Điện thoại thông minh - Dao hai lưỡi
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu gạt súng, đạn sang một bên, điện thoại thông minh ngày nay là "con dao hai lưỡi". Cùng với những tiện ích vô cùng tiện lợi phục vụ đời sống của con người, điện thoại thông minh đang được xem là một thứ vũ khí nguy hiểm trong tay khủng bố.
Loạt vụ tấn công khủng bố tại cách đây 3 năm tại Paris, Pháp (ngày 13/11/2015) được xem là một trong những bằng chứng điển hình về một cuộc tấn công quy mô lớn mà sẽ không thể xảy ra nếu không có điện thoại.
Một quan chức chống khủng bố của Pháp đề nghị giấu tên tiết lộ: "Các tay súng thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng và những kẻ đánh bom đã tấn công nhà hát Bataclan từ các phòng giải trí xung quanh". Tin nhắn được gửi tới đồng bọn ở Bỉ ngay trước khi chúng đột nhập vào nhà hát Bataclan để thực hiện hành động khủng bố khiến 90 người thiệt mạng là: "Đang tiến lên và bắt đầu hành động".
Cựu quan chức trên cho hãng tin AFP biết vào năm 2003, tại Iraq, những quả bom tự chế đã được cài chế độ kích hoạt với tin nhắn SMS khi đoàn xe hộ tống của Mỹ đi qua. Cách thức này sau đó được các phần tử Al-Qaeda lặp đi lặp lại nhiều lần. Hiện nay, các ứng dụng được mã hóa như Telegram, Wire và WhatsApp chính là công cụ có thể giúp các phần tử thánh chiến liên lạc với nhau khi muốn né tránh sự theo dõi của cảnh sát.
Từ nhiều năm qua, IS thậm chí đã "xuất bản" các hướng dẫn trực tuyến bằng nhiều thứ ngôn ngữ giải thích cho các phần tử thánh chiến cách chọn phần mềm tốt nhất để tránh bị phát hiện trong các vùng chiến sự. Đối với những "tân binh" mới tại các quốc gia đang phát triển, nơi điện thoại thông minh trở nên phổ biến hơn cả máy tính, chúng còn sử dụng nhiều chiến lược khác nhau hơn nữa.
- 'Sói đơn độc' sắp biến mất vì điện thoại thông minh
- Khi điện thoại thông minh 'khủng bố' sàn diễn phương Tây
Ông Laurent Heslault, Giám đốc phụ trách chiến lược an ninh của công ty an ninh Symantec cho rằng: "Khi điện thoại không đơn giản là điện thoại, chúng lại trở thành những chiếc máy tính. Chúng có sức mạnh lớn hơn những gì chúng ta từng có 10 năm trước do chúng có thể tính toán, ghi nhớ và khả năng kết nối lớn hơn nhiều. Chúng cũng chính là những công cụ "quyền lực" để truyền đạt thông tin. Chúng cho phép mọi người tiếp xúc với nhau chỉ bằng một động tác vuốt màn hình.
Theo ông Heslault, nếu như 30 năm trước, các phần tử khủng bố từng trao đổi thông tin bằng băng video, rồi sau đó là đĩa CD, thì hiện tại là trực tuyến và có thể kết nối bất kỳ thời điểm nào. Thậm chí những kẻ khủng bố có thể quay phim và tải hình ảnh lên mạng trong giây lát chỉ bằng một chiếc điện thoại.
Mặc dù có những mặt tiêu cực, song không thể phủ nhận những tính năng hữu dụng của điện thoại thông minh. Chúng có thể cung cấp cho các cơ quan tình báo những công cụ để theo dõi và triệt hạ các tổ chức và phần tử khủng bố. Việc sử dụng điện thoại thông minh còn giúp các cơ quan tình báo xác định các nghi phạm và trong quá trình xét xử.
Phương Hoa - TTXVN