Độc, lạ bóng bàn Việt Nam
Tháng 9 vừa xong giải "Vô địch các CLB toàn quốc", thì đến đầu tháng 11 là giải "Các đội mạnh quốc gia" và sắp đến, trong tháng 12 sẽ diễn ra sự kiện cuối cùng của làng bóng bàn Việt Nam là giải "Các tay vợt xuất sắc toàn quốc". Bên cạnh giải vô địch bóng bàn quốc gia – báo Nhân Dân đã tranh tài 42 mùa, thì những giải đấu kia cũng có tuổi đời khá cao.
Rất ít môn thể thao tại Việt Nam, nếu không nói là chỉ có duy nhất bóng bàn là có một hệ thống thi đấu đầy đặn, cũng như khá gần với thể thao chuyên nghiệp. Tức là bên cạnh giải VĐQG, còn có giải cho các "đội mạnh", kiểu như một Cúp quốc gia cho mọi đội, bao gồm các địa phương. Kế đến là giải dành cho các CLB chuyên nghiệp và cuối cùng là giải chỉ riêng cho cá nhân xuất sắc theo thứ hạng phân cấp như các Pro Tour ở các môn chơi cá nhân…
Tiền thưởng của bóng bàn cũng không ít, tổng giá trị thì vào khoảng 100-200 triệu đồng. Với môn thi đấu có tính chất tiết kiệm về khâu tổ chức như bóng bàn thì con số đó khá ổn. Giải nào cũng có nhà tài trợ ghép tên chung, điều mà không phải môn nào cũng làm được. Ví dụ như tại giải các đội mạnh quốc gia vừa kết thúc tại Đồng Nai, được tài trợ bởi thương hiệu nổi tiếng là Đăng Quang Watch …
Nhưng "độc, lạ" là ở chỗ bóng bàn Việt Nam gần như không… nhúc nhích ở góc độ phát triển. Chẳng nói đâu xa, phải chậm đến 2 năm, với 3 lần trì hoãn, thì hồi tháng 8 vừa qua Liên đoàn bóng bàn Việt Nam (VTTF) mới tổ chức được Đại hội nhiệm kỳ 7. Trước đó, nhiệm kỳ 6 thay vì năm 2016 phải tổ chức Đại hội thì cũng chậm 2 năm, đến 2018 mới có thể thực hiện được. Chủ tịch hiện tại của VTTF là ông Nguyễn Xuân Vũ, người đang kiêm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch truyền thông của VFF.
Việc 2 nhiệm kỳ bị kéo dài thêm 2 năm đã phần nào nói lên thực trạng của VTTF, nhất là mảng xã hội hóa các nguồn lực nhằm hỗ trợ phát triển bóng bàn. Bóng bàn là một trong những môn thể thao được yêu thích tại Việt Nam với số người thường xuyên tham gia tập luyện ước tính chỉ sau môn điền kinh (bao gồm chạy bộ), song chưa năm nào VTTF vận động được 1 tỷ đồng (cao nhất là năm 2023 thu được 850 triệu đồng) tiền tài trợ - quảng cáo.
"Độc, lạ" là ở chỗ đó. Bóng bàn là môn phát triển bậc nhất Việt Nam khoảng 3 thập niên trước. Gần như các địa phương đều có Liên đoàn thành viên của VTTF. Ngoài hệ thống thi đấu hoàn thiện như đã nói, còn có sự kiện quốc tế Cây vợt vàng vốn là giải đấu thể thao đầu tiên của Việt Nam được công nhận bởi các tổ chức quốc tế hàng đầu, được đưa vào lịch trình bắt buộc tính điểm thế giới của bóng bàn châu Á. Tiếc là từ năm 2019 đến nay, Cây vợt vàng đã ngưng tổ chức, chung quy cũng là vấn đề tài chính.
Chúng ta có thể thấy bóng bàn Việt Nam có những điều kiện cơ bản để phát triển. Mỗi giải đấu thu hút gần 4-500 VĐV tham gia. Như trường hợp của nhà tài trợ Đăng Quang Watch tại giải đội mạnh, thì việc thu hút tài trợ cũng không quá khó bởi thực tế thì công tác tổ chức một giải bóng bàn không tốn quá nhiều kinh phí. Thế nhưng, kể cả ở những điều kiện ổn định như vậy, thì sự phát triển vẫn rất chậm.
Trong 3 kỳ SEA Games gần đây, bóng bàn Việt Nam đều giành HCV, một số VĐV trẻ đạt thành tích tại các giải trong khu vực, song chủ yếu các VĐV này được tập huấn, thi đấu từ nguồn kinh phí do Nhà nước cấp. Bóng bàn Việt Nam đang tụt hậu khá xa so với Singapore, Thái Lan do thiếu những chương trình trọng điểm đầu tư tập huấn quốc tế. Như mọi môn thể thao cá nhân khác, càng được tập luyện thi đấu trong môi trường đỉnh cao, chất lượng tốt thì VĐV mới thay đổi đẳng cấp được.
Chuyện "độc, lạ" của bóng bàn Việt Nam, vì thế, có thể xem là điển hình cho tính thiếu hiệu quả của hoạt động của các Liên đoàn/Hiệp hội.