Diễn viên Hoàng Nhân: Chất nghệ sĩ trong lớp áo nông dân
(Thethaovanhoa.vn) - Có nhiều nghệ sĩ mà công chúng nhìn mặt là nhận ra ngay, nhưng không nhớ nghệ danh của họ. Hoàng Nhân là một trong số những thân phận nghệ thuật như thế.
Trông thấy diện mạo của anh, khán giả sẽ liên tưởng đến tính cách gai góc nhưng không nhiều người nhớ đến nghệ danh Hoàng Nhân. Bất chấp điều đó, anh sống trọn vẹn với nghề diễn và hạnh phúc với cuộc đời nghệ sĩ không danh vọng.
Hoàng Nhân sinh ra tại đất Thủ Thừa, Long An, một vùng quê nghèo, mộc mạc và bình dị. Ngay từ nhỏ, anh đã mê đờn ca tài tử nên ca vọng cổ rất ngọt. Năng khiếu bẩm sinh giúp anh tự mày mò chơi được đàn guitar và cả piano.
“Định mệnh” với những vai phụ
Khi anh tốt nghiệp trung học, Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 TP.HCM về Long An tuyển sinh. Anh dự thi và đậu vào khóa diễn viên chung lớp với Quyền Linh, tuy nhiên, anh lớn hơn bạn đồng học vài ba tuổi.
Thời Hoàng Nhân học trường nghệ thuật, sinh viên rất thiếu thốn, ít cơ hội chạy show, nhưng được rèn kỹ bài bản từ tiếng nói sân khấu, đến kỹ thuật biểu diễn. Hầu như đa số diễn tốt, có chất giọng dày và biểu cảm. Sau khi tốt nghiệp, anh về đầu quân cho Nhà hát Kịch TP.HCM hơn 10 năm. Song song đó, anh có cơ hội tham gia rất nhiều phim truyền hình và điện ảnh. Có một thời gian dài, anh được mời hát tại các chương trình tạp kỹ.
Vào nghề lâu năm, chất giọng đẹp, gương mặt xương với chân mày rậm đậm chất điện ảnh, diễn xuất tốt, hát hay nhưng không hiểu vì sao Hoàng Nhân chỉ được chọn vào vai phụ, trung niên nghèo khổ. Chính anh cũng không thể lý giải điều này. Cuối cùng anh đành dùng từ định mệnh để diễn tả thân phận của mình.
Về sau, anh chuyên sâu vào các vai phản diện và để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Điều thú vị là ngay chính Hoàng Nhân cũng không thể nhớ hết tên các vai diễn mà anh đã hóa thân, vì số lượng phim anh tham gia quá nhiều. Tuy nhiên, những khán giả am hiểu điện ảnh vẫn còn nhớ Hoàng Nhân trong tạo hình các nhân vật phản diện như Lập của phim điện ảnh Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, ông Nhông trong phim truyền hình Bìm bịp kêu chiều của Trung Dân, hay vai diễn người điên có số phận bi kịch nửa chánh nửa tà trong phim Quyến rũ của Trương Quang Thịnh…
Anh không chỉ diễn tốt mà chất giọng của anh đẹp đến mức đã từng được mời lồng tiếng phim bộ Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc) suốt nhiều năm. Nói chung, anh có tất cả những kỹ năng cần thiết của một người nghệ sĩ, nhưng số phận không cho anh thành ngôi sao.
Thế nhưng, Hoàng Nhân chưa bao giờ quan tâm đến 4 chữ “hào quang danh vọng”, bởi anh đến với nghệ thuật vì sự thôi thúc bên trong và niềm hạnh phúc nội tại. Anh mê nghệ thuật và cảm thấy cuộc đời vô nghĩa nếu không trở thành nghệ sĩ. Anh ca diễn ở đâu cũng được miễn là được chìm đắm trong không gian nghệ thuật. Bởi anh đến với nghệ thuật không phải vì khát khao nổi danh và giàu có. Nhờ thế anh mới có thể bám nghề, sống trong sự lặng lẽ, suốt gần 30 năm.
Bán nước mưu sinh
Thông thường, nam nghệ sĩ thường hay tụ tập bù khú. Vẻ ngoài phong trần của Hoàng Nhân dễ khiến người ta tưởng rằng anh mê rượu chè. Sự thật, anh có một nếp sống vô cùng điều độ. Anh thường có mặt ở phim trường đúng giờ, xong việc, anh chạy xe về nhà ở Thủ Thừa, Long An. Anh không thích uống rượu và hút thuốc, thay vào đó, anh tranh thủ thời gian để chạy bộ, đá cầu, hít đất.
Những lúc đóng phim xa nhà, quay xong, anh em hay kéo nhau đi ăn, nhưng anh thì về phòng tranh thủ nghỉ ngơi lấy sức làm việc. Nhịp sinh hoạt ấy giúp cho Hoàng Nhân có thể lực rất tốt. Cái thời phim ảnh truyền hình phía Nam còn hưng thịnh, anh đóng liên tù tì hết phim này đến phim khác. Nhờ vậy, anh dành dụm tiền mua được vài miếng đất ở quê.
Khoảng 6 năm trở lại đây, phim truyền hình phía Nam rơi vào khủng hoảng. Cát sê diễn viên vẫn như cũ trong khi vật giá leo thang. Thậm chí, số lượng phim cũng bắt đầu ít dần nên cơ hội nghề nghiệp cũng không còn tốt như trước. Kể từ đó, Hoàng Nhân làm thêm nghề bán nước mưu sinh.
- Văn nghệ sĩ TP HCM truyền năng lượng tích cực trong những ngày giãn cách xã hội
- Sân khấu không sáng đèn, nghệ sĩ muôn vàn khó khăn
Quê anh là vùng nước phèn, vị lợ. Bà con rất thiếu nước ngọt để ăn uống và sinh hoạt. Anh đóng bình nước ngọt để bán cho bà con. Thu nhập rất thấp, nhưng cũng đủ giúp anh có chút đỉnh, phụ tiền vợ, nuôi con. Nhiều người quen anh, đã không khỏi bất ngờ nhìn thấy Hoàng Nhân trong bộ quần áo lao động cũ kỹ, chở từng thùng nước đến tận nhà khách hàng là bà con nông dân ở Thủ Thừa. Nhưng anh thấy đó là điều bình thường.
Anh quan niệm rằng anh mang cái cốt nhà quê thì công việc chân tay đâu có gì là khổ cực hay hèn kém. Nó cũng giống như nhiều số phận các nhân vật mà anh đã hóa thân. Để rồi hết ngày làm việc, anh lại mang cây đàn guitar gỗ ra trước sân nhà, ngồi nghêu ngao hát một mình.
Giờ đây, tình hình dịch bệnh hoành hành, ngành giải trí đóng băng, Hoàng Nhân chỉ còn lại vai tuồng của một người lao động vùng nông thôn đúng nghĩa. Ngày ngày anh làm việc chân tay miệt mài, chăm chỉ. Anh an phận. Nhưng công việc ấy không thể xóa nhòa nỗi nhớ nghệ thuật trong trái tim anh. Quá buồn, anh xem lại các bộ phim mình đã đóng và hồi tưởng lại cảm xúc ở phim trường. Anh nói: “Nghề diễn bây giờ khó khăn lắm. Anh em chuyên vai phụ như tôi không đủ sống đâu. Dù khổ, dù nghèo nhưng chẳng ai bỏ nghề được, bởi vì, không có nghệ thuật thì đời người nghệ sĩ còn gì vui”.
Nguyễn Huy