Đọc ‘Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật’: Khi đồ vật tái hiện nên lịch sử
Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật (Nhà xuất bản Tri Thức và Omega Plus ấn hành) là cuốn sách để tác giả Neil MacGregor (nguyên giám đốc Bảo tàng Anh) tái hiện lại quá trình phát triển của loài người ,thông qua nhiều hiện vật vô giá tiêu biểu.
Có lẽ không quá lời nếu nói rằng: các đồ vật chính là những "nhân chứng sống" của lịch sử. Thông qua sự tồn tại của mình, các đồ vật sẽ lần lượt kể cho thế hệ sau nghe nhiều câu chuyện lý thú về từng thời đại đã qua, theo cách trực quan sinh động nhất mà không phải thốt lên một lời nào. Các đồ vật chính là chỉ dấu từ quá khứ, mang thông điệp gửi gắm đến tương lai.
Đồ vật là yếu tố cấu thành nên thế giới vật chất
Đồ vật là những thứ do con người chế tạo và sử dụng. Thế giới vật chất mà con người đang sống là thế giới được cấu thành từ các đồ vật ấy. Mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên, mối quan hệ giữa con người với đời sống xã hội luôn là những chủ đề hấp dẫn được quan tâm đặc biệt, song mối quan hệ giữa con người với các đồ vật mình sử dụng lại hay bị bỏ qua, hoặc chí ít thì ai cũng xem đó là một chủ đề khá giản đơn, quá tầm thường và không có gì đáng chú ý. Thế nhưng, hình ảnh con người lại được phản ánh rõ nét nhất, chi tiết nhất, chân thật nhất trên chính các đồ vật mình sử dụng, từ vóc dáng, nghề nghiệp, thói quen đến tình trạng sức khỏe lẫn điều kiện kinh tế.
Nói cách khác: đồ vật là dấu mốc của nền văn minh đương thời, bao gồm cả văn minh tinh thần lẫn văn minh vật chất.
Thế giới đồ vật là một lát cắt không gian và thời gian. Quan sát lát cắt ấy, bao nhiêu sự thật của một thời đại đã chìm sâu trong bụi mù năm tháng sẽ dần dần hé lộ, giống như khi ta soi một tiêu bản lát cắt ở dưới kính hiển vi. Lịch sử loài người hiện ra từ các đồ vật do loài người chế tạo và sử dụng, có khi đó mới là lịch sử khách quan và chính xác.
Jacques-Bénigne Bossuet từng nói: "Từ ngày có những nhà viết sử thì không còn sử nữa". Bossuet hoàn toàn có lý khi khẳng định như thế! Bởi lịch sử thành văn được viết dưới ngòi bút của sử gia là lịch sử đã đi qua bộ lọc, tính khách quan đã mất bớt ít nhiều, độ chính xác vẫn cần phải kiểm chứng. Chỉ có những đồ vật hiện diện trong im lặng mới cất lên tiếng nói trung thực nhất! Tất nhiên là cho người nào biết lắng nghe và hiểu thấu.
Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật: Đây là lúc bí ẩn được vén màn!
Vào năm 2010, BBC Radio 4 hợp tác với Bảo tàng Anh thực hiện loạt chương trình phát thanh gồm 100 phần, nội dung do chính giám đốc Bảo tàng Anh là Neil MacGregor chấp bút và trình bày. Nguyên tắc của chương trình do người phụ trách BBC Radio 4 là Mark Damazer đưa ra. Rất đơn giản: các đồng sự của bảo tàng và nhà đài sẽ lựa chọn 100 hiện vật từ bộ sưu tập của Bảo tàng Anh và sắp xếp theo niên đại, từ khởi nguồn lịch sử nhân loại cho đến tận bây giờ. Những hiện vật đó phải bao quát toàn bộ thế giới, phân bố đều hết mức có thể, đề cập đến càng nhiều khía cạnh thực tiễn trong trải nghiệm của nhân loại càng tốt, kể cho chúng ta nghe về mọi mặt của đời sống xã hội, chứ không riêng gì giới quyền quý giàu sang. Bởi thế, 100 hiện vật ấy bao gồm cả những món đồ giản dị trong đời sống thường nhật lẫn những tác phẩm nghệ thuật lớn lao.
Tác phẩm Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật của Neil MacGregor được xuất bản ngày 28/10/2010 chính là bản ghi chép nội dung chương trình ấy. Và hôm nay, bản dịch tiếng Việt đã có mặt ở Việt Nam!
Khi giở từng trang sách và thưởng thức, độc giả sẽ tham gia vào một chuyến du hành vượt thời gian và không gian. Xuất phát từ thời kỳ Đồ Đá tại hẻm núi Olduvai thuộc châu Phi, chúng ta cùng ghé thăm Bắc Mỹ và đi săn voi mammoth, rồi bay ngang Thái Bình Dương tới Trung Hoa để lắng hồn trong không khí lễ nhạc đầy trang nghiêm, tiếp đến thì lần lượt qua Pakistan, Ấn Độ, Iran để tìm hiểu xem các đức tin lớn trên thế giới đã trỗi dậy như thế nào, sau đó lên tàu chiến cơ khí mà ngao du khắp các đại dương, tham quan Tân Thế giới và lắng nghe giai điệu da diết của nhạc jazz thuở sơ khai, và cuối cùng là quay trở về thời hiện đại, kết thúc chuyến du hành dưới ánh đèn năng lượng mặt trời.
Vậy là mọi bí ẩn sau tấm màn lịch sử gần như đã được bạn khám phá hết!
Với cách tiếp cận độc đáo và táo bạo, dùng chính những đồ vật đã định hình các nền văn minh để khám phá các nền văn minh, Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật của Neil MacGregor đã thực hiện một bước tiến đột phá trong nghiên cứu lịch sử. Lịch sử mà Neil MacGregor đưa ta đến là thế giới muôn màu của chiếc kính vạn hoa, luôn chuyển động không ngừng và liên kết chặt chẽ với nhau qua từng mảnh ghép, dẫn ta đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, bằng những hình ảnh rất bất ngờ mà khó ai có thể tưởng tượng ra. Cuộn giấy cói Rhind cho ta thấy trình độ toán học của người Ai Cập cách đây 3500 năm đã phát triển đến mức độ nào, âu tế bằng đồng thời nhà Chu ở Trung Hoa mời ta dự một bữa tiệc tâm linh kết nối hai cõi âm và dương, cột đá Ashoka kể ta biết tiếng lòng của một hoàng đế vĩ đại đã bước ra khỏi biển máu chiến tranh và tha thiết hướng về Phật pháp, những mảnh bích họa về hậu cung tại Iraq dắt ta vào khu điện các tráng lệ và xa hoa của vùng đất Nghìn lẻ một đêm, chiếc đĩa Cách mạng Nga đưa ta xem khung cảnh của xứ sở bạch dương trong thời kỳ khói lửa đầy gian nan nhưng cũng rất hào hùng… Và còn vô số câu chuyện hấp dẫn khác đang chờ bạn lật mở.
Tất nhiên, chỉ 100 hiện vật thôi thì chưa đủ để tái hiện lịch sử thế giới chi tiết đến từng ngóc ngách, nhưng đó đã là một bức tranh toàn diện nhất có thể, gần như bao quát mọi lĩnh vực cốt yếu của lịch sử như chiến tranh và chính trị, thương mại và ngoại giao, tôn giáo và thần thoại, khoa học và phát minh, ẩm thực và giải trí.
Giải mã thông điệp từ quá khứ để hiểu rõ hiện tại và tương lai
Lịch sử thế giới do mọi dân tộc trên thế giới cùng tạo ra. Tuy trình độ phát triển chẳng giống nhau, song mọi địa điểm trên Trái Đất đều giữ một vai trò nhất định trong dòng chảy của năm tháng. Tuy danh tiếng, sự nghiệp chẳng giống nhau, song mọi con người trên trần thế đều giữ một vị trí nhất định giữa biến động của nhân sinh. Cuốn sách này không tập trung vào mảnh đất từng nảy sinh nền văn minh rực rỡ, không chú trọng các đô thành sầm uất từng nhộn nhịp giao thương, không ưu ái những nhân vật lẫy lừng từng làm mưa làm gió trên khắp chốn, mà tất cả đều được xem như chỉ dấu của thời gian. Ở đây, lịch sử được tái hiện thật nhẹ nhàng và sinh động, bằng những đồ vật thân quen với mọi người, chứ không phải thứ gì đó quá thần bí và độc lạ, kiểu như lưỡi tầm sét của Zeus hay cái trống Āṇaka của Dasārahāna.
Đọc Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật và giải mã thông điệp từ quá khứ, chúng ta không còn thấy lạ lẫm với những gì đang diễn ra ngay lúc này.
Như trống khe Sudan kể với ta rằng, Sudan từng bị cai trị như một lãnh thổ của Anh - Ai Cập từ năm 1899 tới khi giành độc lập vào năm 1956. Trong thời gian đó, Anh đã chia quốc gia này thành hai khu vực tách biệt là miền Bắc theo Hồi giáo và miền Nam theo Kitô giáo. Sau khi độc lập, Sudan phải vật lộn suốt nhiều thập niên nội chiến và bạo lực giữa các phe phái, gây tổn thất lớn về sinh mạng. Cuối cùng, lời đề nghị ly khai hòa bình được đưa ra. Cuốn sách này xuất bản cuối năm 2010, kết quả trưng cầu dân ý độc lập miền Nam Sudan thì công bố vào đầu năm 2011. Những ai đã đọc tác phẩm ngay khi vừa ra mắt, lúc nghe tin Nam Sudan tuyên bố độc lập chắc hẳn không hề thấy bất ngờ.
Quá khứ là những gì đã xảy ra, không sao thay đổi được, thế nên không ít người nghĩ rằng quá khứ vô giá trị, chỉ những ai khờ dại mới ôm hoài quá khứ. Đúng vậy! Quá khứ là những gì đã xảy ra, nhưng bởi vì đã xảy ra nên đó mới là sự thật chứ không còn là giả định nữa. Mặt khác, quá khứ chính là nền tảng để xây dựng hiện tại và tương lai. Chúng ta vẫn chưa thể sống tốt trong giây phút hiện tại, vẫn chưa thể tạo nên một tương lai đẹp tươi chừng nào chúng ta còn chưa hiểu về quá khứ một cách thật thấu đáo.
Một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ
Được viết bởi giám đốc Bảo tàng Anh, Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật đích thị là một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ. Chúng ta có thể vừa đọc sách vừa chiêm ngưỡng những hiện vật được chế tác cực tinh xảo, in đậm dấu ấn của trí tuệ nhân loại ở từng giai đoạn lịch sử, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của các dân tộc sinh sống trên hành tinh này. Tượng tuần lộc đang bơi được chạm trổ từ ngà voi mammoth mang đến cảm giác thích thú cùng với sự trân trọng và ca tụng thế giới tự nhiên, khi nhân loại đang sống trong Kỷ Băng Hà, trải qua bao mùa đông khắc nghiệt.
Tác phẩm điêu khắc Parthenon là lời tuyên bố hùng hồn rằng chỉ hiểu biết và lý trí mới có thể tạo nên những giá trị lâu bền, nghệ thuật và trí tuệ sẽ mang lại chiến thắng. Chén sơn mài thời Hán không đơn thuần là sản phẩm mỹ nghệ mà còn là công cụ ngoại giao hữu hiệu của nhà nước phong kiến, giúp lèo lái mối quan hệ giữa triều đình nhà Hán với lân bang. Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa là hình ảnh tiên báo công cuộc mở cửa đưa Nhật Bản vươn mình ra thế giới, nhưng đồng thời cũng gìn giữ vẹn nguyên các giá trị văn hóa cổ truyền lúc cơn bão Tây hóa chực kéo sang. Đặt cuốn sách này lên trên kệ, chúng ta đã có một bảo tàng mini trong nhà mình, có thể ghé qua bất cứ lúc nào để ngắm nghía những hiện vật rất nên thơ.
Cùng lối kể chuyện mà không hề đơn điệu, kiến thức hàn lâm mà không gây nhàm chán, ngôn ngữ bình dị mà không chút khô khan, Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật là món quà ý nghĩa cho những ai yêu khám phá, thích phiêu lưu và ham hiểu biết. Bản dịch tiếng Việt được dịch giả Nguyễn Tuấn Bình chuyển ngữ bằng một văn phong trong sáng và lưu loát, truyền tải chính xác nội dung từ nguyên bản, rất dễ đọc và dễ hiểu, còn chú thích cẩn trọng và chi tiết, khiến tác phẩm càng trở nên gần gũi hơn.
Có thể nói: Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật là cuốn sách không thể thiếu với những ai đam mê lịch sử cuồng nhiệt. Hơn thế nữa, cả tín đồ nghệ thuật lẫn dân "mọt" sách chính hiệu chắc chắn càng không thể bỏ qua.