Đoàn leo núi 500 người chào cờ, hát vang Quốc ca trên đỉnh Fansipan
Trải qua 2 ngày 1 đêm leo núi để lên đến đỉnh Fansipan, 500 người đã cùng nhau chào cờ, hát vang Quốc ca với niềm tự hào sâu sắc khi thành công chinh phục "Nóc nhà Đông Dương".
7h30 sáng 11/8 vừa qua, tại đỉnh Fansipan diễn ra một cảnh tượng ấn tượng. Đoàn leo núi 500 người trong trang phục màu cam rực rỡ đứng vòng quanh 4 phía của cột cờ, cùng nhau chào cờ, hát vang những giai điệu Quốc ca hào hùng. Giữa đỉnh thiêng lồng lộng gió và bảng lảng mây mù, ngước lên cao là lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, có những người rưng rưng nước mắt vì xúc động, tự hào.
Bà Phạm Hương Giang (50 tuổi) cho biết, bà và gia đình đang sống ở Thụy Sĩ, dù xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn, trân quý lịch sử dân tộc. Năm nay, bà đã đưa con trai về Việt Nam để hai mẹ con cùng nhau chinh phục Fansipan.
"Đứng trên đỉnh núi cao nhất Đông Dương với con trai và những người đồng đội vừa cùng mình trải qua hành trình leo núi, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời, trong tôi ngập tràn cảm xúc tự hào. Tự hào về truyền thống dân tộc, tự hào vì bản thân đã bứt phá, nỗ lực hết mình để đặt chân lên đỉnh Fansipan và chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng này. Tôi hy vọng, trải nghiệm lần này cũng sẽ nuôi dưỡng cho con tôi lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc dù có sinh sống hay làm việc ở bất cứ nơi đâu", bà nói.
Để có được giây phút chào cờ thiêng liêng trên đỉnh Fansipan, đoàn leo núi 500 người đã trải qua hành trình 2 ngày 1 đêm leo núi đầy thử thách. Đây là hoạt động huấn luyện học viên mang chủ đề "Kết nối" do Học viện Minh Trí Thành tổ chức với sự hỗ trợ từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Trước đó, 7h sáng 10/8, thành viên đoàn leo núi được chia thành 12 đội, chính thức xuất phát tại Trạm Tôn. Trời mưa, càng lên cao đường càng dốc, trơn trượt, khó đi song không cản nổi bước chân của những con người tràn đầy quyết tâm chinh phục.
Đến 5h sáng 11/8, toàn bộ thành viên đoàn leo núi đã đặt chân đến đỉnh Fansipan.
Ông Nguyễn Văn Lương – Tổng giám đốc Học viện Minh Trí Thành - cho biết, hành trình leo núi cũng giống như hành trình vươn tới thành công. Khi leo núi, chúng ta thường quay lưng với tất cả, đó có thể là chính bản thân ta, là những mối quan hệ hoặc những điều tươi đẹp của cuộc sống. Khi xuống núi chúng ta cũng lại trong trạng thái quay lưng ấy.
"Đến với chương trình huấn luyện của Minh Trí Thành, mọi người sẽ không leo núi theo cách "quay lưng" mà là "kết nối" - kết nối với chính mình, kết nối với người xung quanh, kết nối với thiên nhiên", ông nói.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho chương trình khi số lượng thành viên leo núi rất đông, ông Lương cho biết, yếu tố an toàn được Minh Trí Thành đặt lên hàng đầu. Từ mấy tháng trước, Minh Trí Thành đã gửi thông báo, yêu cầu các học viên tập luyện đi bộ, chạy bộ hoặc leo cầu thang để rèn thể lực. Đồng thời, kết hợp với Ban quản lý Vườn Quốc gia Hoàng Liên chuẩn bị kỹ lưỡng về lán trại, thiết kế các phương án an toàn ở những đoạn nguy hiểm, bố trí nhân viên y tế, kiểm lâm, porter theo sát đoàn khi leo, đảm bảo mỗi học viên có 3 – 4 người hỗ trợ.
Ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên), cho biết, khi leo núi, bên cạnh thể lực thì ý chí cũng rất quan trọng. Từng có những người vóc dáng cao lớn, khỏe khoắn đi leo Fansipan nhưng mới chỉ đến điểm nghỉ 2.200m đã phải bỏ cuộc giữa chừng. Các đoàn leo núi do Học viện Minh Trí Thành tổ chức đều rất đông, thành viên đa phần là phụ nữ, có cả người lớn tuổi nhưng ông chưa thấy ai bỏ cuộc. Tất cả đều lên đỉnh và xuống núi an toàn.