Điêu khắc gia nổi tiếng Phan Gia Hương qua đời
Điêu khắc gia Phan Gia Hương vừa qua đời lúc 14h27 ngày 3/9/2022 (nhằm mồng 8/8, ngày Kỷ Mùi, tháng Kỷ Dậu, năm Nhâm Dần) do bạo bệnh, thọ 72 tuổi. Phan Gia Hương sinh năm 1951 tại Thái Nguyên, quê gốc ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, nay thuộc Hà Nội.
Cùng với Điềm Phùng Thị, Mai Chửng, Diệp Minh Châu, Lê Công Thành, Lê Thành Nhơn, Phạm Văn Hạng, Nguyễn Hải, Tạ Quang Bạo, Đào Châu Hải, Bùi Hải Sơn… Phan Gia Hương là một tên tuổi nổi bật của điêu khắc Việt Nam thời hiện đại.
Trên Facebook cá nhân ngày 23/8/2022, họa sĩ Ca Lê Thắng viết: “Xin chân thành cảm ơn đến anh em bạn hữu và đồng nghiệp xa gần đã có lời cầu chúc sức khỏe tới vợ tôi: Phan Gia Hương”.
Trước đó một ngày, ông viết: “Tháng Bảy âm vợ tôi bệnh, đợt đầu được họa sĩ Đinh Phong và đội ngũ bác sĩ điều dưỡng Bệnh viện ITO cùng bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cứu chữa, khỏe được về nhà, chúng tôi vô cùng biết ơn”.
“Nhưng phổi vợ tôi đã yếu mấy năm nay, nên lại cấp cứu Bệnh viện Quân y 175, phim phổi thấy trắng gần hết, lại suy tim, có nguy cơ nhồi máu vì có cục máu đông ở động mạch vành, ô-xy trong máu xuống còn 45/100, men gan cao, thập tử nhất sinh. Hôm qua bệnh viện hội chẩn, quết định chuyển từ khoa lao phổi qua khoa tim mạch. Giải quyết cục máu đông, đặt stent thành công và chuyển qua phòng hồi sức, hôm nay đã ổn. Vô cùng biết ơn đội ngũ bác sĩ điều dưỡng Bệnh viện 175 đã tận tình cứu chữa vợ tôi qua cơn hiểm nghèo. Mong sớm hết tháng Bảy âm này”.
Từ năm 14 tuổi, Phan Thị Gia Hương - tên đầy đủ - đã vào học lớp trung cấp hệ 7 năm, khóa 1965-1972, rồi tiếp tục học khoa Điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khóa 1972-1977...
Từ năm 1977, bà cùng chồng là họa sĩ Ca Lê Thắng và gia đình chuyển vào Nam, giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật TP.HCM cho đến năm 1997. Dù bận giảng dạy và bận làm công tác quản lý ở hội mỹ thuật, nhưng Phan Gia Hương vẫn miệt mài sáng tác. Bên cạnh mảng tượng đài đồ sộ, bà còn rất nhiều tác phẩm điêu khắc có dấu ấn riêng.
Ở khía cạnh quản lý, bà từng là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Trung ương Hội Khóa V (1999-2004); Ủy viên Ban Chấp hành - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phụ trách phía Nam khóa VI (2004 - 2009), khóa VII (2009 - 2014) và khóa VIII (2014 - 2019).
Dù rất thành công trong lĩnh vực của mình, nhưng Phan Gia Hương luôn “biết người biết ta”, luôn thẳng thắn nhìn nhận vấn đề.
- Triển lãm Hội trại Điêu khắc 30+ kết hợp online và trực tiếp lần đầu tại Việt Nam
- Xem Triển lãm Điêu khắc 2022: Những tác phẩm 'đối ứng' với tự nhiên
Khi được hỏi: Trong thời kỳ mở cửa thì điêu khắc Việt Nam hội nhập quốc tế như thế nào? Phan Gia Hương đã trả lời: “Hội nhập điêu khắc so với bên hội họa thời gian qua là rất kém. Có rất nhiều lý do: thứ nhất điêu khắc để đưa đi cuộc triển lãm quốc tế hoặc đưa cuộc triển lãm quốc tế vào Việt Nam thì rất tốn kém và khó khăn, vì chất liệu nặng nề, tiền vận chuyển lớn, tác giả điêu khắc Việt Nam thường chắt bóp để lo làm một tác phẩm bằng chất liệu cũng đã hết sức lực. Thứ hai, tiền để giao lưu quốc tế cũng ít, nếu so với hội họa thì còn kém hơn rất nhiều. Điêu khắc chỉ có thi thố với nhau trong nước là chính”.
Như Hà