Đòi ân xá cho các hiệp sĩ thời Thập tự chinh
(TT&VH) - Các hậu bối của những hiệp sĩ Templar vừa lên tiếng yêu cầu giới chức nhà thờ đưa ra lời xin lỗi vì đã sát hại thủ lĩnh cuối cùng của họ vào thế kỷ 14. Vụ việc đã thu hút sự chú ý của dư luận, đồng thời khơi gợi lại bức màn bí ẩn xung quanh các hiệp sĩ từng rất nổi tiếng trong thời Trung cổ ở châu Âu.
Jacques de Molay, vị thủ lĩnh cuối cùng của Tổ chức các hiệp sĩ Templar, những chiến binh - tu sĩ đã sống, chiến đấu và ngã xuống trong những cuộc Thập tự chinh, bị hành hình ở Pháp vào năm 1314 vì các cáo buộc dị giáo và ma thuật hắc ám.
Một lệnh ân xá sau hàng trăm năm oan ức
Cái chết của vị thủ lĩnh này nằm trong một chiến dịch bôi nhọ và trấn áp do vua Philip IV của Pháp dàn dựng. Philip IV đã bắt đầu tỏ ra nghi ngại sức mạnh của các hiệp sĩ Templar và ghen tị với sự giàu có của họ, nên phải dùng thủ đoạn để tiêu diệt đối thủ.
Dù vua Pháp là người đã ra lệnh giết Moley nhưng trong hàng thế kỷ, các hiệp sĩ Templar và hậu duệ của họ vẫn cáo buộc giới chức nhà thờ ở Roma có phần trách nhiệm không nhỏ. Họ nói rằng Giáo hoàng Clement V đã khởi xướng một cuộc điều tra vào Tổ chức các hiệp sĩ Templar, khiến nhiều người trong số họ bị đưa ra những phiên tòa xét xử dị giáo và cuối cùng dẫn tới việc tổ chức bị giải tán.
Đầu thế kỷ 19, Tổ chức các hiệp sĩ Templar đã tái sinh trong vai trò một cơ quan từ thiện và hiện có nhiều chi nhánh nằm trên khắp thế giới. Nhằm lấy lại thanh danh cho các tiền bối, chi nhánh ở Italia đã viết đơn kiến nghị gửi lên Giáo hoàng Benedict XVI, kêu gọi nhà thờ ban lệnh ân xá cho Molay và thừa nhận ông này chỉ là nạn nhân của các cáo buộc sai trái.
“Việc giới chức nhà thờ có sự liên đới trong chuyện này bởi Clement V, người là Giáo hoàng khi đó, đã chịu sức ép lớn từ vua Philip” - Walter Grandis, 64 tuổi, người lãnh đạo Tổ chức các hiệp sĩ Templar ở Italia, cho tờ Telegraph biết - “Đây là một tội ác và chúng tôi đang đề nghị Molay được ân xá để có thể mở ra một trang mới trong lịch sử của mình”.
Những huyền thoại và bí ẩn xung quanh các hiệp sĩ Templar
khiến dư luận vẫn mê mẩn họ sau hàng thế kỷ
Tổ chức hiệp sĩ hùng mạnh
Sau khi cuộc Thập tự chinh đầu tiên diễn ra vào năm 1099 thành công và các đạo quân Thập tự đã chiếm được Jerusalem, nhiều người theo Thiên Chúa giáo đã hành hương đến mảnh đất này, nơi họ gọi là Thánh địa.
Tuy nhiên, dù thành phố Jerusalem đã thuộc kiểm soát của quân Thập tự và trở nên an toàn tương đối, phần còn lại của Outremer (tên người châu Âu gọi các thành bang họ chiếm được trong cuộc Thập tự chinh) thì lại không như vậy. Có rất nhiều các băng nhóm kẻ cướp hoạt động ở vùng biên và khách hành hương thường xuyên bị tàn sát, có những lúc đến hàng trăm người, khi họ cố gắng đi từ bờ biển Jaffa vào vùng đất Thánh.
Khoảng năm 1119, hai cựu chiến binh của cuộc Thập tự chinh thứ nhất, hiệp sĩ người Pháp Hugues de Payens và người họ hàng Godfrey de Saint-Omer, đã đề nghị thành lập một tổ chức quân sự tu viện để bảo vệ người hành hương. Vua Jerusalem Baldwin II đã chấp thuận yêu cầu này, và cho họ đặt tổng hành dinh ở núi Đền, trong nhà nguyện Al Aqsa. Núi Đền có một bí ẩn, trong đó người ta tin rằng nó nằm trên tàn tích của Đền thờ Solomon. Những người lính Thập tự vì thế đã gọi thánh đường Al Aqsa là Đền thờ Solomon. Đây cũng là cơ sở để hội các chiến binh kể trên tự nhận mình là Các hiệp sĩ nghèo của Chúa Kitô và đền Solomon, hay còn gọi là Tổ chức các hiệp sĩ Templar.
Tổ chức ban đầu chỉ có 9 hiệp sĩ, rất ít nguồn lực tài chính và phải dựa vào sự quyên góp để tồn tại. Nhưng họ nhanh chóng giành được sự ủng hộ từ Thánh Bernard vùng Clairvaux, một người có vị trí cao trong Giáo hội. Ông này là người đã tác động mạnh để các hiệp sĩ Templar chính thức được giới chức Nhà thờ công nhận sự tồn tại vào năm 1129. Với việc nhận sự ủng hộ từ Giáo hội, các hiệp sĩ Templar được cấp tiền bạc, đất đai, hoạt động làm ăn và cả những thanh niên quý tộc trẻ khỏe để bổ sung lực lượng.
Năm 1139, Giáo hoàng Innocent II tiếp tục ban sắc lệnh mới trong đó miễn cho các hiệp sĩ Templar phải phục tùng pháp luật của chính quyền địa phương (tức là độc lập với giới lãnh đạo các thành bang Thập tự chinh). Họ cũng có quyền đi qua mọi biên giới tự do, không phải trả bất kỳ khoản thuế nào và được miễn trừ với tất cả các cơ quan quyền lực, ngoại trừ sự phán quyết do Giáo hoàng đưa ra.
Kể từ đây, Tổ chức Templar đã phát triển vô cùng nhanh chóng. Từ chỗ bảo vệ người hành hương, các hiệp sĩ Templar đã trở thành lực lượng xung kích trong nhiều trận đánh quan trọng của quân Thập tự, bởi họ được trang bị ngựa chiến khỏe và giáp nặng. Đội hình tấn công của các hiệp sĩ Templar khi lao hết tốc lực vào đối phương có thể khiến địch thủ nhanh chóng tan rã. Một trong những chiến thắng nổi tiếng nhất của họ là trận Montgisard vào năm 1177, tại đó khoảng trên dưới 500 hiệp sĩ Templar đã giúp vua Baldwin IV đánh bại quân đội hơn 26.000 binh sĩ của địch.
Tranh vẽ mô tả lại cuộc hành hình các lãnh đạo
Hội Hiệp sĩ Templar trong thời trung cổ
Bị ám hại vì quá giàu và nhiều ảnh hưởng
Mặc dù mục đích chính của Tổ chức các hiệp sĩ Templar là quân sự, nhưng chỉ một vài thành viên trong số họ là những chiến binh. Những người khác hoạt động ở các vị trí để hỗ trợ các hiệp sĩ và để quản lý cơ sở hạ tầng tài chính. Dựa trên kết hợp từ các khoản đóng góp và từ kinh doanh, Tổ chức Hiệp sĩ Templar ngày càng lớn mạnh và đã có lúc họ sở hữu toàn bộ đảo Síp, thậm chí có người ví von họ giống như một tập đoàn đa quốc gia đầu tiên của thế giới.
Khi các hiệp sĩ Templar tăng cường ảnh hưởng và sự giàu có, cũng là lúc họ đối mặt với nhiều kẻ thù mạnh mẽ, nổi tiếng nhất là vua Philip IV ở Pháp. Philip ghen tị với sự giàu có của các hiệp sĩ do ông ta đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Ông ta nảy sinh ý định chiếm đất đai của họ, như cách để cứu hoàng gia Pháp khỏi cảnh phá sản.
Sử sách nói rằng Philip đã lợi dụng những đồn đoán xung quanh các nghi lễ bí mật của các hiệp sĩ Templar để kết tội họ hoạt động dị giáo. Kết quả là mọi hiệp sĩ Templar sống ở Pháp bị bắt vào bình minh thứ Sáu ngày 13/10/1307 và bị buộc nhiều tội từ thông dâm, phù thủy, dị giáo tới tham nhũng. Thứ Sáu ngày 13 về sau cũng được xem là biểu tượng kém may mắn ở phương Tây.
Các hiệp sĩ bị bắt đã bị đưa đi tra tấn và nhục hình khiến họ phải nhận các tội danh bản thân không thực hiện. Những lời khai này đã được Philip dùng để vấy bẩn hình ảnh của các hiệp sĩ Templar. Giáo hoàng Clement V khi đó bắt đầu can thiệp và theo các sử gia Vatican, đã cố cứu các hiệp sĩ Templar ở Pháp. Năm 1308, ông đã có hành động ân xá cho một nhóm các hiệp sĩ cao cấp và đảo ngược tội dị giáo của họ. Nhưng năm 1312, trước sức ép tới từ Pháp, Giáo hoàng đã phải giải tán hội Templar và ra lệnh bắt tất cả các thành viên còn sống sót. Ngay sau đó, tất cả các lãnh đạo còn lại của Templar ở Pháp đều bị hành quyết, gồm Jacques de Molay, người bị thiêu tới chết vào năm 1314.
Di sản còn lại
Các hiệp sĩ Templar bị xóa sổ, nhưng di sản họ để lại vẫn còn nguyên, gồm rất nhiều bí ẩn liên quan tới bản thân họ. Người ta đồn rằng các hiệp sĩ Templar đã tham gia vào việc gìn giữ Chén Thánh, bảo vệ tấm vải liệm Turin trong hàng thế kỷ và cũng chính họ đã tìm thấy chiếc rương đựng pháp điển.
Những huyền thoại kiểu này khiến các hiệp sĩ Templar vẫn là đề tài khiến dư luận say mê, dù đã nhiều thế kỷ trôi qua kể từ biến cố kinh hoàng khiến họ bị tiêu diệt.
Sau này, khi âm mưu của Philip bị phanh phui, giới chức Nhà thờ vẫn chưa một lần đưa ra lời xin lỗi vì việc đã tham gia vào cuộc đàn áp Hội các hiệp sĩ Templar. Được biết, đơn xin ân xá và lời xin lỗi chính thức đã được chuyển tới cho tiến sĩ Guzman Carriquiry Lecour, người hiện là Phó phụ trách Hội đồng Tòa thánh đặc trách về giáo dân ở Vatican. Một phát ngôn viên Vatican cho biết họ đang xem xét đề nghị trên và sẽ sớm có câu trả lời trong thời gian tới.
Tường Linh