Đổi mạng sống cho giấc mơ lên đỉnh Everest
(Thethaovanhoa.vn) - Cái chết của 13 Sherpa và thêm 3 người khác mất tích sau một trận lở tuyết hồi giữa tháng 4 ở ngọn núi Everest đã khiến dư luận lần đầu tiên chú ý tới sự nguy hiểm hiện diện thường trực quanh họ, những người hùng thầm lặng đã khiến hoạt động leo lên "nóc nhà thế giới" trở nên khả thi.
Phemba Tshering Sherpa nghe thấy một tiếng răng rắc nhỏ. Trong bầu không khí loãng quanh Trại 1, trên đường tới đỉnh Everest, những âm thanh như thế thường xuất hiện và chỉ tạo cảm giác đe dọa, thay vì mang tới một mối nguy thực thụ nào.
Vụ tai nạn chết chóc nhất
Nhưng lần này Pemba cảm thấy có điều khác lạ. Dù trên vai nặng trĩu lều bạt và hàng hóa hỗ trợ khách hàng, Pemba vẫn cố rướn người lên, nhìn về hướng Tây, nơi tiếng động phát ra. Song trước khi kịp nhận thấy điều gì đó, Pemba đã bị áp lực hình thành từ một trận lở tuyết lớn hất văng đi.
Trong thảm họa diễn ra vào ngày 18/4 ấy, Pemba đã quá đỗi may mắn khi ở bên rìa trận lở tuyết, nên chỉ bị hất sang một điểm rơi an toàn. Khi bụi tuyết vừa tan, anh lập tức đi tìm đồng nghiệp và sững người khi thấy vô số thi thể nằm rải rác xung quanh.
Những người Sherpa như anh, số thì bị chôn nửa người dưới tuyết, số thì chỉ còn tay và chân thò lên khỏi mặt tuyết. Từ xa anh hiểu rằng rất nhiều trong số đó đã chết. Nhưng anh cùng những người còn sống vẫn cố lao tới bới tuyết, bằng xẻng và bằng tay không, với hy vọng sẽ cứu được ai đó.
Khi đội cứu hộ tới nơi, Pemba mới gục xuống vì kiệt sức và đau buồn. Tổng cộng đã có 16 Sherpa chết và mất tích sau vụ lở tuyết. Đây là vụ tai nạn gây chết nhiều người nhất trong lịch sử hoạt động chinh phục thương mại đỉnh Everest.
Con số người chết cao trong năm nay có thể là lý do vì sao câu chuyện được báo chí thế giới đăng tải nhiều. Nhưng với những người Sherpa, nguy cơ mất mạng đã luôn là một phần của công việc. “Anh luôn phải sẵn sàng cho cái chết. Anh không bao giờ biết chuyện gì có thể xảy ra ở độ cao đó" - Pemba kể lại trên giường bệnh, nói rằng anh từng chứng kiến những cái chết khác của các đồng nghiệp tại Manaslu vào năm 2011 -"Tôi biết chuyện có thể xảy ra với bất kỳ ai".
Nimdige Sherpa cầm di ảnh con trai Ang Kaji Sherpa, người đã thiệt mạng trong vụ lở tuyết
"Cửu vạn" trên nóc nhà thế giới
Người nước ngoài ưa thích sử dụng Sherpa - một tộc người thiểu số sống dưới chân nhiều ngọn núi của Nepal - bởi họ có sức khỏe tốt, thích nghi tốt với độ cao và đặc biệt trung thực. “Người Tây Tạng cũng làm nghề dẫn đường, nhưng cánh leo núi thường chỉ thích người Sherpa" - bà Elizabeth Hawley, người lưu giữ kỷ lục leo núi ở dãy Himalaya, cho biết.
Lịch sử đã chứng minh nhận định này của Hawley. Khi Edmund Hillary lần đầu leo lên đỉnh Everest hồi năm 1953, ông không làm việc đó một mình. Trợ thủ của ông là Sherpa Tenzing Norgay, người đã lên đỉnh núi cùng ông.
Giai đoạn trước đây, các vận động viên leo núi và người Sherpa thường có mối quan hệ rất thân thiết, có thể bởi họ cũng phải nỗ lực, làm việc ăn ý với nhau để lên đỉnh Everest. Tuy nhiên từ những năm 1990, khi một thế hệ các nhà leo núi mới, giàu có hơn và rất amateur xuất hiện, bản chất hoạt động leo núi đã đổi khác. “Leo núi từng là hoạt động phiêu lưu, nhưng giờ nó đã dễ dàng hơn nhiều nhờ tiền bạc" - Pemba nói.
Những ngày này, để đáp ứng nhu cầu của các nhà leo núi nghiệp dư kia, gồm từ ngôi sao màn bạc cho tới người cụt chân, tay và thậm chí là cả các bô lão cao tuổi, người Sherpa phải biến đổi từ những người dẫn đường dành một dạng cửu vạn.
Họ phải chuẩn bị làm đường lên đỉnh núi khoảng 1 tháng trước khi khách hàng đặt chân tới đây. Từ đầu tháng 4, các Sherpa đã lên đường thành từng nhóm tới Trại căn cứ và bắt đầu lập hàng loạt trại dọc theo đường lên đỉnh.
Họ mang theo thực phẩm, quần áo ấm và bình oxy mà khách hàng sẽ sử dụng, từ trại này tới trại khác. Ví dụ trong khoảng 12 ngày họ sẽ thực hiện 8 chuyến đi từ Trại 1 nằm ở độ cao 5.974 mét tới Trại 2 ở độ cao 6.492 mét. Khách hàng chỉ bắt đầu leo núi khi những người Sherpa đã vận chuyển và chứa đủ các đồ tiếp tế thiết yếu từ Trại căn cứ cho tới tận Trại 4 ở độ cao 7.955 mét. Một số Sherpa thậm chí còn mang đồ tiếp tế tới tận đỉnh Everest và nỗ lực thầm lặng của họ đã giúp vô số tay nghiệp dư chinh phục được đỉnh núi.
Trong cộng đồng leo núi, người ta rỉ tai nhau rằng nếu có đủ tiền, một Sherpa có thể cõng anh từ chân lên đỉnh núi. Câu nói đùa này cho thấy một sự thật là các Sherpa vô cùng quan trọng. Họ là linh hồn, là sự sống trong hành trình chinh phục Everest đầy những rủi ro và hiểm nguy khôn lường.
Sẽ tiếp tục “khiêu vũ với tử thần”
Người Sherpa biết rõ rủi ro đang chờ đón họ, nhưng vẫn phải đi làm để kiếm tiền. "Đây là công việc của chúng tôi. Luôn luôn có rủi ro trong nghề này" - Lakpa Sherpa, người mất một họ hàng trong vụ lở tuyết nói.
Được biết mỗi vận động viên leo núi thường trả từ 35.000 USD tới 90.000 USD cho các công ty tổ chức hoạt động chinh phục đỉnh Everest, bên cạnh số tiền 5.000 USD trả riêng cho các Sherpa phục vụ họ. Đây là khoản thu nhập khổng lồ ở đất nước có thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chỉ 500 USD.
Năm nay là lần thứ 4 Pemba lên Everest. Anh nói rằng leo núi là kỹ năng giỏi nhất của mình và thu nhập đủ cho anh trang trải cuộc sống. Với Pemba, chương đen tối vừa diễn ra trên Everest sẽ vĩnh viên ghi dấu trong tâm trí.
Nhưng anh vẫn sẽ trở lại ngọn núi đầy ám ảnh này vào năm tới, bất chấp việc nó đã cướp đi mạng sống rất nhiều bạn bè của anh. Pemba thổ lộ rằng anh sẽ chỉ leo núi thêm 2 lần nữa, không hơn. "Sau rốt, anh không thể đánh lừa được tử thần quá nhiều lần" - Pemba chia sẻ.
“Không có những người Sherpa, sẽ có rất ít cá nhân lên được đỉnh Everest. Thiếu họ, hoạt động chinh phục thương mại đỉnh núi này sẽ biến mất" - đó là lời của bà Elizabeth Hawley, người lưu giữ kỷ lục leo núi ở dãy Himalaya, nói với hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha. |
Tường Linh (Theo Gulfnews)
Thể thao & Văn hóa