Diva tại Việt Nam: Có còn là cuộc chơi đẳng cấp, xa xỉ?
Diva vẫn là những nghệ sĩ tài năng và có cống hiến, được khán giả lẫn đồng nghiệp ngưỡng mộ. Nhưng câu chuyện về giá trị âm nhạc ở thời điểm hiện tại không chỉ nằm ở tài năng nghệ thuật đơn lập.
Diva – thứ âm nhạc xa xỉ, giấc mơ xa hoa của nhiều thế hệ ca sĩ
Diva không chỉ là một mỹ từ, nó còn là giấc mơ, biểu tượng xa xỉ của nhiều thế hệ ca sĩ nữ và với chính khán giả nghe nhạc.
Tiền thân của Diva là Prima Donna, từ chỉ những nữ ca sĩ hát vai chính hàng đầu, danh tiếng trong Opera – nền nghệ thuật hàn lâm, xa xỉ được cho là dành riêng cho giới quý tộc, giàu có trong những thế kỷ trước. Một đêm diễn Opera thường có vé khá đắt và tương xứng với nó là chất lượng âm nhạc tuyệt hảo, đồ sộ.
Chính vì tự thân Opera đã là thứ nghệ thuật cao cấp nên những nghệ sĩ hàng đầu trong giới cũng được xem trọng vô cùng và bản thân họ phải có tài năng xuất chúng, nỗ lực rất nhiều mới đạt được vị trí đó.
Người đầu tiên được gọi tên Diva là Maria Callas, một Prima Donna đứng đầu giới Opera thế kỷ XX. Bà cũng là biểu tượng của sự xa xỉ đúng nghĩa nhất trong âm nhạc.
Đương thời, Maria Callas vô cùng nổi tiếng, quyền lực trong giới nghệ thuật sân khấu và được săn đón khắp nơi. Bất cứ đêm nhạc nào Maria Callas xuất hiện đều cháy vé và bà thường chỉ hát ở những sân khấu danh giá. Bà cũng được hưởng mức cát xê top đầu thời bấy giờ là 3000 USD cho một đêm diễn. Những buổi biểu diễn của Maria Callas thường có sự góp mặt của nhiều nhân vật tầm cỡ như người nổi tiếng, doanh nhân, chính trị gia… Đến tổng thống Italy hay nữ hoàng Anh cũng ngưỡng mộ và đến xem bà diễn.
Ở thời đỉnh cao, cuộc sống xung quanh Maria Callas luôn trải đầy pha lê, mỹ kim, hoa và những thứ đắt đỏ. Bản thân bà cũng là biểu tượng đắt giá trong âm nhạc, là ngôi sao sáng để công chúng lẫn đồng nghiệp nhìn vào.
Không chỉ Maria Callas, những Prima Donna khác trong giới Opera như Birgit Nilsson, Renata Tebaldi, Joan Sutherland… cũng đứng ở vị trí đắt giá trong nghề nghiệp, với mức cát xê hàng đầu, được săn đón. Một ông bầu từng nói về Birgit Nilsson: "Nếu bạn muốn giọng ca lộng lẫy đó xuất hiện, bạn cứ phải chồng đủ tiền đã". Bà cũng là ca sĩ hiếm hoi dám chơi khăm lại nhạc trưởng huyền thoại Herbert von Karajan mà ông vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt mời bà diễn lại.
Từ Opera, mỹ từ Diva được chuyển sang nhạc đại chúng và vẫn là biểu tượng của sự xa xỉ trong âm nhạc, cả về vật chất lẫn giá trị nghệ thuật. Những Diva như Whitney Houston, Mariah Carey, Celine Dion đều nổi tiếng bậc nhất, sở hữu tài sản lên đến nửa tỷ tới cả tỷ USD chỉ nhờ việc đi diễn và phát hành đĩa nhạc. Họ có thể bán tới vài trăm triệu đĩa nhạc trong sự nghiệp, điều mà ai cũng mơ ước. Các đêm nhạc của họ luôn cháy vé dù giá vé rất đắt. Celine Dion từ 2003 tới 2007 diễn 700 show, trung bình 170 show mỗi năm nhưng vẫn cháy vé. Năm 1999, cô mở show tại sân vận động ở Pháp với số khán giả lên tới 90 ngàn người.
Hay, Mariah Carey luôn được biết đến với sự sang chảnh mỗi khi xuất hiện, bằng hàng loạt yêu sách như trải thảm hoa hồng, thả bồ câu… Cô thường hát những đêm nhạc cá nhân với giá cát xê lên tới vài triệu đô. Cuộc sống của cô luôn được nhắc đến với kim cương, đồ hiệu.
Với nhiều ca sĩ, Diva là một đích đến, cái giá đắt đỏ trong nghề nghiệp. Để đạt được điều này, người ca sĩ phải phấn đấu, nỗ lực, đánh đổi rất nhiều để đạt được tầm vóc lớn, được công chúng công nhận. Âm nhạc của Diva như một món hàng hiệu được làm từ những nguyên liệu đắt giá (kỹ thuật điêu luyện, âm sắc đẹp, thẩm mỹ cao) và được chế tác công phu, tỉ mỉ (từ những nhạc sĩ, kỹ sư âm thanh giỏi nhất) để bán ra với giá không rẻ nhưng vẫn khiến khán giả ham muốn có được.
Rõ ràng, trên thế giới, dù ở dòng nhạc, thị trường nào thì Diva vẫn luôn nào một biểu tượng của sự xa xỉ trong âm nhạc, cả về vật chất lẫn tinh thần, giá trị nghệ thuật, bảo chứng cho sự công nhận của công chúng dành cho tài năng nghệ sĩ.
Diva tại Việt Nam: Có còn là cuộc chơi đẳng cấp, xa xỉ?
Mỹ từ Diva khi du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 20 năm cũng để khẳng định vị trí của những nữ ca sĩ đứng đầu nền âm nhạc, với giá trị cao cấp về danh tiếng, khán giả, học thuật.
4 nữ ca sĩ nhạc nhẹ được xưng danh Diva là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần đều có tài năng, tiên phong, cống hiến, danh tiếng lớn với nghề nghiệp, được khán giả trân trọng, đồng nghiệp đánh giá cao và nhiều đàn em ngưỡng mộ noi theo. Âm nhạc Diva Việt được cho là cao cấp hơn so với mặt bằng chung nhờ giọng hát, kỹ thuật, tư duy, sáng tạo của họ.
Bản thân họ đã nỗ lực nhiều với nghề và nhận được cái giá xứng đáng là danh tiếng, tiền bạc, sự săn đón, ngưỡng vọng từ người đời. Giá cát xê của họ cao hơn so với nhiều đồng nghiệp và các đêm nhạc cũng thu hút đông đảo khán giả.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, âm nhạc Diva tại Việt Nam đã không còn giữ được giá trị cao cấp do sự thay đổi của thị trường, thị hiếu khán giả và thậm chí là từ chính bản thân người ca sĩ.
Khán giả không còn hào hứng với việc khoe kỹ thuật, trưng trổ giọng hát. Thay vào đó, họ chú trọng hơn tới hòa thanh, phối khí, cảm xúc, thẩm mỹ, ca từ và cần sự hiện đại, trẻ trung, sáng tạo hơn. Trong khi đó, một số Diva vẫn nặng về phô diễn giọng hát mà đánh rơi cảm xúc, không tiếp cận được đối tượng khán giả mới, không chịu thay đổi tư duy, thẩm mỹ vốn đã không còn hợp thời. Một số Diva lại đặt nặng cái tôi bản thân quá cao thay vì khán giả.
Điều này dẫn tới nghịch lý ở Việt Nam hiện tại, các Diva thường ít khán giả hơn ca sĩ khác và ít được săn đón hơn. Nếu Mỹ Tâm kín vé khi làm show ở sân vận động vài chục ngàn khán giả thì các đêm nhạc của Diva thường chỉ tổ chức ở những sân khấu nhỏ hơn, với lượng khán giả không quá đông đảo. Giá cát xê của các Diva cũng không thể bằng những ca sĩ đang hot như Sơn Tùng, Hà Anh Tuấn, Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng…
Nhìn sâu vào nội tại là câu chuyện làm thương hiệu cá nhân. Các Diva thường quá tập trung chuyên môn, ngủ quên trong hào quang dĩ vãng mà quên đi việc xây dựng thương hiệu, hình ảnh riêng. Việc đặt cái tôi cá nhân trong âm nhạc quá cao khiến họ không biết cách tiếp cận, "moi tiền" khán giả. Đây là điều mà Celine Dion đã làm được khi xây dựng đế chế của riêng mình tại Las Vegas thông qua đầu tư hình ảnh, sân khấu, nghệ thuật trình diễn, kéo khán giả khắp thế giới tới xem show mình diễn chứ không cần chạy tour vòng quanh.
Để rồi, các Diva loay hoay trong chính tượng đài họ gây dựng lên và đánh mất sự "xa xỉ" của mình. Có Diva ngồi ghế giám khảo nhẵn mặt các gameshow thay vì những cuộc thi chuyên môn, người lại thi thố ở gameshow để rồi bị đàm tiếu vì thua một ca sĩ mới nổi. Một số Diva bị chỉ trích vì cover nhạc trẻ, hay "phá nát" nhạc Trịnh, oversing quá nhiều… Họ ít làm ra những thứ âm nhạc vừa chất lượng, lại vừa lôi cuốn đông đảo khán giả như trước.
Có thể thấy, các Diva Việt vẫn khao khát làm nghề và cống hiến, chưa thể rời bỏ sân khấu, nhưng cách xây dựng thương hiệu của họ đang gặp vấn đề.
Nhìn vào những trường hợp như Lệ Quyên, Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, có thể thấy, họ không phải nghệ sĩ giỏi nhất, tài năng nhất nhưng rất khôn ngoan trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu riêng, biến âm nhạc của mình thành món đồ hiệu giá trị, khiến khán giả khao khát được đến sân khấu xem họ trình diễn. Họ cũng kén show, hạn chế tham gia gameshow, không nhận những show nhỏ lẻ… Đó là cách để "limited" tên tuổi như một món đồ hiệu, không dễ dàng sở hữu được và qua đó tăng thêm sức lôi cuốn của bản thân.
Diva vẫn là những nghệ sĩ tài năng và có cống hiến, được khán giả lẫn đồng nghiệp ngưỡng mộ. Nhưng câu chuyện về giá trị âm nhạc ở thời điểm hiện tại không chỉ nằm ở tài năng nghệ thuật đơn lập. Người nghệ sĩ còn cần có thêm nhiều yếu tố khác để xây dựng, giữ vững tên tuổi và điều quan trọng nhất là phải biết xem trọng khán giả.