Đình Trọng tái phát chấn thương, ai chịu trách nhiệm?
(Thethaovanhoa.vn) - Việc quá nóng vội trở lại thi đấu khiến Đình Trọng tái phát chấn thương dây chằng và phải nghỉ thi đấu thêm 3 tháng. Đây là hệ quả của một chuỗi các sai lầm về phục hồi chấn thương.
Sau khi chấn thương có dấu hiệu tái phát, Đình Trọng được Hà Nội FC đưa sang Singapore để tái khám. Theo kết quả kiểm tra của bác sĩ Lie Tijauw Denny, dây chằng chéo trước của anh bình phục tốt, nhưng do thi đấu trở lại quá sớm, nên dẫn đến bị viêm sụn chêm ngoài sau phẫu thuật. Với tình hình hiện tại, trung vệ 23 tuổi sẽ phải nghỉ thi đấu thêm khoảng 3 tháng.
Việc Đình Trọng tái phát chấn thương là hệ quả của việc anh sớm phải trở lại thi đấu khi chưa lấy lại thể trạng tốt nhất. Nhìn vào quãng thời gian kể từ thời điểm anh phẫu thuật, hẳn nhiều người không khỏi sửng sốt.
Đình Trọng dính chấn thương dứt dây chằng trong cuộc chạm trán HAGL tại V-League 2019 hồi cuối tháng 5 năm ngoái. Khoảng 1 tháng sau, trung vệ sinh năm 1997 được đưa tới Singapore phẫu thuật.
Trở về sau ca phẫu thuật thành công tại Singapore, cầu thủ của Hà Nội FC lập tức tới Trung tâm đào tạo trẻ PVF để tập hồi phục với chuyên gia vật lý trị liệu Choi Ju Young.
Cuối tháng 7 năm 2019, thời điểm chưa đầy 1 tháng kể từ khi Đình Trọng trải qua ca phẫu thuật, ông Choi khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi tuyên bố sẽ quyết tâm giúp anh hồi phục trong khoảng 4 tháng để có thể tham dự SEA Games 30. Đây gần như là điều không tưởng bởi những cầu thủ dính chấn thương đứt dây chằng cần ít nhất 6 tháng mới có thể tái xuất sân cỏ.
Bản thân HLV Park Hang Seo cũng không giấu giếm khát khao có được cậu học trò cưng trong chiến dịch săn vàng ở SEA Games 30. Kể từ tháng 9 năm ngoái, 3 tháng kể từ khi phẫu thuật, Đình Trọng đã ra sân và bắt đầu tập với bóng. Trung vệ người Hà Nội liên tục góp mặt trong danh sách U22 Việt Nam ở những đợt tập trung chuẩn bị cho SEA Games 30.
Thời điểm ấy, Đình Trọng gần như chỉ có thể tập riêng chứ không thể tập cùng toàn đội. Song, HLV Park Hang Seo vẫn kiên trì chờ đợi một “phép màu” đến với cậu học trò cưng, và tới phút chót ông mới bất đắc dĩ phải gạch tên anh khi chốt danh sách U22 Việt Nam dự SEA Games 30.
Không thể có được Đình Trọng tại SEA Games 30, nhà cầm quân người Hàn Quốc một lần nữa triệu tập anh trong quá trình chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2020. Và trung vệ 23 tuổi đã góp mặt trong danh sách U23 Việt Nam tham dự giải.
Khi ấy, HLV Chu Đình Nghiêm của Hà Nội FC không giấu nổi sự lo lắng về Đình Trọng sau quyết định của thầy Park bởi cầu thủ sinh năm 1997 vẫn chưa hồi phục 100% thể trạng tốt nhất khi tập trung cùng Hà Nội FC chuẩn bị cho mùa giải 2020. Tuy vậy, anh vẫn góp mặt trong cả 3 trận đấu của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2020.
Thể trạng của Đình Trọng trong quá trình hồi phục ra sao chỉ những người trong cuộc mới nắm rõ. Tuy nhiên, việc trung vệ 23 tuổi sớm phải trở lại thi đấu đã gây ra hậu quả.
Thông thường, những trường hợp gặp chấn thương đứt dây chằng đầu gối cần khoảng 6 tháng kể từ khi phẫu thuật để tập hồi phục trước khi tập luyện với bóng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 5 tháng, Đình Trọng đã trở lại tập luyện và thi đấu với cường độ cao. Do đó, việc anh tái phát chấn thương là điều khó tránh khỏi.
Trong quá khứ cũng không ít lần các cầu thủ nôn nóng trở lại hay thi đấu dưới tình trạng chưa phục hồi hoàn toàn chấn thương. Trường hợp của Tuấn Anh là một ví dụ điển hình. Cầu thủ thuộc biên chế HAGL đã phải tiêm thuốc để ra sân trong trận đấu gặp CHDCND Triều Tiên trên sân vận động Thống Nhất.
Điều này cho thấy Đình Trọng phải cẩn thận hơn trong thời gian tới để tránh đi vào vết xe đổ mà Tuấn Anh đã để lại. Các HLV cũng cần lưu ý hơn để những tài năng như Đình Trọng không bị đối mặt với rủi ro về nghề nghiệp.
Khôi Nguyên