loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày gần đây, số ca mắc mới Covid-19 có xu hướng giảm, nhất là số ca bệnh cộng đồng. Ngày càng nhiều bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số ca tử vong do Covid-19 cũng đã được kiểm soát, nhất là ở những “điểm nóng”. Điều này cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19.
Bộ Y tế Singapore ngày 30/9 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 2.268 ca mắc mới Covid-19 kỷ lục.
Đáng mừng hơn cả, số người được tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày càng nhiều. Tính đến sáng 30/9, số liệu công bố trên Cổng Thông tin tiêm chủng Covid-19 cho thấy, cả nước đã thực hiện được hơn 42,3 triệu mũi tiêm vaccine phòng Covid-19.
Trong cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất quan điểm là chuyển trạng thái từ mục tiêu không có Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để thực hiện phòng, chống dịch có hiệu quả, khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã bước đầu nới lỏng một số hoạt động phòng, chống dịch, cuộc sống bình thường mới đang dần trở lại. Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu khôi phục, đường phố tấp nập, người dân ở nhiều nơi được phép tập thể dục ngoài trời, mua đồ ăn chín mang về…
Sau ngày 30/9, các địa phương sẽ tiếp tục nới lỏng thêm nữa để sớm đưa cuộc sống, sản xuất, sinh hoạt về trạng thái bình thường mới. Nhưng chính Thủ tướng cũng đúc rút một số bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh việc tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình; tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.
Câu chuyện của Hà Nội đêm trung thu vừa qua là một ví dụ thực tế cho thấy nguy cơ dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan. Ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, nhiều khu vực ở như hồ Hoàn Kiếm, Đồng Xuân, Hàng Mã, đường Thanh Niên... cực kỳ đông người, ùn tắc đường phố đến mức không còn khoảng cách để phòng, chống dịch. Rất nhiều người, trong đó có các chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại vụ việc này sẽ dẫn đến một đợt giãn cách tiếp theo, có thể kéo dài đến Tết! Rất may cho Hà Nội là nguy cơ đó đã không xảy ra.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, việc người dân đổ ra đường tối Trung thu là không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch, thể hiện sự chủ quan, coi thường sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Vì việc này, thành quả chống dịch của cả thành phố, trong đó có đóng góp quyết định của nhân dân Thủ đô bị thách thức rất lớn. Vị lãnh đạo này mong người dân rút kinh nghiệm, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch. Bởi công tác chống dịch chỉ đem lại kết quả thực chất khi tất cả đồng lòng và tự giác chấp hành các quy định đảm bảo an toàn. Có như vậy thành quả bước đầu và công sức bỏ ra không uổng phí chỉ vì sự chủ quan của một bộ phận người dân…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong trạng thái bình thường mới thì các biện pháp phòng dịch tại nơi kinh doanh, sản xuất, nơi làm việc như đeo khẩu trang, sát khuẩn, thực hiện giãn cách giữa người với người… càng phải tiếp tục được duy trì. Chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không được chủ quan, lơ là, tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm thông điệp “5K” ngay cả khi đã thực hiện việc tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Không có một loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%. Có nghĩa là sau tiêm chủng vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp đã tiêm có thể vẫn mắc bệnh. Vaccine phòng Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus còn giúp làm giảm số trường hợp biến chứng nặng do mắc bệnh, giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh diễn biến nặng, giảm nguy cơ tử vong. Nhưng tiêm vaccine không đồng nghĩa với hiệu quả bảo vệ tuyệt đối, người dân vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Bài học xương máu từ nhiều nước trên thế giới cũng chính là kinh nghiệm từ thực tiễn tốt nhất cho Việt Nam học tập. Singapore đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng liên tục sau khi nước này nới lỏng hạn chế. Trong khi đó, hơn 80% dân số Singapore đã được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nước này hiện đã siết một số quy định, bao gồm giới hạn ăn uống bên ngoài theo nhóm tối đa 2 người; nhiều nơi quay lại áp dụng chế độ làm việc từ xa...
Nằm trong nhóm nước có tỉ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới nhưng nhiều ngày gần đây, Israel ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày do biến thể Delta lây lan nhanh chóng. Đến đầu tháng 9/2021, đã có hơn 2,5 triệu người Israel (khoảng 28% dân số) được tiêm liều thứ 3 và đến nay đang tiếp tục kêu gọi tiêm liều thứ 4 nhằm kiểm soát lây lan dịch bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia quốc tế cho biết, SARS-CoV-2 sẽ tồn tại và biến đổi giống như virus gây ra đại dịch cúm, sẽ không thể loại bỏ hoặc xóa sổ. Do đó, Việt Nam cũng đã xác định cuộc chiến với COVID-19 còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, thích ứng và có cách làm phù hợp.
Cho đến nay, lực lượng tuyến đầu vẫn đang tiếp tục chống dịch, nỗ lực cứu chữa người bệnh, hạn chế ca tử vong. Các cấp chính quyền cũng nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, mở rộng "vùng xanh". Để cuộc sống người dân sớm trở lại trạng thái bình thường mới thì không nên để sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người dân làm ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả đất nước.
Hơn lúc nào hết, cộng đồng toàn xã hội cần nâng cao ý thức chủ động, tự giác trong phòng, chống dịch, nhất là tuân thủ quy tắc 5K; chính quyền giám sát chặt những địa điểm, tụ điểm đông người. Nếu để lây nhiễm trong những hoạt động tập trung đông người sẽ rất nguy hiểm. Bởi từ đó, dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát rất nhanh, các địa phương sẽ phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, siết chặt các hoạt động. Đây chắc chắn là điều không ai mong muốn…
Thanh Giang/TTXVN
loading...