Độc đáo Tết nhảy của người Dao
(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi khi Tết đến, Xuân về, khắp các bản người Dao, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ lại rộn ràng tổ chức Tết nhảy.
Theo lời kể của các cụ cao niên ở xã Cự Thắng thì Tết nhảy đồng bào Dao gọi là “Nhiàng chầm đao”. Trong chuyến di cư vượt biển tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, bị sóng to gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng các họ Dao bị đe dọa.Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin thần Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ làm lễ Tết nhảy để tạ ơn. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau các họ người Dao tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên nhưng tùy lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức Tết nhảy của các họ khác nhau, thường từ 10 đến 15 năm tổ chức một lần.
Ý nghĩa của Tết nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên với Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển khơi năm xưa; luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khoẻ, ngày càng làm ăn phát đạt.
Tết nhảy gồm 3 phần chính là Khai lễ, Chính lễ và Lễ tiễn đưa. Phần khai lễ, đúng ngày giờ đã định, hai thầy cúng được gia chủ mời đến cúng thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng của người Dao là bộ Tam thanh, Hành sư lên xung quanh tường nhà. Tiếp đó, thầy “sliêu họ” bày biện các lễ vật thờ cúng, làm lễ khấn xin được làm Tết nhảy và kính mời các thần linh, Bàn Vương, gia tiên về dự lễ. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời như đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn tết.
Đến phần chính lễ, các nhân vật thể hiện các điệu múa và hát “tam nguyên an ham”(múa với những động tác tung cờ, phất cờ); múa dao (còn gọi múa “ra binh vào tướng” sử dụng con dao găm bằng gỗ; múa phát nương (còn gọi là múa được mùa); múa bắt ba ba và kết hợp với tiếng chiêng trống rộn ràng.
Phần múa Cuối cùng là Lễ tiễn đưa; trước bàn thờ gia chủ, thầy sliêu họ cúng tạ kết thúc Tết nhảy, gia chủ làm lễ hoá vàng để tiễn đưa hương hồn tổ tiên trở về với quê cha đất tổ.
Mặc dù Tết nhảy là nghi lễ do một gia đình, một dòng họ tổ chức nhưng nó được cả dân bản tham gia với một không khí náo nức giống như một nghi lễ của cả cộng đồng. Tết nhảy đã góp phần quan trọng củng cố sự thống nhất trong cộng đồng người Dao ở vùng cao Phú Thọ.
TTXVN/ Huyền Trang