Điệu nhảy của dân nghèo và các huyền thoại
Vogue (Xu hướng) sản xuất năm 1990, thuộc về nữ ca sĩ Madonna. Năm 1999, tạp chí Rolling Stone xếp Vogue là MV hay thứ hai mọi thời đại, chỉ sau mỗi Thriller của Michael Jackson.
Tạo dáng nào!
MV Vogue là một sản phẩm tôn vinh, với phong cách xưa cũ sang trọng và rất kiểu cách, rất Hollywood. Video được thiết kế theo lối Art Deco của các thập niên 20, 30 ở Hollywood. Điểm đặc biệt, đúng như câu đầu tiên của bài hát, “Strike a pose” (Tạo dáng nào), là Madonna đã tái hiện và bắt chước những tư thế tạo dáng kinh điển nhất, gắn liền với các minh tinh tài tử Hollywood nổi tiếng.
16 huyền thoại Hollywood đã được vinh danh trong Vogue với tiêu chí “phong cách và duyên dáng”. Tên họ được nhắc đến trong lời bài hát kèm những hình ảnh ấn tượng của Madonna và các vũ công: “Greta Garbo, và Monroe/ Dietrich và DiMaggio/ Marlon Brando, Jimmy Dean/ Trên bìa một tạp chí/ Grace Kelly; Harlow, Jean/ Bức ảnh của một nữ hoàng sắc đẹp”.
“Gene Kelly, Fred Astaire/ Ginger Rogers, nhảy trên không trung/ Họ đầy phong cách, và phong thái/ Rita Hayworth có gương mặt kiều diễm/ Lauren, Katharine, Lana cũng vậy/ Bette Davis, chúng ta yêu nàng”.
Điệu nhảy mà Madonna và các vũ công thực hiện trong MV chính là điệu nhảy vogue cực thịnh hành những năm 1980, được gợi cảm hứng từ tạp chí Vogue. Điệu nhảy này đặc biệt phổ biến trong cộng đồng người da đen và người đồng tính nam ở khu Harlem nghèo khổ.
Nghèo khổ và một chốn hào nhoáng, phù hoa như Hollywood? Sợi dây kết nối giữa 2 thế giới này là gì?
Dưới đáy xã hội và trên đỉnh danh vọng
Không phải ngẫu nhiên bài hát có tên Vogue. Nó không nói về xu hướng chung chung. Những năm 1980 tại Mỹ, các câu lạc bộ nhảy vogue đã ra đời ồ ạt, hầu hết thuộc thế giới ngầm (underground). Madonna thậm chí còn tuyển chọn nhiều vũ công từng nhảy trong các câu lạc bộ này tham gia đóng MV Vogue.
Khi nhảy điệu vogue, người ta thường đánh hông về phía trước và phía sau, nhưng vẫn đứng vững trên những ngón chân. Trong khi đó bàn tay và ngón tay thoải mái cử động để tạo ra những tư thế cố định.
Đó chính là các động tác mà Madonna và các vũ công đã làm trong MV, khiến điệu nhảy trông có vẻ kỳ quặc, nhưng luôn dừng lại ở những tư thế chuẩn để chụp ảnh. Những tư thế chuẩn và đẹp trông giống hệt các ngôi sao thuộc thế hệ vàng Hollywood.
Văn hóa vogue đã tồn tại trong giới underground ở Mỹ từ trước đó 1 thập kỷ. Nhưng đến khi Madonna ra mắt MV Vogue, nó mới thực sự gia nhập dòng chính. Đó cũng là cuộc hòa nhập giữa nét văn hóa ngầm của người dân dưới đáy xã hội và hình ảnh của những siêu sao điện ảnh đẹp đẽ, xa hoa bậc nhất của văn hóa dòng chính.
Việc Madonna chọn điệu vogue để vĩnh cửu hóa hình ảnh các ngôi sao hàng đầu là một ý tưởng lạ và vô cùng tài năng. Khi đến các hộp đêm của người da đen và người đồng tính, nữ ca sĩ đã bị mê hoặc khi các vũ công, trong tư thế nhảy kỳ quặc, có thể dừng lại và “tạo dáng nào”. Madonna đưa ý tưởng đó vào New York và quyết tâm thể hiện trong một MV của mình.
Madonna cũng có công làm sống lại nhạc disco sau 10 năm dòng nhạc này chết về mặt thương mại. Quá nhiều công trạng cho một video ca nhạc. Vogue trở thành đĩa đơn số một thế giới vào mùa Hè năm 1990 một cách hoàn toàn xứng đáng. Đây cũng là đĩa đơn bán chạy nhất năm 1990, với hơn 2 triệu bản.
Theo New York Times năm 1990, Vogue nằm trong số những bài hát tiêu biểu của một thời âm nhạc có bề dày văn hóa và đủ hấp dẫn để người ta khám phá ý nghĩa đằng sau nó. Tạo dựng hình tượng là việc luôn gắn chặt với quá trình đi đến danh tiếng của một ngôi sao, nhưng tạo dựng hình tượng như Vogue đã làm còn vượt ra ngoài việc tìm kiếm danh tiếng. Đó là một sự ghi nhận văn hóa.
Với MV này, hình ảnh của các siêu sao hạng nhất được sử dụng không phải để quảng bá một thương hiệu, hình ảnh của họ chính là “thương hiệu”, theo cách rất sang trọng. Đây là lần hiếm hoi hình tượng ngôi sao và thương hiệu được hòa trộn đến không thể tách rời.
16 huyền thoại Hollywood trong MV Vogue: |
Kỳ 2: Điểm mặt 16 huyền thoại “Vogue”
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa