Đổi giờ, cấm trông xe: Hà Nội có gì khác?
|
Ngõ nhỏ, phố nhỏ… oằn mình
Nghi ngờ về hiệu quả của các giải pháp trên xuất hiện sau đúng một tuần Hà Nội thay đổi giờ học, giờ làm khi “thay đổi lại phải đổi thay” theo đó, học sinh không phải “cày” đến 19h như yêu cầu ban đầu. Nói như TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên KTS trưởng TP Hà Nội thì việc điều chỉnh lại giờ học của khối THPT chứng tỏ rằng các nhà quản lý nhạy bén, biết nhận thức vấn đề để xử lý, nhưng cũng cho thấy quyết sách đó thiếu cơ sở khoa học, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng. “Quan điểm bất hợp lý hiện nay là đưa người dân ra để ứng dụng các quyết định chưa thực sự đủ căn cứ, nên đã tác động lớn đến đời sống”, ông Nghiêm trao đổi với PV Báo GĐ&XH về thực trạng giao thông Hà Nội như vậy.
Có thể nói, với hình ảnh phố phường Hà Nội vào giờ cao điểm sau hơn 1 tháng thực thi Quyết định 315 của UBND thành phố, thực tế đã chứng minh rằng “kế sách” đổi giờ học, giờ làm không tạo ra chuyển biến rõ rệt về giao thông. Các tuyến phố như Ô Chợ Dừa, Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Xã Đàn, Trường Chinh, Tây Sơn… vẫn ùn tắc nghiêm trọng vào các khung giờ 6h30-8h và 17h30-19h hàng ngày. Nhiều cuộc họp tổng kết, đánh giá của Hà Nội được triển khai. Bộ GD&ĐT thì gửi công văn “thúc” các trường ĐH, CĐ và TCCN trên địa bàn Hà Nội thực hiện nghiêm quy định của thành phố, góp phần tránh ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Song, người dân Thủ đô vẫn phải căng đầu, căng sức “đối phó” với giao thông mỗi lúc đi làm, mỗi khi tan sở - như chưa hề có “sự kiện” gì xảy ra trong tháng Hai.
Nửa tháng sau khi quyết định đổi giờ có hiệu lực, Hà Nội ra quyết định cấm trông giữ xe trên 262 tuyến phố. Kế sách này nhận được nhiều đồng thuận lẫn phản ứng của dư luận. Sự thực là vỉa hè một số tuyến phố trung tâm của các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình đã được giải phóng, trả lại cho người đi bộ. Nhưng vấn đề nảy sinh là, do thành phố chưa có phương án xử lý “giao thông tĩnh” nên người dân càng loay hoay không biết gửi xe ở đâu. Những điểm trông xe nhỏ lẻ trong các phố, ngõ, thậm chí là… hẻm mọc lên nhiều và thu với giá “cắt cổ”, thế chỗ cho các điểm đã bị thu hồi trên phố chính. Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc phố Bà Triệu – cấm trông giữ xe cả trên vỉa hè, lòng đường – một số đoạn tái diễn tình trạng trông xe tự phát khi vắng mặt các lực lượng chức năng. Các con phố nhỏ giao cắt với phố Bà Triệu được khai thác một cách tối đa, đặc biệt là tại những địa điểm tập trung đông người như Viện Mắt Trung ương, khu thương mại Vincom… Những “ngõ nhỏ, phố nhỏ” giao cắt với Bà Triệu như Đội Cung, Tô Hiến Thành, Tuệ Tĩnh… oằn mình gánh một lượng lớn xe máy, ôtô, hầu như không còn vỉa hè nào trống trải. Tình trạng này xuất hiện ở nhiều tuyến phố khác bị cấm trông giữ trên cả vỉa hè lẫn lòng đường.
“Ma trận” nan giải
Những bất cập của Hà Nội liên quan đến tắc đường và giao thông tĩnh đang “phả hơi nóng” vào các nhà quản lý, tổ chức giao thông. Đây là hậu quả của cả một quá trình phát triển thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định rằng, đây hệ quả của quá trình phát triển, vai trò của nhà quản lý, vấn đề định hướng tổ chức giao thông và sau cùng mới là ý thức người dân. “Trách nhiệm của chính quyền là phải gia tăng tỷ trọng đường giao thông nhưng đã không làm được. Trong các quy hoạch được phê duyệt đều khẳng định đất tự nhiên dành cho giao thông phải từ 20% đến 25% nhưng thực chất chỉ được khoảng 9%. Hà Nội hiện nay có tầm 3,8 triệu chiếc xe máy, khoảng 400.000 ô-tô, 1 triệu xe đạp, nhưng chỉ có khoảng 7.000 tuyến xe buýt hoạt động. Tất cả lưu thông trên 9% diện tích đất đai”, ông Nghiêm phân tích.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, phải có cách nhìn đồng bộ, phải thấy được ma trận của giao thông hiện nay để giải quyết đồng loạt các vấn đề, tất nhiên có thứ tự ưu tiên: “Thứ nhất chúng ta phải nhận về công tác quản lý, sau đó mới xem xét các yếu tố khác. Các nhà hoạch định chính sách phải làm được việc ấy. Phải nhanh chóng mở đường, gia tăng các bãi đỗ xe, quản lý khai thác sử dụng, giảm phương tiện giao thông, gia tăng phương tiện công cộng”. Ngoài ra, theo ông Nghiêm, Hà Nội cần có một chính sách đặc thù, nếu không thì khó có thể giảm gia tăng dân số cơ học, đầy lùi nạn ùn tắc giao thông.