn chế độ tuổi đối với các loại dược phẩm không kê đơn như Benadryl cũng như yêu cầu TikTok áp đặt các biện pháp bảo vệ như bắt người dùng cung cấp giấy tờ tùy thân trước khi tạo tài khoản.
Jacob Stevens không phải là nạn nhân đầu tiên của Thử thách Benadryl. Vào tháng 8 năm 2020, một cô gái 15 tuổi dùng quá liều thuốc dị ứng cũng đã tử vong tương tự. Sau hàng loạt cái chết, nhà sản xuất Johnson & Johnson đã đưa ra lời khuyên công khai về thách thức này, cảnh báo: “Xu hướng Benadryl trên TikTok cực kỳ đáng lo ngại, nguy hiểm và cần phải dừng lại ngay lập tức”.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng đưa ra một thông báo tương tự: “Dùng thuốc dị ứng diphenhydramine (Benadryl) không kê đơn liều cao hơn liều khuyến cáo có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về tim, co giật, hôn mê hoặc thậm chí tử vong. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nên biết rằng “Thử thách Benadryl” đang diễn ra ở thanh thiếu niên và cảnh báo cho những người chăm sóc họ về điều đó”.
Nỗ lực từ TikTok
Nền tảng video phổ biến nhất thế giới hiện tại đã công bố những thay đổi lớn cho người dùng dưới 18 tuổi vào tháng 3. TikTok sẽ giới hạn thời gian sử dụng thiết bị hàng ngày là 1 giờ với nhóm đối tượng này nhằm hạn chế việc “nghiện” TikTok, gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm sinh lý của thanh thiếu niên.
Cormac Keenan, người đứng đầu bộ phận an toàn của TikTok cho biết : “Chúng tôi tin rằng TikTok sẽ mang lại niềm vui và đóng vai trò tích cực trong cách mọi người thể hiện bản thân, khám phá ý tưởng và kết nối. Chúng tôi đang cải thiện công cụ quản lý thời gian sử dụng thiết bị của người dùng với nhiều tùy chọn tùy chỉnh hơn, giới thiệu cài đặt mặc định mới cho tài khoản thanh thiếu niên và mở rộng tính năng để phụ huynh kiểm soát tốt hơn”.
Giới hạn thời gian 60 phút sẽ tự động được áp dụng cho mọi người dùng dưới 18 tuổi trong tuần tới. Những người này sẽ được yêu cầu nhập mật mã để tiếp tục dùng ứng sụng sau 1 giờ. Đối với người dùng dưới 13 tuổi, giới hạn cũng sẽ được đặt thành 60 phút, nhưng cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ cần đặt hoặc nhập mật mã để bật thêm 30 phút thời gian xem.
Nguồn: NY Post