Điền kinh Việt Nam trỗi dậy như Phù Đổng
(Thethaovanhoa.vn) - Ở 2 kỳ SEA Games gần đây nhất vào năm 2013 và 2015, đội tuyển điền kinh Việt Nam đều giành được 11 HCV. Vì thế, khi đến với SEA Games 2017, BHL đội tuyển điền kinh Việt Nam chỉ nhận chỉ tiêu sẽ giành 11 HCV, tương tự 2 kỳ SEA Games trước đây.
- Kỳ tích của điền kinh Việt Nam và chuyện đôi chân trần ở SEA Games 2017
- Mất HCV sở trường về tay Việt Nam, đội điền kinh Thái Lan bật khóc
- Điền kinh Việt Nam và hành trình săn Vàng nghiệt ngã
Tuy nhiên, khi môn điền kinh kết thúc ngày thi đấu cuối cùng vào tối ngày 26/8, các VĐV điền kinh Việt Nam đã giành được tới 17 HCV, lần đầu tiên đứng ở vị trí số một toàn đoàn tại một kỳ SEA Games.
Là người trong cuộc, trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) Trần Đức Phấn không hề ngạc nhiên với thành tích này.
Ông Phấn chia sẻ: “Chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho BHL đội tuyển điền kinh là trong 2 kỳ SEA Games 28 và 29 phải phấn đấu để đuổi kịp Thái Lan, vì ở các kỳ Đại hội trước số lượng HCV của điền kinh Thái Lan là rất lớn.
Lần này điền kinh chúng ta đã làm nên điều kỳ diệu, rất là tuyệt vời khi vượt qua Thái Lan với số lượng HCV rất cao. 17 HCV của điền kinh là một trong những thành tích rất vượt trội, và đột phá một cách dũng mãnh ở các nội dung thi đấu”.
Cũng theo ông Phấn, trong chỉ tiêu giành từ 49 tới 59 HCV mà TTVN nêu ra ở SEA Games 29 thì điền kinh là đội tuyển gánh vác trọng trách đi tiên phong để hỗ trợ HCV cho các đoàn thể thao khác.
Ông Phấn nói: “Riêng với điền kinh thì tôi phải họp với BHL nhiều nhất trong tất cả các môn để tính toán số lượng huy chương. Tôi đã nói điền kinh phải là môn tiên phong để gánh vác trọng trách giành HCV, nếu không chúng ta sẽ rất khó đạt được số lượng HCV như hiện nay. Và lần này điền kinh đã làm được việc đó”.
Giải thích về việc có phải chỉ tiêu 11 HCV của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 29 là con số khiêm tốn quá mức hay không, ông Phấn giải thích: “Điền kinh đăng ký từ 10 đến 11 HCV, nhưng lại đăng ký đến 14 HCB và hơn 14 HCĐ. Nếu VĐV có phong độ tốt thì sẽ chuyển HCB thành HCV, như Tú Chinh chẳng hạn, lúc đầu nội dung 100m thì chỉ đăng ký phấn đấu HCV, còn nội dung 200m thì không, với nội dung 4x100m tiếp sức thì khả năng HCV là 40-60. Và Tú Chinh tuy chỉ đăng ký 1 HCV nhưng lại giành thêm 2 HCV nữa.
Vậy là đội điền kinh đăng ký 14 HCB thì có 2 HCB chuyển thành HCV ở trường hợp của Tú Chinh. Với 12 HCB còn lại thì trường hợp của Yến Hoa chạy 100m cũng không tính toán sẽ giành HCV mà chỉ ước tính 50-50 nhưng cuối cùng lại có HCV.
Điền kinh chỉ đăng ký 11 HCV nhưng cuối cùng lại có 17 HCV không phải là đăng ký ảo, mà hoàn toàn có cơ sở, bởi các VĐV điền kinh nếu nhờ có phong độ tốt mà chuyển hoá 14 HCB thành HCV thì chúng ta có thể có nhiều hơn 20 HCV điền kinh chứ không chỉ có 17 HCV. Chúng tôi dự kiến nếu tốt thì điền kinh Việt Nam có thể đạt được 14-15 HCV và cuối cùng thực tế là chúng tôi giành được 17 HCV. Tuy nhiên, hầu như không có VĐV nào đăng ký HCĐ mà vượt lên thành HCV”.
Là VĐV điền kinh Việt Nam giàu thành tích nhất SEA Games 29 với 3 HCV, VĐV Lê Tú Chinh chia sẻ: “Tôi rất hài lòng và vui mừng khi giành được 3 HCV trong lần đầu tiên tham dự SEA Games. Sau SEA Games năm nay tôi sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa để tiến tới mục tiêu giành một vị trí trong top 3 tại Asian Games”.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đây là một kỳ SEA Games đặc biệt xuất sắc của điền kinh Việt Nam, khi VĐV của tất cả các nội dung đều giành được HCV, và có những HCV nằm ngoài tính toán của BHL, chẳng hạn như HCV nội dung tiếp sức nữ 4x100m, HCV 100m rào của Yến Hoa hay 5000m nữ của Nguyễn Thị Oanh.
Với sự trỗi dậy mạnh mẽ như vậy của điền kinh, dù SEA Games 29 còn chưa kết thúc nhưng ngay từ thời điểm này đã có thể khẳng định TTVN đã có một kỳ Đại hội khu vực cực kỳ thành công, khi mà các môn Olympic chiếm tỷ lệ hơn 92% trong số bộ sưu tập HCV của TTVN tại SEA Games 29, trong đó điền kinh đóng góp một phần vô cùng quan trọng với kỳ tích 17 HCV.
Huy Anh