'Đội bóng Thiếu Lâm' và 'Tuyệt đỉnh Kung Fu' của Châu Tinh Trì đã thay đổi cục diện phim võ thuật như thế nào?
Đội bóng Thiếu Lâm (Shaolin Soccer – 2001) và Tuyệt đỉnh Kung Fu (Kung Fu Hustle - 2004) của Châu Tinh Trì (Stephen Chow) được coi là những bộ phim hài vui nhộn nhưng chúng cũng là những tác phẩm sáng tạo trong thể loại võ thuật.
Châu Tinh Trì - fan hâm mộ Lý Tiểu Long từ khi được cha mẹ đưa đi xem Tinh võ môn (Fist of Fury – 1972) khi còn nhỏ - đã đưa hình ảnh do máy tính tạo ra (CGI) vào kung fu theo cách mở rộng tiềm năng của thể loại này thay vì lấn át nó. Khi làm như vậy, anh đã tạo ra một thể loại phim võ thuật mới.
Mặc dù mang tính chất hài hước nhưng cả hai bộ phim đều tuân thủ các nguyên tắc chỉ đạo của võ thuật.
Ví dụ, Đội bóng Thiếu Lâm thể hiện khái niệm Thiếu Lâm rằng võ thuật chủ yếu là để phát triển thể chất và tinh thần hơn là chiến đấu.
Trong khi đó, Tuyệt đỉnh Kung Fu thậm chí còn có sự tham gia của các nghệ sĩ biểu diễn từ thời hoàng kim của thể loại này vào những năm 1970, qua đó càng làm nổi bật di sản của nó.
Trong Đội bóng Thiếu Lâm, Châu Tinh Trì đóng vai một chuyên gia kung fu Thiếu Lâm - người dẫn dắt một đội võ sĩ giành chiến thắng trong một giải đấu bóng đá.
Sự kết hợp giữa kung fu, bóng đá và các hiệu ứng đặc biệt tiếp thêm sinh lực cho người xem.
Cả hai bộ phim đều được hưởng lợi từ việc có hai nhà biên đạo võ thuật huyền thoại thiết kế các pha hành động: Trình Tiểu Đông (Tony Ching Siu-tung) trong Đội bóng Thiếu Lâm và Viên Hòa Bình trong Tuyệt Đỉnh Kung Fu.
Mỗi võ sĩ trong đội bóng của Đội bóng Thiếu Lâm mang đến một phong cách đặc biệt cho trò chơi.
Châu Tinh Trì từng nói với Kung Fu Magazine: "Khả năng võ thuật của mỗi diễn viên được quyết định bởi vị trí mà họ chơi trong đội.
Thủ môn là người cần bắt và lấy bóng, vì vậy việc chọn một phong cách kung fu yêu cầu sử dụng tay là điều đương nhiên.
Bạn sử dụng toàn bộ cơ thể của mình trong bóng đá, vì vậy bạn có thể chọn một kỹ năng võ thuật liên quan cụ thể đến bàn chân hoặc một phần khác của cơ thể và phù hợp với các cầu thủ ở các vị trí bóng đá trên sân".
Chuyên gia về phim châu Á Frank Djeng cho biết Châu Tinh Trì sử dụng các hình thức võ thuật truyền thống làm cơ sở, và sau đó để trí tưởng tượng của mình bay xa.
"Đội bóng Thiếu Lâm một phần dựa trên bộ truyện tranh Nhật Bản cực kỳ nổi tiếng Captain Tsubasa.
Vì vậy, có một điều chắc chắn là võ thuật được mô tả trong phim sẽ không phải là loại truyền thống, mà là lấy cảm hứng từ anime/manga và được tăng cường đáng kể bởi hiệu ứng hình ảnh. Chúng chứa đầy CGI và những động tác bất chấp vật lý" - Djeng lưu ý.
"Các pha hành động võ thuật truyền thống thực sự hầu như không có, vì khả năng giống như siêu năng lực của cả người tốt và kẻ xấu đều được mô tả thông qua hệ thống dây và hiệu ứng hình ảnh.
Ví dụ, thủ môn giống Lý Tiểu Long của Trần Quốc Khôn (Danny Chan Kwok-kwan) có thể biến một quả bóng nhanh dữ dội thành một con báo hung dữ! Đó là sự pha trộn tuyệt vời giữa chiến thuật bóng đá trong thế giới thực và hành động giả tưởng giống như trò chơi điện tử" - Djeng nói.
Tim Youngs - chuyên gia về phim Hong Kong (Trung Quốc) có trụ sở tại Brisbane, Australia, cho biết Châu Tinh Trì muốn Đội bóng thiếu lâm và Tuyệt đỉnh Kung Fu có diện mạo mới để giúp giành lại người xem cho các bộ phim Hong Kong.
"Vào cuối những năm 1990, điện ảnh Hong Kong thường xuyên bị chế giễu ở quê nhà là rẻ tiền và kém chất lượng, và thay vào đó, khán giả ngày càng chọn phim Hollywood.
Các nhà làm phim Hong Kong thử sức với những hình ảnh sử dụng nhiều CGI để thu hút khán giả và Châu Tinh Trì đã dành thời gian của mình để tìm ra những cách sử dụng công nghệ thông minh tại địa phương, đầu tiên sử dụng nó để kết hợp võ thuật và thể thao cho Đội bóng Thiếu Lâm, sau đó cập nhật điện ảnh cổ điển cho Tuyệt đỉnh Kung Fu" - Youngs nói.
Châu Tinh Trì cũng để mắt đến khán giả quốc tế. "Tăng cường khía cạnh võ thuật của mọi thứ là một điểm cộng lớn, vì điện ảnh kung fu có sẵn lượng khán giả trên toàn thế giới," Youngs nói.
Các phim trước đó của Châu Tinh Trì có thể bị gấp rút... Nhưng Đội bóng Thiếu Lâm và Tuyệt đỉnh Kung Fu là kết quả của rất nhiều sự chuẩn bị.
Miramax đã làm hỏng việc phát hành phim Đội bóng Thiếu Lâm ở Hoa Kỳ nhưng Columbia - hãng phim Mỹ đồng sản xuất Tuyệt đỉnh Kung Fu - đã làm việc chăm chỉ để biến bộ phim này thành công ở xứ cờ hoa.
Tuyệt đỉnh Kung Fu là một sự tôn vinh thể loại võ thuật. Châu Tinh Trì đã muốn trở thành một võ sĩ khi còn nhỏ, và đã được đào tạo về kung fu phái vịnh xuân dưới sự hướng dẫn của võ sư nổi tiếng Hoàn Thuần Lương (Wong Shun-leung) trong 3 tháng nhưng anh không đủ khả năng để tiếp tục các bài học của mình.
Mặc dù trước đây Châu Tinh Trì từng làm những bộ phim kung fu chuyển thể từ truyện tranh như Royal Tramp, nhưng anh cảm thấy rằng Tuyệt đỉnh Kung Fu đã cho anh cơ hội để trở thành một ngôi sao kung fu thực thụ.
Những bộ phim này đã làm nên tên tuổi của Châu Tinh Trì trước Đội bóng thiếu lâm, Tuyệt đỉnh Kung Fu
Bộ phim tập trung vào một khu chung cư lớn theo phong cách những năm 1950, trong đó cư dân phải tự bảo vệ mình trước một băng đảng cầm rìu.
"Tôi lớn lên ở một nơi như thế" - Châu Tinh Trì nói trong ghi chú sản xuất. "Bạn nghĩ rằng bạn biết mọi thứ về khu vực lân cận nhưng có nhiều điều ẩn giấu dưới bề mặt.
Một ngày nọ, tôi phát hiện ra rằng một người hàng xóm của mình là một võ sư. Tôi gọi ông ấy là 'chú già', và chưa bao giờ tưởng tượng ông là một bậc thầy vĩ đại - nhưng ông là như vậy".
Châu Tinh Trì mời một số bậc thầy võ thuật tham gia phim Tuyệt đỉnh Kung Fu, như nam diễn viên đáng kính Nguyên Hoa đóng vai chủ nhà, và bà chủ nhà - thường được thể hiện trong bộ đồ uốn tóc và nhai điếu thuốc - do Nguyên Thu đóng - một nữ diễn viên võ thuật từng được đào tạo kinh kịch tại Học viện Hí kịch Trung Quốc.
Nguyên Thu đã không đóng phim trong gần 20 năm, và Tuyệt đỉnh Kung Fu tái tạo sự nghiệp của bà.
Nam diễn viên võ thuật nổi tiếng Phùng Khắc An (Fung Hak-on) thì hóa thân thành người chơi đàn tam thập lục đầy sát khí.
Trong khi đó, Lương Tiểu Long (Bruce Leung Siu-lung) - người tự cho mình là một bản sao của Lý Tiểu Long - vào vai một nhân vật phản diện được gọi là Beast.
"Tuyệt đỉnh Kung Fu vinh danh nhiều cựu binh phim kung fu nổi tiếng từ những năm 1970 bằng cách giới thiệu các diễn viên và ngôi sao đều là những võ sĩ thực thụ" - Djeng nói.
Châu Tinh Trì cho biết ông lấy ý tưởng cho các cảnh hành động từ ký ức của mình về phim truyền hình Hong Kong thập niên 1960. Nhưng hành động trong Tuyệt đỉnh Kung Fu thay đổi" - Djeng lưu ý.
Hồng Kim Bảo - biên đạo võ thuật ban đầu của bộ phim - đã rời khỏi dự án này sau khi biên đạo các pha hành động cho phần 3 đầu tiên của bộ phim, do bất đồng với Châu Tinh Trì về phong cách võ thuật mà bộ phim thể hiện khi tiến triển.
Djeng nói: "Trong tất cả các cảnh chiến đấu cho đến trận giao hữu giữa Triệu Trí Linh (Chiu Chi-ling), Dung Chi-wa và Thích Ngạn Năng (Xing Yu), võ thuật thực sự của Trung Quốc đều được thể hiện, chỉ với một chút trợ giúp về dây.
Sau khi Viên Hòa Bình đảm nhận biên đạo hành động, có một sự thay đổi rõ ràng và hiển nhiên trong cách thể hiện võ thuật trên màn ảnh - chúng chuyển hướng sang siêu nhiên và giả tưởng, với sự hỗ trợ của hiệu ứng hình ảnh" " - Djeng nói.
"Có một sự chuyển đổi rõ ràng về phong cách võ thuật từ võ thuật 'thế giới thực' truyền thống hơn do Hồng Kim Bảo biên đạo,trong khi Viên Hòa Bình lại thể hiện nhiều phong cách khác nhau với võ thuật 'hư cấu' hơn" - Djeng nói.
Mặc dù cả hai bộ phim đều ăn khách, Châu Tinh Trì đã giảm sản lượng làm phim sau khi phát hành Tuyệt đỉnh Kung Fu và không tung ra phim nào khác cho đến Siêu khuyển thần thông (CJ7 – 2008).
"Một phần là do Châu Tinh Trì chỉ đạo diễn phim của chính mình và không đóng phim của các đạo diễn khác" - Youngs nói. "Nhưng điện ảnh Hong Kong nói chung cũng đang chững lại, cùng với nhu cầu về khung thời gian dài hơn khi thực hiện các xuất phẩm kinh phí lớn.
Các phim trước đó của Châu Tinh Trì có thể được gấp rút từ ý tưởng đến phát hành, với việc viết kịch bản thậm chí còn diễn ra trên trường quay.
Nhưng Đội bóng Thiếu Lâm và Tuyệt đỉnh Kung Fu là kết quả của rất nhiều sự chuẩn bị, và Châu Tinh Trì đã giữ cách tiếp cận đó kể từ đó.
"Những bộ phim nổi tiếng gần đây của anh, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện (2013) và Mỹ nhân ngư (2016), cũng mang đậm cách tiếp cận mà anh đã mài dũa với hai bộ phim trước đó" – theo Youngs.