Độ tuổi mà thu nhập của hầu hết đàn ông đạt đỉnh cao: Cẩn trọng ngay vì đằng sau 'thời hoàng kim' là nguy cơ lớn
Ở giai đoạn này, đàn ông có thể kiếm được nhiều hơn 127% so với thời điểm mà họ bắt đầu sự nghiệp. Nhưng quỹ đạo tăng lương này lại không phù hợp cho kế hoạch nghỉ hưu.
Thông thường khi con người đến độ tuổi 30 - 40, họ đầy tính trẻ và sự nhiệt huyết, luôn năng nổ trong công việc, sự thích nghi trong môi trường cũng rất nhanh. Vậy nên chúng ta thường có xu hướng cho rằng, đó là thời kỳ hoàng kim của sự nghiệp.
Tuy nhiên, theo một báo cáo từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, Hoa Kỳ, khi bước vào độ tuổi 40 - 50, đàn ông mới đạt tới “đỉnh cao” thu nhập. Cụ thể, họ có thể kiếm được nhiều hơn 127% so với thời điểm mà họ bắt đầu sự nghiệp. Nghiên cứu này không đo lường những thay đổi về thu nhập của phụ nữ vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng, bao gồm thời gian sinh đẻ, nuôi con…
Trong toàn bộ quá trình, thu nhập của một người thường không tăng đều đặn. Hầu hết mọi người sẽ chỉ tăng nhanh ở độ tuổi 20 và 30. Sau khi bước vào độ tuổi 40, tốc độ tăng thu nhập của họ sẽ chậm lại đáng kể. Sau khi điều chỉnh lạm phát, một số người thậm chí chỉ có mức tăng trưởng âm (với đối tượng lao động phổ thông chịu ảnh hưởng bởi thể chất ngày một già đi).
Theo Payscale, một công ty cung cấp dữ liệu và phần mềm lương thưởng của Mỹ, mức chững chủ yếu nhất ở đàn ông là tuổi 48, khi nền tảng thể chất bắt đầu đi xuống. Tuy vậy, đối với các lãnh đạo, họ lại có nhiều khả năng kiếm được mức lương cao bất ngờ khi họ ở độ tuổi 50-60.
Nhiều người trẻ tuổi thường nghĩ rằng, họ có thể tận hưởng hiện tại, chi tiêu cho các sở thích cá nhân, thỏa mãn mọi nhu cầu bốc đồng vì còn nhiều thời gian để tích lũy cho quá trình nghỉ hưu, để bù đắp các khoản thiếu hụt tài chính trong tương lai.
Điều này gần như phi thực tế.
Theo báo cáo phân tích tại New York của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, mức tăng trưởng thu nhập 127% tương đương với tốc độ tăng trưởng thực tế của nhân viên nam từ 25 đến 55 tuổi.
Nhưng trong cuộc sống thực, sự tăng trưởng như vậy là không ổn định. Giai đoạn tăng trưởng thu nhập không cân đối nhất tập trung vào những năm đầu mới bước vào xã hội, và mức tăng trưởng đạt đỉnh vào khoảng 50 tuổi, sau đó lại giảm dần và đi tới nghỉ hưu trong khoảng một thập kỷ tiếp theo.
Vì vậy, nếu không sớm hình thành thói quen tiêu dùng tốt, cuộc sống sau nghỉ hưu của mỗi người đều sẽ chịu tác động rất lớn.
Michael Kitces, giám đốc nghiên cứu của Summit Consulting ở Maryland, nước Mỹ, cho biết, ai cũng hiểu tầm quan trọng của việc cắt giảm các chi phí không cần thiết khỏi ngân sách. Tuy nhiên, khi mọi người đã quen với một lối sống nhất định, nó trở nên “nói dễ hơn làm”.
“Những người đã quen với việc thuê người giúp việc theo giờ để lau dọn nhà cửa, quen với việc đổi một chiếc điện thoại mới 1-2 năm một lần, quen với thời kỳ tăng trưởng thu nhập cao… Họ rất khó để kìm hãm bản thân,” Kitces cho biết.
Vì rất khó để thay đổi lối sống đã tồn tại hàng thập kỷ, Kitces gợi ý rằng thời điểm tốt nhất để làm điều đó là ngay từ đầu.
Khi mọi người ở độ tuổi 20 hoặc 30, thói quen tiêu dùng và lối sống cụ thể sẽ được hình thành. Việc cắt giảm không có nghĩa là giảm phần lớn chi tiêu, mà phải đảm bảo rằng nó không tăng nhanh, tỷ lệ thuận với mức tăng của thu nhập trong vài năm tới. Theo Kitces, đó là cách hữu hiệu để chống lại "lối sống leo thang".
Một cách khác để chống lại lối sống leo thang là tiếp tục gia tăng tỷ lệ tiết kiệm khi thu nhập gia tăng.
Thu nhập tiền lương thường đạt được sự tăng trưởng nhanh chóng ở độ tuổi 20 và 30. Nếu họ quen tiết kiệm một tỷ lệ cố định trong thu nhập của mình, không điều chỉnh lại sau mỗi lần tăng lương, thì lối sống tiêu dùng cao vẫn sẽ dần dần hình thành.
Doanh nhân và blogger nghề nghiệp nổi tiếng Penelope Trunk đã nhận thấy điều này khi chứng kiến cách nhiều người mua nhà. Cô chia sẻ, hầu hết mọi người có xu hướng mua bất động sản đầu tiên vào đầu những năm 30 tuổi, khi họ đã có khả năng chi trả khoản chi phí đầu tiên, và có đủ khả năng tín dụng để vay khoản chi phí còn lại.
Khi chọn nhà, họ thường cân nhắc giá cả dựa trên mức tăng lương tại thời điểm đó với suy nghĩ rằng, mình có thể dễ dàng trả hết khoản vay. Đây là một sai lầm phổ biến.
Cách tính toán này đồng nghĩa với giả định rằng thu nhập của họ sẽ không thay đổi từ giờ cho đến năm 55 tuổi. Nhưng trên thực tế, điều này rất khó xảy ra. Chưa kể, trong tương lai, những chi phí y tế cũng có thể gia tăng dựa theo gánh nặng thể chất của mỗi người.
Michael Pellegrino, chủ tịch của Tập đoàn Tài chính GoldStone, nói rằng: Để có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm một cách hiệu quả, bạn đừng nên suy nghĩ đến việc tăng từ 10% thu nhập lên 20% thu nhập. Vì mức tăng lớn như vậy rất khó có thể đạt được ngay lập tức, bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với áp lực sinh hoạt.
Thay vào đó, bạn nên bắt đầu tăng thêm từ 2-3% mỗi lần, thông qua việc cắt giảm một cốc cà phê mỗi ngày, một bộ quần áo mới mỗi tháng, một chiếc điện thoại mới mỗi năm, một vài khoản phí hội viện tại các câu lạc bộ đắt tiền, tự dọn dẹp nhà cửa thay vì thuê người giúp việc theo giờ…
Khi nhìn số dư tài khoản tiết kiệm dần tăng lên, cảm giác thành tựu sẽ là thứ giúp bạn ngày một kiên trì. Và khi thay đổi khoảng 2-3%, gánh nặng sinh hoạt cũng không quá lớn đến mức khiến bạn phải từ bỏ kế hoạch tài chính của mình.
Việc duy trì lối sống tiết kiệm trong thời gian dài, chống lại xu hướng tiêu dùng leo thang chắc chắn sẽ không dễ dàng, nhưng vẫn có thể làm được. Xây dựng thói quen tiết kiệm từ sớm, cùng với các quyết định chi tiêu thận trọng, đặc biệt là kiểm soát các khoản chi tiêu tăng theo thu nhập, sẽ giúp cuộc sống tương lai của bạn an toàn và bền vững hơn.